Câu chuyện về tình bạn của Trâm đã khiến nhiều thầy cô giáo, bạn bè, người dân địa phương không khỏi xúc động mỗi lần nhắc tới.
Làm “đôi chân” đưa bạn đến lớp
Em Phạm Ngọc Trâm là học sinh lớp 4A, Trường Tiểu học Duy Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình. Trâm sinh sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông tại xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh.
Gia đình Trâm cũng thuộc diện khó khăn nhiều năm nay nên mỗi ngày ngoài giờ học em sẽ theo mẹ ra đồng nhặt cua, bắt ốc để vừa kiếm bữa cơm cho gia đình vừa có tiền trang trải cuộc sống.
Tuổi thơ nhiều vất vả, khó nhọc là thế nhưng Trâm luôn cởi mở, hòa đồng với bạn bè, thầy cô. Đặc biệt, những năm qua em chính là “đôi chân” của một bạn khuyết tật cùng lớp, giúp bạn tới trường mỗi ngày.
Ngay từ ngày đầu tiên vào lớp 1, Trâm đã được cô giáo xếp ngồi cạnh em Nguyễn Thị Trang, cô bạn kém may mắn hơn bạn bè đồng trang lứa khi không thể tự mình đi lại. Em Trang sinh ra đã bị tật nguyền, 2 chân co quắp không thể tự di chuyển, điều này cũng khiến em tới lớp thất thường, hôm vắng hôm trễ.
Đồng cảm với hoàn cảnh của Trang, Trâm đã quyết tâm đồng hành cùng bạn trong những năm tháng tới trường, cũng từ đó, Ngọc Trâm trở thành “đôi chân” của Trang để bạn có thể đến lớp mỗi ngày.
Từ giữa học kỳ I năm lớp 1, Trâm đã không quản ngại vất vả, ngày ngày cõng Trang cùng đi học. Khoảng cách từ nhà hai em tới trường gần 2km, những ngày mưa con đường đất trở thành những vũng bùn lầy, những ngày nắng thì bụi bay mù mịt chẳng thấy đường. Mặc dù vậy, 30 phút đi bộ tới trường với Trâm mỗi ngày đều vui vẻ khi có Trang đồng hành trên lưng.
“Trang là bạn thân của em, dù thiệt thòi nhưng bạn ấy rất tốt bụng và học giỏi. Người bạn ấy nhỏ nên em cõng đi học, đi chơi cũng dễ chứ không có gì vất vả cả", Trâm hóm hỉnh chia sẻ.
Còn về phần Trang, khi nhắc tới Trâm, ánh mắt em như ánh lên sự tự hào: “Em luôn cảm thấy biết ơn vì ngày nào Trâm cũng đón em đi học. Có những ngày trời mưa lớn, đường khó đi, em bảo em nghỉ học nhưng bạn nhất quyết cõng em cùng tới trường…” Trang xúc động.
Cứ như thế, những nẻo đường làng tới Trường Tiểu học Duy Ninh cứ in hằn vết chân của Trâm, nụ cười của Trang. Với tất cả giáo viên và học sinh của Trường Tiểu học Duy Ninh cũng như người dân tại địa phương, hình ảnh cô học trò khuyết tật đến trường trên lưng bạn học đã không còn xa lạ.
Suốt những năm học qua, em Phạm Ngọc Trâm đều đặn mỗi ngày cõng bạn đến trường và ngược lại. Câu chuyện của 2 em cũng đã khiến nhiều người xúc động, cảm mến.
Đôi bạn cùng tiến
Cả Trâm và Trang đều lớn lên trong gia đình thuần nông. Hiểu được nỗi vất vả của bố mẹ, các em luôn cố gắng từng ngày để con đủ cái ăn, cái mặc, học hành tử tế, thế nên hai đứa trẻ luôn nỗ lực học chăm, sống tốt và làm những việc có ích.
Khi tiếng trống trường vang lên, bạn bè vui đùa, chạy nhảy tung tăng trên những con đường đất về nhà thì Trâm lại mang trên vai sứ mệnh của một “thiên sứ” lặng lẽ cõng bạn cùng ra về.
“Em đã từng cảm thấy rất tự ti mỗi khi tới lớp bạn bè ra chơi còn mình ngồi một chỗ. Nhưng từ ngày cùng Trâm tới trường, em thấy vui và cố gắng học để không phụ công bạn cõng em mỗi ngày”, Trang tâm sự thêm.
Trâm và Trang cũng là đôi bạn cùng nhau vượt khó, đạt học sinh giỏi nhiều năm liền. Hơn 4 năm học vừa qua, cả Trâm và Trang luôn là những học sinh điểm cao của lớp, được nhiều giấy khen của trường.
Khi nhắc về 2 cô học trò nhỏ, cô giáo Lê Thị Thanh, chủ nhiệm lớp 4A, Trường Tiểu học Duy Ninh tự hào cho hay, thầy cô, các bạn và nhiều phụ huynh nhà trường đều rất cảm phục 2 em.
Đôi bạn này vừa học giỏi, vừa ngoan, em Trâm thì luôn bên cạnh Trang, hàng ngày bế bạn, cõng bạn đi học, đi chơi, còn Trang rất có nghị lực và luôn có ý thức vươn lên trong học tập và cuộc sống.
Cô giáo Nguyễn Thị Mai Hồng, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Duy Ninh cho hay, Trang và Trâm chính là tấm gương sáng để học sinh toàn trường noi theo. Về phía nhà trường, các thầy cô cũng luôn động viên, giúp đỡ để em Nguyễn Thị Trang có điều kiện học tập tốt nhất.
Cũng theo cô Hồng, Trang là học sinh giỏi nổi bật của trường trong suốt 4 năm qua, thường xuyên đoạt giải trong các kỳ thi như cuộc thi "tiếng Anh trên Internet" hay "Trạng nguyên Toán học".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.