Thực tế, kết quả kinh doanh của 28 ngân hàng thời gian qua vẫn khá ấn tượng. Cụ thể, tổng lợi nhuận trước thuế của 28 ngân hàng trong 9 tháng đạt 192.500 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2021. Tính hết 3 quý, có 7 ngân hàng gia nhập câu lạc bộ lợi nhuận 10.000 tỷ đồng, 9 ngân hàng có tốc độ tăng trưởng trên 50%.
Mặc dù tốc độ tăng trưởng chung vẫn rất lạc quan, song tốc độ tăng trưởng của nhiều ngân hàng đang chậm lại, đặc biệt trong quý IV/2022, do chi phí vốn tăng lên (lãi suất huy động tăng đẩy chi phí huy động vốn cao hơn, khiến biên lãi thuần (NIM) sụt giảm).
Bên cạnh đó, tốc độ tăng lợi nhuận ngân hàng còn chậm lại còn do phải tăng trích lập dự phòng rủi ro để đối mặt với tình trạng nợ xấu gia tăng.
Vì vậy, khả năng năm nay một số ngân hàng vẫn có kết quả kinh doanh khả quan do ứng dụng mạnh hoạt động chuyển đổi số, ký kết được những hợp đồng bảo hiểm, hay các đối tác chiến lược mua lại cổ phần… thì khả năng vẫn có mức thưởng tốt, hoặc tương đương với năm trước do phải "để dành" nếu kịch bản năm sau kém khả quan.
Ngược lại, một số ngân hàng top dưới thì việc thưởng sẽ tương đương mọi năm, khoảng từ 1 - 2 tháng lương. Thậm chí, một số ngân hàng có biến động thời gian gần đây nhiều khả năng cũng sẽ bị giảm tiền thưởng so với năm trước.
"Năm nay, ngân hàng em gặp lình xình về trái phiếu nên không biết có thưởng không nữa. Mọi năm giờ này ngân hàng cũng đã in lịch để tặng khách hàng nhưng năm nay vẫn chưa thấy...", L, nhân viên một ngân hàng tại TP.HCM, lo lắng.
Với ngành chứng khoán, năm 2021 là năm "bội thu" của ngành này. Cụ thể, trong top 10 công ty dẫn đầu thị phần môi giới trên sàn chứng khoán TP.HCM (HoSE) đều đạt doanh thu và lợi nhuận kỷ lục kể từ khi thành lập. Trong đó, có 5 công ty chứng khoán đạt mức tăng trưởng doanh thu trên 100%, cá biệt FPTS và KIS lên đến 240%.
Không chỉ các DN nằm trong top 10, các công ty chứng khoán quy mô trung bình và nhỏ cũng tăng trưởng lợi nhuận kỷ lục, chẳng hạn: Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) tăng trưởng lợi nhuận 87%; Chứng khoán ACB tăng 210%, Rồng Việt tăng 178%, BSC tăng 170%, TPS tăng 162%…
Cũng chính bởi sự tăng trưởng lợi nhuận tốt, mùa Tết 2022, loạt công ty chứng khoán đều có mức thưởng Tết cực kỳ hấp dẫn với mức thưởng ít nhất từ 3-12 tháng lương, có doanh nghiệp thưởng Tết dương và Tết Âm lịch tổng cộng 13 tháng lương.
Thậm chí, Công ty Chứng khoán Rồng Việt sau một năm kinh doanh hiệu quả, có nhân viên được thưởng cao nhất lên tới 20 - 26 tháng lương.
Tuy nhiên, bước sang năm 2022 thì tình hình khác hẳn. Đặc biệt, trong quý 3, lợi nhuận ròng các công ty chứng khoán đã sụt giảm đến 68,1%, do thanh khoản thị trường chứng khoán giảm 40,9% và thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng hứng chịu tâm lý tiêu cực sau nhiều đợt vi phạm của các doanh nghiệp.
Vì vậy, theo nhận định của một số chuyên gia, mức thưởng Tết ngành chứng khoán năm nay khả năng sẽ sụt giảm.
Lãnh đạo ở một số công ty chứng khoán cho biết đã họp bàn việc chia thưởng Tết cho nhân viên nhưng phần đông từ chối tiết lộ mức thưởng cụ thể vì đây là vấn đề nhạy cảm. Tuy nhiên, hầu hết chung nhận định "năm nay ngành chứng khoán đón Tết không bằng năm trước" vì lợi nhuận của các công ty đều tăng mạnh.
"Việc thưởng Tết thì còn phải xin ý kiến từ ban lãnh đạo tập đoàn, hơn nữa đây cũng là vấn đề nhạy cảm nên công ty thường tránh thông báo sớm để khỏi dao động nhân tâm. Có thể phải sát tết mới biết được, thậm chí khi được chuyển tiền thưởng mới biết", đại diện một công ty chứng khoán, chia sẻ.
Trong khi đó, ông Trương Hiền Phương, Giám đốc Cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam, nhận định, năm nay là năm có nhiều khó khăn cho rất nhiều ngành nghề, trong đó có ngành tài chính. Ví dụ như ngành ngân hàng hiện đang gặp khó khăn về hạn chế room tín dụng, lãi suất phải điều tiết liên tục. Phải biết rằng tăng lãi suất cũng không phải là điều tốt cho ngành ngân hàng, bởi khi tăng lãi suất đầu vào nhưng đầu ra không ra được khiến chi phí vốn tăng cao.
Với ngành chứng khoán, thanh khoản sụt giảm, thị trường giảm sốc, liên tục vào kéo dài hơn nửa năm dẫn đến doanh thu của các công ty chứng khoán cũng giảm. Chưa kể nhà đầu tư cũng hạn chế đầu tư, hạn chế sử dụng đòn bẩy tài chính dẫn đến các thu nhập của các doanh nghiệp chứng khoán cũng giảm.
Ngoài ra, thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng ảnh hưởng nhiều khi việc phát hành trái phiếu - một dịch vụ mang lại thu nhập cho công ty chứng khoán (tư vấn, phát hành trái phiếu…) lại gặp lình xình do một số công ty vi phạm.
"Cho nên, theo tôi năm nay ngành tài chính kinh doanh không khả quan bằng năm trước nên mức thưởng sẽ không hấp dẫn bằng năm trước", ông Phương chia sẻ thêm.