Mới đây, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết đã ban hành Quy chế đào tạo bậc đại học mới, áp dụng với sinh viên khóa tuyển sinh từ năm 2022 trở đi, cho phép sinh viên có thể được chuyển ngành học. Theo đó, sinh viên hoàn thành năm học thứ nhất được xem xét chuyển sang học một ngành học khác nếu đáp ứng điều kiện trúng tuyển của ngành muốn chuyển sang học, tích lũy tối thiểu 35-45 tín chỉ tùy chương trình đào tạo, điểm trung bình các học phần (GPA) tính đến thời điểm xét đạt từ 2.5/4 trở lên, không bị cảnh báo học tập hoặc bị xét kỷ luật.
Thông tin này gây sự chú ý với dư luận và là mối quan tâm của các sinh viên chợt nhận ra mình "đi… nhầm đường" sau một học kỳ học đại học.
Nguyễn Thị Minh Hà (Phú Thọ) hiện đang là sinh viên Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương, năm 2022, nguyện vọng vào Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương chỉ là phương án dự phòng của Hà khi không đỗ đại học. Còn mong muốn thực sự của nữ sinh là học ngành Thương mại điện tử của Học viện Bưu chính viễn thông, nhưng do điểm chuẩn cao, Hà đã không trúng tuyển.
"Hiện em đang trong giai đoạn ôn thi cuối kỳ, quãng thời gian qua em thấy "tấm vé vớt" nguyện vọng của mình hóa ra là "đi nhầm đường". Em không húng thú với học tập trong học kỳ qua và cảm thấy mình muốn chuyển trường. Em bối rối, tiến thoái lưỡng nan vì học tiếp thì không thích, mà không học tiếp thì ngại khâu chuyển trường tốn kém thời gian và chi phí", Hà nói.
Nữ sinh này cũng bày tỏ sự băn khoăn với Dân Việt về việc không rõ quy định chuyển trường, chuyển ngành ra sao và năm thứ nhất có được chuyển không?
Theo tìm hiểu của Dân Việt về Quy chế đào tạo trình độ đại học ban hành kèm theo Thông tư số 08/2021/TT-BGDĐT của Bộ GDĐT, nếu là sinh viên năm thứ nhất như trường hợp của Nguyễn Thị Minh Hà thì không thuộc đối tượng được xem xét chuyển trường, chuyển ngành.
Cụ thể, Khoản 1 Điều 16 Thông tư 08/2021/TT-BGDĐT quy định, sinh viên được xem xét chuyển sang học một chương trình, một ngành đào tạo khác, hoặc một phân hiệu khác của cơ sở đào tạo, hoặc từ phân hiệu về trụ sở chính khi có đủ các điều kiện sau: Không đang là sinh viên trình độ năm thứ nhất hoặc năm cuối khóa, không thuộc diện bị xem xét buộc thôi học và còn đủ thời gian học tập theo quy định; sinh viên đạt điều kiện trúng tuyển của chương trình, ngành đào tạo, của trụ sở chính (hoặc phân hiệu ) trong cùng khóa tuyển sinh; cơ sở đào tạo, trụ sở chính (hoặc phân hiệu) có đủ các điều kiện bảo đảm chất lượng, chưa vượt quá năng lực đào tạo đối với chương trình, ngành đào tạo đó theo quy định hiện hành của Bộ GDĐT; được sự đồng ý của thủ trưởng các đơn vị chuyên môn phụ trách chương trình, ngành đào tạo, người phụ trách phân hiệu (nơi chuyển đi và chuyến đến) và của hiệu trưởng cơ sở đào tạo.
Tiếp đó, khoản 2 Điều 16 Thông tư 08/2021/TT-BGDĐT quy định về trường hợp chuyển nơi học, chuyển cơ sở đào tạo với các điều kiện sau: Không đang là sinh viên trình độ năm thứ nhất hoặc năm cuối khóa, không thuộc diện bị xem xét buộc thôi học và còn đủ thời gian học tập theo quy định; Sinh viên đạt điều kiện trúng tuyển của chương trình, ngành đào tạo cùng khóa tuyển sinh tại nơi chuyển đến; nơi chuyển đến có đủ các điều kiện bảo đảm chất lượng, chưa vượt quá năng lực đào tạo đối với chương trình, ngành đào tạo đó theo quy định hiện hành của Bộ GDĐT; được sự đồng ý của hiệu trưởng cơ sở đào tạo xin chuyển đi và cơ sở đào tạo xin chuyển đến.
Sinh viên được xem xét chuyển từ đào tạo theo hình thức chính quy sang hình thức vừa làm vừa học hoặc đào tạo từ xa của cơ sở đào tạo nếu còn đủ thời gian học tập theo quy định đối với hình thức chuyển đến.
Quy chế của cơ sở đào tạo quy định chi tiết thẩm quyền, điều kiện, thủ tục chuyển chương trình, ngành đào tạo, chuyển nơi học, chuyển cơ sở đào tạo hoặc chuyển hình thức học; việc công nhận kết quả học tập hoặc chuyển đổi tín chỉ đã tích lũy đối cho sinh viên thuộc các trường hợp này.