Lớp học xóa mù nơi bản Mông biên giới Mường Lống
Từ hơn 3 tháng nay, đều đặn từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần, ban ngày lên nương rẫy, tối đến, phụ nữ ở bản Mông Mường Lống, xã Tri Lễ (Quế Phong) lại rủ nhau tới lớp học xóa mù do Đồn Biên phòng Tri Lễ tổ chức để học chữ phổ thông.
Lớp học xóa mù nơi bản Mông biên giới
Cứ vào tầm 7h30 phút tối, sau khi thu xếp việc nhà, bất chấp thời tiết giá rét, chị em ở bản Mông Mường Lống, xã Tri Lễ lại mang theo giấy bút, sách vở, tay cầm đèn pin đến với lớp học xóa mù đặt tại điểm Trường Tiểu học Tri Lễ 4. Ảnh: Đình Tuyên
Lớp học do Đồn Biên phòng Tri Lễ tổ chức với con số đăng ký là 50 học viên, chủ yếu là phụ nữ Mông ở bản Mường Lống có độ tuổi từ 20-40, hầu hết đã có gia đình. Mỗi buổi học bắt đầu từ 7h30 phút đến 9h30 phút với khoảng 30-40 học viên tham dự. Ảnh: Đình Tuyên
Lớp học có 4 giáo viên chính, trong đó, có 2 Thượng úy Biên phòng người Mông là đồng chí Xồng Bá Rống và Xồng Bá Khư, nhân viên Đội Vận động quần chúng (Đồn Biên phòng Tri Lễ). Ảnh: Đình Tuyên
Là người đồng hành với lớp học từ những buổi khởi đầu, Thượng úy Xồng Bá Khư quê ở huyện Kỳ Sơn cho biết: "Bản Mường Lống có 135 hộ, 815 khẩu, cách trung tâm xã Tri Lễ khoảng 30 km. Đường sá đi lại khó khăn, trình độ nhận thức của người dân còn hạn chế, phụ nữ trong bản phần lớn không biết chữ, không nói được tiếng phổ thông. Bởi vậy, quá trình dạy học chúng tôi phải vận dụng cả tiếng phổ thông và tiếng đồng bào, nhờ các thầy, cô ở Trường Tiểu học Tri Lễ 4 hỗ trợ thêm để soạn giáo án phù hợp, nhằm giúp các chị dễ nhớ, dễ thuộc, dễ hiểu". Ảnh: Đình Tuyên
Cùng tham gia đứng lớp có 2 tri thức trẻ tình nguyện người Mông đến từ Đoàn Kinh tế Quốc phòng 4 (Quân Khu 4). Đó là Lỳ Bá Tu và Lỳ Bá Xành - hai chú cháu họ, cùng sinh năm 1997, quê ở xã Đoọc Mạy (Kỳ Sơn), nguyên là sinh viên đã tốt nghiệp Trường Đại học Vinh. Cả hai cho biết: Lần đầu tiên được đứng lớp hỗ trợ chị em người Mông học chữ họ rất vui. Đây là hoạt động rất có ý nghĩa và là trải nghiệm khó quên trong cuộc đời của họ. Ảnh: Đình Tuyên
Thời gian đầu, các học viên còn khá ngại ngùng, e dè. Những bàn tay chỉ quen cầm cuốc, cầm dao cặm cụi trên nương rẫy, nay khá lúng túng khi cầm bút. Một số học viên lớn tuổi tay cứng khó viết chữ, phát âm không rõ chữ nhưng các chị rất cố gắng, chăm chỉ và tiến bộ từng ngày. Ảnh: Đình Tuyên
Đến nay, sau gần 3 tháng, dưới sự kiên trì của giáo viên đứng lớp và nỗ lực của bản thân, nhiều chị đã biết đọc, biết viết, biết tính toán, nhắn tin trên điện thoại... Ảnh: Đình Tuyên
Niềm vui của chị Già Y Mò khi lần đầu tiên biết đánh vần, biết viết tên mình. Chị cho biết: Học cái chữ để giao tiếp thuận lợi hơn và phục vụ thi bằng lái xe máy. Ảnh: Đình Tuyên
Cùng với dạy chữ xóa mù, các giáo viên đứng lớp còn khéo léo kết hợp tuyên truyền cho chị em về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, ăn ở hợp vệ sinh, bài trừ các hủ tục lạc hậu. Trong ảnh: Đồng chí Lê Hội Viên - Đồn phó Đồn Biên phòng Tri Lễ giúp các chị Thò Ý Pa và Thò Thị Dung hoàn thiện, khả năng đọc, viết. Ảnh: Đình Tuyên
Lớp học xóa mù ở bản Mông Mường Lống, xã Tri Lễ sẽ kết thúc sau 6 tháng. Sau khi kết thúc khóa học, học viên sẽ được làm bài kiểm tra để cấp chứng chỉ. Dù thời gian học tương đối dài, nhưng từ khi khai giảng đến nay, đều đặn các tối, trong cái lạnh buốt giá ở vùng cao, nơi lớp học đặc biệt vẫn đồng thanh vang lên tiếng đánh vần của các chị, các em. Ảnh: Đình Tuyên
Sau mỗi buổi học, các chị, các em người Mông ở bản Mường Lống lại vui vẻ ra về và không quên hẹn nhau hôm sau lại cùng tới lớp để học cái chữ. Trong suy nghĩ của họ, học chữ không chỉ giúp bản thân mình tiến bộ mà còn để làm gương, động viên con cháu chăm lo học hành. Ảnh: Đình Tuyên