Từ chuyện cô giáo bị "tố" đánh vào tay học sinh: Đâu là giới hạn cho phép?

Tào Nga Thứ tư, ngày 14/12/2022 11:12 AM (GMT+7)
Không chấp nhận tình trạng bạo lực ngay chính trong ngôi trường con mình theo học, chị M. lên tiếng phản đối cô giáo liên tục dùng thước, roi đánh vào tay học sinh.
Bình luận 0

Cô giáo đánh học sinh để giúp con tiến bộ?

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, chị H.A.M, phụ huynh có con học lớp 7 trong một trường học tại TP.HCM vô cùng bức xúc và phẫn nộ với cách hành xử của giáo viên dạy Toán. Chị M. cho hay: "Con mình học một trường công lập và giáo viên liên tục dùng thước, roi đánh thẳng vào tay học sinh chỉ vì những lỗi nhỏ như quên tập vở, làm sai phép tính, không đạt kỳ vọng của cô... Cô dùng bạo lực để răn đe và biện hộ rằng vì muốn tốt cho các con".

Kể thêm về câu chuyện của con mình, chị M. cho biết con của chị làm Toán sai 1 lỗi được 9,5 điểm nhưng vẫn bị cô phạt vào tay. Chị M. sau khi nghe chuyện con kể đã vô cùng bức xúc phản ánh vào nhóm phụ huynh và cô giáo chủ nhiệm về tình trạng trên. 

Phụ huynh TP.HCM bức xúc tố cô giáo liên tục đánh học sinh vì "muốn tốt cho các con" - Ảnh 1.

Chị M. thẳng thắn nêu quan điểm trong nhóm phụ huynh của lớp con. Ảnh: NVCC

"Không để tình trạng đó tiếp tục xảy ra, bạn lớp trưởng đã đứng lên phản đối và hỏi cô có quy định nào của nhà trường cho phép cô đánh học sinh không và trình bày luôn là đánh học sinh là không đúng pháp luật. Cô ngỡ ngàng rồi nhận lỗi với các con, cô cũng giải thích rằng thế hệ của cô, đòn roi là chuyện bình thường. Tệ hơn nữa, cô cũng biết rõ, hành vi của cô là vi phạm pháp luật nhưng vẫn cho rằng cách duy nhất để nhắc nhở học sinh là đòn roi với lời biện hộ, không đánh không nhớ. Cô xin lỗi và hứa không để tình trạng này xảy ra", chị M. cho hay.

Câu chuyện còn trầm trọng hơn khi chị trao đổi với phụ huynh thì nhiều người cho rằng chuyện cô giáo đánh con mình là... bình thường. Chị M. kể có ông bố còn khuyên phụ huynh khác đừng nên tin lời bọn trẻ con vì sai cô mới đánh, phạt là đúng. Có bà mẹ khác con bị đánh 10 roi vì quên tài liệu, biết rằng con mình bị đánh đau lắm nhưng cũng đồng thuận tha thứ cho cô và kêu gọi mọi người thông cảm cho cô.

Không chỉ mình chị M, chị Hoàng Thu Hằng, một phụ huynh có con học tiểu học ở Hà Nội cũng cho biết rất bất bình khi nghe con nói con bị cô giáo phạt vào tay khi viết sai: "Tôi mới chỉ nghe con nói bị cô đánh vào tay nên chưa rõ sự tình. Tuy nhiên, tôi không đồng ý với hành động này của cô. Có nhiều cách để giúp học sinh tiến bộ chứ không phải dùng roi hay đe nẹt học sinh".

Đâu là giới hạn cho phép?

Chia sẻ thêm với PV, chị M bày tỏ: "Tôi tin mỗi đứa trẻ đều có chính kiến, có lòng tự trọng khi nó được người khác đặc biệt là thầy cô tôn trọng các con. Các con chỉ nói thật khi người lớn tin các con và biết lắng nghe con mình.

Mình không tin con, sao đòi xã hội phải tin con? Mình không tôn trọng con, sao đòi nhà trường phải tôn trọng con. Tôi khác mọi người, tôi dạy con tôi, cơ thể của con, suy nghĩ của con là thuộc về bản thân con, không ai có quyền dùng bạo lực để ép con làm theo điều họ muốn. Kể cả điều đó được núp dưới danh nghĩa vì muốn tốt cho con, vì con sai, vì con yếu kém, vì con thiếu năng lực. Như vậy là tiếp tay cho đứa trẻ đó sau này cũng dùng bạo lực để trừng phạt. 

Bao nhiêu vụ trẻ con chết tức tưởi vì bạo hành của học đường, của gia đình mà sao các ba mẹ vẫn u mê mù quáng, đồng thuận để cho người khác đánh con mình như 1 cách "dạy dỗ". Tôi kịch liệt phản đối tất cả hình thức bạo lực ở học đường".

Đánh vào tay, quỳ hay đứng úp mặt trên bục giảng... đang là những hình thức phạt mà giáo viên áp dụng. Những hình phạt này đang gây tranh cãi và câu hỏi được đặt ra - đâu là giới hạn cho phép?

Chị Trần Minh Phương, quận Thanh Xuân, Hà Nội bày tỏ thông cảm với việc cô giáo đánh vào tay học sinh để các em tốt hơn: "Nếu nhắc nhở 1, 2 lần con vẫn tái phạm thì giáo viên cũng nên có biện pháp mạnh hơn để con nhớ".

Chị Tô Mai Hồng, phụ huynh có 2 con học ở quận Đống Đa, Hà Nội cho hay: "Tôi chấp nhận cho cô phạt con khi con làm sai nhưng không đồng ý cho cô đánh con dù mạnh, nhẹ hay chỉ là răn đe. Có nhiều cách phạt chứ không phải nhất thiết đánh con. Có lần con tôi bị đánh vào tay vì tội viết ẩu. Tôi không bênh con nhưng khi nhìn bàn tay con bị gõ chảy máu, tôi cảm thấy nếu đồng tình thì sẽ còn những lần sau, sau nữa. Điều này gây ra tác dụng ngược khiến con không muốn đến trường".

Liên quan đến việc phạt học sinh, luật sư Hoàng Minh Hiển, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho hay: "Hiện nay cũng có nhiều tranh cãi về việc dạy trẻ thế nào cho đúng cũng như việc áp dụng các biện pháp cứng rắn thế nào cho phù hợp mỗi khi trẻ làm sai. Những năm trước đây, giáo viên luôn áp dụng đánh, phạt học sinh vì cho rằng muốn ghi dấu cho các em nhớ để lần sau không tái phạm. Tuy nhiên, hiện nay, việc làm này không còn phù hợp trong môi trường giáo dục".

Luật sư Hiển bày tỏ, có rất nhiều biện pháp giúp trẻ tiến bộ hơn như chia sẻ, tâm sự, phân tích, nhắc nhở... để các em ý thức được những việc mình làm. "Tôi phản đối việc dùng bạo lực để dạy học sinh. Việc làm này chỉ khiến các em mặc cảm, tự ti, nghĩ tiêu cực. Ngoài ra, chính bản thân giáo viên cũng vi phạm đạo đức nghề nghiệp cũng như vi phạm pháp luật", luật sư Hiển nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem