Vừa qua, Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng đã có tờ trình đề nghị ủy ban tỉnh phê duyệt đề án Quản lý nhà kính, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Theo Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng, năm 2004, UBND tỉnh đã phê duyệt Chương trình phát triển Nông nghiệp công nghệ cao giai đoạn 2004 - 2010. Kết quả đến cuối năm 2010 tổng diện tích canh tác nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Lâm Đồng là hơn 6.400 ha, giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích canh tác đạt 76 triệu đồng/ha, với thu nhập bình quân từ 35 - 40 triệu đồng/ha. Trong đó, diện tích nhà kính đạt hơn 1.100ha.
Tại giai đoạn này, nhà kính đa số làm bằng vật liệu khung tre, sắt V3, V4 và màng phủ nilon 1 - 2 lớp chủ yếu dùng để che mưa, chưa có quy cách thiết kế nhà kính cụ thể, chủ yếu là phát triển tự phát.
Tiếp đó, đến giai đoạn 2011 – 2015, tổng diện tích nhà kính tại Lâm Đồng đã phát triển đến hơn 3.100ha. Năng suất, giá trị sản phẩm cây trồng, vật nuôi áp dụng công nghệ cao tăng bình quân trên 30%, giúp tăng lợi nhuận cho người sản xuất đạt trên 40% so với doanh thu. Tỷ trọng giá trị nông sản xuất khẩu chiếm 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
Tuy nhiên, giai đoạn này, đã có một số doanh nghiệp nhập khẩu vật liệu nhà kính từ các nước tiên tiến như Đài Loan, Nhật Bản, Hà Lan… lắp ráp cho các doanh nghiệp chuyên sản xuất các loại hoa cao cấp, vườn ươm. Đến nay, toàn tỉnh Lâm Đồng đã có hơn 4.300ha nhà kính (tăng hơn 1.100ha so với năm 2015).
Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng cũng phối hợp với các đơn vị liên quan điều tra, khảo sát và xác định hiện có 4 loại nhà kính thông dụng được sử dụng trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Trong đó, 2 loại nhà kính cấp cao là 1A và 1B. Kết cấu nhà kính có mái cánh bướm, mái vòm hở 1 bên có khẩu độ 9,6-12.8m, chiều cao máng xối 5m. Màng lợp bằng polyethylene 5 lớp dày 200 micron với các đặc tính chống bám bụi, chống đọng sương, chống virus, chống tia UV.
2 loại nhà kính cấp trung là 2A và 2B có kết cấu nhà kính mái vòm hở 1 bên có khẩu độ 8-9,6m. Nhà được làm theo tiêu chuẩn thiết kế và xây dựng nhà màng nông nghiệp của các nước và các tiêu chuẩn thiết kế tải trọng phù hợp với điều kiện ở Việt Nam.
Ngoài ra, 3 loại nhà kính cấp thấp 3A, 3B, 3C có kết cấu nhà kính 3A mái vòm kín, 3B mái vòm hở, 3C mái chữ A có khẩu độ 5,2-6m. Loại nhà kính này có đến 93% nông hộ được điều tra đang sử dụng. Trong khi đó, nhà kính cấp trung được sử dụng chỉ chiếm tỷ lệ 6%, còn lại nhà kính cấp cao chỉ chiếm 1% tập trung chủ yếu ở các trang trại có vốn đầu tư lớn.
Qua khảo sát của Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng, tại phường 12, TP.Đà Lạt tỷ lệ diện tích nhà kính/diện tích canh tác chiếm 83,7%. Trong khi đó, phường 5, 7 và phường 8 trên 60%. Một số phường nội ô TP.Đà Lạt như phường 6, phường 3, phường 4 do giá đất tăng cao trong 3 năm trở lại đây nên nhiều diện tích nhà kính được người dân chuyển đổi sang đất xây dựng, không sử dụng nhà kính. Tại phường 6 hiện chỉ còn 9,4 ha và phường 3 là 23,4 ha nhà kính.
Cũng theo Sở này, để đề án được thực hiện đúng lộ trình và có kết quả cao các cơ quan chức năng cần vận động, hướng dẫn người dân xây dựng nhà kính mới đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, có xin phép xây dựng nhà kính thông qua đăng ký biến động đất đai.
Thực hiện cải tạo, chỉnh trang nhà kính đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, trồng cây xanh trên bờ lô, bờ thửa để giảm hiệu ứng nhà kính.
Bên cạnh đó, chuyển đổi sản xuất trong nhà kính sang canh tác ngoài trời, phát triển nhà kính hiện đại để phát huy hiệu quả các thiết bị công nghệ cao, công nghệ IoT kết hợp sử dụng các quy trình canh tác tiên tiến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm góp phần bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, về giải pháp quy hoạch, chỉnh trang đô thị, cần ban hành quy định tạm thời về tiêu chuẩn kỹ thuật nhà kính, mật độ xây dựng nhà kính, quy chế quản lý nhà kính trên địa bàn tỉnh để quản lý việc xây dựng nhà kính trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, phù hợp với cảnh quan và điều kiện thực tế của từng vùng.
Tăng cường công tác quản lý khu vực sản xuất nông nghiệp theo quy hoạch chung và kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt. Cần đảm bảo về mục tiêu, phạm vi, mục đích sử dụng đất nông nghiệp theo quy hoạch được duyệt, không phát triển thêm nhà kính trong khu vực đô thị.
"Tỉnh Lâm Đồng cần quy hoạch đất sản xuất nông nghiệp trong đô thị nhằm phục vụ cho sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp tiên tiến mà không sử dụng nhà kính, giảm tỷ lệ đất sản xuất nông nghiệp trong đô thị, tăng tỷ lệ đất xây dựng đô thị. Các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch vùng phát triển nhà kính tập trung ngoài đô thị (vùng ven đô thị, vùng chuyên canh nông nghiệp) gắn với quy hoạch chung và kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt.
Khuyến khích dỡ bỏ màng nilon bao quanh nhà kính và thay đổi phương thức trồng trọt trên diện tích đất canh tác này bằng canh tác cây trồng ngoài trời hoặc bán nhà kính (sau vài mùa vụ thì tháo trần nhà kính để canh tác mở hoặc xây dựng nhà kính điều khiển tự động mái che).
Đặc biệt, ở những nơi có mật độ nhà kính cao, khu vực nhà kính ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường. Cây trồng được lựa chọn để chuyển đổi đảm bảo cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao và đáp ứng yêu cầu của thị trường, ưu tiên lựa chọn những giống phù hợp với thực tế sản xuất", Sở NNPTNT chỉ rõ các giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả đề án.
Song song với đó, việc cho vay thế chấp nhà kính là tài sản gắn liền với đất đối với nhà kính xây dựng đảm bảo quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật và được cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng là giải pháp về chính sách cũng được người dân, doanh nghiệp rất quan tâm.