Những trở ngại từ nền kinh tế toàn cầu và một số yếu tố về mặt tài chính trong nước vào nửa cuối năm đã khiến thị trường bất động sản TP.HCM thời gian qua gần như "tê liệt".
Thắt chặt tiền tệ, lãi suất tăng cao, biến động trên thị trường trái phiếu đã tạo ra những cú sốc, đặt doanh nghiệp bất động sản vào tình thế cấp bách khi dòng tiền hoạt động cũng như đầu tư gặp khó khăn.
Thực tế phản ánh từ cộng đồng doanh nghiệp cho thấy, nghẽn dòng vốn kéo dài sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh cơ bản của doanh nghiệp, ảnh hưởng tiến độ triển khai dự án, qua đó cũng ảnh hưởng đến tiến độ dòng tiền thu về trong tương lai.
Hậu quả, thị trường bất động sản rơi vào trầm lắng, thanh khoản bị sụt giảm nhanh chóng. Kéo theo, nhiều chủ đầu tư hụt hơi, thiếu vốn phải đưa ra những giải pháp để kích cầu thanh khoản trên thị trường.
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, hiện nay thị trường bất động sản đang rất khó khăn và đứng trước khả năng có thể rơi vào suy thoái. Một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản đang thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh (dừng, trì hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án; dừng triển khai các dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn; dừng IPO).
Theo HoREA, một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản phải tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động (thậm chí có tập đoàn giảm đến 50% lực lượng lao động) tác động đến vấn đề an sinh xã hội, hoặc phải giảm lương tác động đến cuộc sống người lao động.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản "đói vốn" nên phải vay vốn ngoài xã hội với lãi suất rất cao, đầy rủi ro, hoặc phải bán bớt tài sản, dự án hoặc bán sản phẩm bất động sản, nhà ở với chiết khấu sâu (thậm chí đến 40% giá hợp đồng).
Việc bán dự án với "giá bèo" có thể tạo lợi thế cho các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài khiến mất đi lợi thế của doanh nghiệp nội địa.
Ông Neil MacGregor - Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam đánh giá Việt Nam đang ghi nhận thặng dư thương mại tích cực, đồng tiền tương đối mạnh và chỉ số CPI, lạm phát tương đối trong tầm kiểm soát so với tình hình chung trên toàn cầu. Đánh giá về phân khúc sẽ chiếm ưu thế và là điểm sáng của thị trường năm sau, chuyên gia Savills khẳng định bất động sản công nghiệp vẫn sẽ được sự quan tâm rất lớn trong năm tới.
Theo đó, trong năm 2022, giá thuê tại TP.HCM đã chạm mức khoảng 300 USD/m2/chu kỳ thuê và tỷ lệ lấp đầy gần như tuyệt đối. Tại vùng lân cận như Long An và Bình Dương, giá thuê đã lên đến gần 180 USD/m2/chu kỳ thuê và nguồn cung có sẵn không quá nhiều và nằm xa trung tâm.
Điểm đặc biệt trên thị trường hiện nay là xu hướng gia tăng sự quan tâm, xây dựng cơ chế đầu tư cho các sản phẩm chuyên biệt như nhà kho xây sẵn (RBW), nhà xưởng xây sẵn (RBF), logistics, data centers...
Bên cạnh đó, chuyên gia Savills đánh giá trong năm 2023, các thương vụ M&A sẽ tiếp diễn, trong đó bất động sản sẽ là tâm điểm. "Chúng tôi đang thấy rất nhiều sự quan tâm từ các nhà đầu tư quốc tế bất chấp những khó khăn của nền kinh tế toàn cầu nói chung. Savills vẫn liên tục nhận được sự quan tâm từ các nhà đầu tư quốc tế trên tất cả các phân khúc của thị trường và xu hướng này sẽ được duy trì. Điều đó cũng được phản ánh trong kết quả thu hút FDI trong năm 2022", ông Neil nói.
Theo đó, nhiều hoạt động M&A là của các nhà đầu tư Việt Nam, nhưng cũng có không ít giao dịch quan trọng diễn ra giữa các bên nước ngoài.
Trước đó, thị trường M&A bất động sản đã quy tụ các động lực phát triển trong suốt năm 2022. Cushman & Wakefield ước tính, khối lượng giao dịch các thương vụ M&A đã chính thức công bố rộng rãi trong 9 tháng đầu năm 2022 đạt hơn 1,5 tỷ USD. Đây là mức giá trị giao dịch cao nhất trong 5 năm vừa qua, chủ yếu tập trung vào phân khúc văn phòng, công nghiệp, nhà ở và khách sạn tại các thành phố trọng điểm như TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương và Đồng Nai.
Trong các tháng đầu năm 2022, loạt thương vụ M&A đã được thực hiện thành công. Đơn cử, đầu năm 2022, CapitaLand Development đã chuyển nhượng thành công tòa nhà văn phòng hạng A Capital Place thuộc khu vực trung tâm Hà Nội với giá 550 triệu USD, xác lập kỷ lục mới về giá trị giao dịch tòa nhà văn phòng tại thị trường Hà Nội.
Một đại diện khác là Keppel Land đã ký thỏa thuận mua 49% cổ phần trong 3 khu đất tại Hà Nội của CTCP Địa ốc Phú Long với tổng giá trị khoảng 119 triệu USD, để phát triển dự án nhà ở bao gồm 1.020 căn chung cư và 240 căn thấp tầng. Keppel Land cũng đã công bố việc thực hiện thương vụ thoái vốn trong dự án nhà ở có diện tích 30ha tại TP.HCM.
Hay như Gamuda Land cũng cho biết đã tiến hành mua lại một khu đất phát triển tại thành phố mới Bình Dương với mức giá gần 54 triệu USD, có diện tích 5,6ha. Ngoài ra, quỹ đầu tư Hoa Kỳ Warburg Pincus đã công bố việc rót khoản vốn đầu tư 250 triệu USD vào Novaland, nhằm gia tăng quỹ đất và phát triển các dự án hiện hữu của Novaland tại các vị trí chiến lược, tận dụng cơ sở hạ tầng đang dần hoàn thiện ở miền Nam.
Hai quỹ đầu tư có vốn đầu tư nước ngoài VinaCapital và Dragon Capital cũng thông báo việc đầu tư 103 triệu USD vào Hưng Thịnh Land. Thị trường cũng đã chứng kiến thương vụ 'thay áo mới' của dự án Kenton Node từ công ty Tài Nguyên chuyển nhượng cho Novaland và đổi tên thành Grand Sentosa với hơn 1.640 căn hộ tại TP.HCM.
Một thương vụ đáng chú ý khác là Masterise Homes thâu tóm dự án Sài Gòn Bình An với tên gọi mới là The Global City, quy mô rộng 117 ha và tiếp giáp với cao tốc Long Thành - Dầu Giây. Đối với bất động sản khu công nghiệp, sự gia tăng số lượng nhà đầu tư muốn mua những quỹ đất hoặc nhà xưởng trong các khu công nghiệp gia tăng.