UBND huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) vừa ban hành kế hoạch phát triển ngành hàng ếch huyện đến năm 2025 với mục tiêu nhằm tạo ra vùng nuôi ổn định, đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, mang lại lợi nhuận cao cho nông dân.
Theo kế hoạch, huyện phấn đấu duy trì và phát triển đàn ếch đạt 50 triệu con/năm, với diện tích mặt nước thả nuôi trên 60ha; có 1 - 2 công ty, doanh nghiệp sơ chế, chế biến từ ếch ký hợp đồng liên kết tiêu thụ với người chăn nuôi; có ít nhất 2 sản phẩm từ ếch đạt 3 sao theo Chương trình OCOP.
Huyện sẽ tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ hộ nuôi tiếp cận khoa học - kỹ thuật trong nuôi trồng và công nghệ sau thu hoạch. Chỉ đạo, kiểm tra, giám sát thường xuyên của các cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền về việc sử dụng đồng bộ các biện pháp kinh tế, kỹ thuật và quản lý trong vùng nuôi.
Đồng thời đẩy mạnh công tác tổ chức sản xuất theo hướng liên kết chuỗi từ cung ứng vật tư sản phẩm đầu vào sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm đầu ra; thường xuyên rà soát tình hình hoạt động liên kết để kịp thời phát hiện và hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu quả hoạt động, hoàn thiện các mô hình liên kết chuỗi giá trị trong nuôi ếch để nhân rộng.
Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức tập huấn, đào tạo về các quy trình sản xuất tốt, sản xuất an toàn, sản xuất theo các tiêu chuẩn của đơn vị thu mua.
Tuyên truyền, nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, sản xuất thân thiện với môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân về việc xác nhận kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm, cơ sở sản xuất kinh doanh đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm.
Thu hút và kêu gọi các dự án đầu tư về chế biến và bảo quản ếch trên địa bàn huyện với công suất lớn, nhằm đáp ứng được nhu cầu xuất bán ếch tươi của hộ nuôi cho hệ thống nhà máy chế biến, siêu thị.
Theo UBND huyện Tháp Mười, toàn huyện có 3.104 vèo nuôi ếch với 278 hộ nuôi, trong đó tập trung nhiều nhất ở thị trấn Mỹ An với 728 vèo/55 hộ; xã Mỹ An 625 vèo/58 hộ; xã Mỹ Đông 591 vèo/24 hộ; xã Láng Biển 420 vèo/16 hộ.