Dân Việt

Kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2022 đạt đỉnh cao nhất trong lịch sử

Huỳnh Xây 16/12/2022 14:56 GMT+7
Chiều nay, 16/12, tại TP.Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp đã diễn ra Hội nghị tổng kết ngành cá tra năm 2022. Đây là một trong những hoạt động quan trọng trong khuôn khổ Lễ hội cá tra lần 1 năm 2022 do Bộ NNPTNT phối hợp với UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức.

Kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt đỉnh cao nhất trong lịch sử

Theo Bộ NNPTNT, cá tra là loài thủy sản đặc hữu có giá trị kinh tế của khu vực ĐBSCL, đây cũng là sản phẩm quốc gia và được đưa vào chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Với lợi thế tuyệt đối về điều kiện tự nhiên của vùng sông nước ĐBSCL, ngành cá tra nước ta không ngừng phát triển và hiện đã trở thành ngành công nghiệp cá tra nổi tiếng toàn cầu.

Kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2022 đạt đỉnh cao nhất trong lịch sử - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại Hội nghị tổng kết ngành cá tra năm 2022. Ảnh; Huỳnh Xây

Năm 2022, mặc dù chịu tác động từ hậu quả của đại dịch Covid-19, nhưng ngành hàng cá tra nước ta đã hết sức năng động, sáng tạo, duy trì chuỗi sản xuất, cung ứng, tận dụng tối đa nhu cầu từ thị trường. Nhờ đó sản lượng cá tra năm nay dự kiến đạt 1,68 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu dự kiến trên 2,4 tỷ USD (tính đến ngày 15/11/2022 kim ngạch xuất khẩu cá tra đã đạt 2,23 tỷ USD), là đỉnh cao nhất trong lịch sử của ngành hàng.

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, diện tích cá tra trong năm 2022 ước đạt 5.750 ha. Tổng số cơ sở nuôi cá tra theo thống kê của các địa phương ĐBSCL là 1.112 cơ sở. Trong đó, khoảng 86% cơ sở nuôi được cấp giấy xác nhận đăng ký nuôi, trong đó 40% cơ sở được cấp mới, cấp lại.

Giá thu mua cá tra nguyên liệu trung bình 11 tháng đầu năm 2022 ở mức 29.500-30.000 đ/kg loại I, cao hơn mức trung bình 11 tháng đầu năm 2021 là 7.500-8.500 đồng/kg. Trong khi đó, theo kết quả điều tra, chi phí sản xuất cá tra nguyên liệu dao động từ 25.000-27.000 đồng/kg, do vậy, người nuôi có lãi.

Mặc dù, tình hình lạm phát và bất ổn chính trị xảy ra ở một số quốc gia đã khiến giá thành sản xuất tăng nhưng bù lại là giá thu mua cá nguyên liệu cũng tăng, nhu cầu nhập khẩu cá tra Việt Nam ở hầu hết các thị trường tăng từ 40% đến 200%. Cũng vì vậy, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), doanh nghiệp, cơ sở nuôi tham gia chuỗi sản xuất, tiêu thụ cá tra đều có lãi.

Cũng theo VASEP, trong năm 2022, hai thị trường chi phối xu hướng xuất khẩu cá tra là Trung Quốc (chiếm 30%) và Hoa Kỳ (chiếm 23%). Ngoài Mỹ và Trung Quốc, nhiều thị trường khác có sự tăng trưởng tốt so với cùng kỳ như EU, Thái Lan, Mexico...

Xuất khẩu cá tra đối diện thách thức mới: Hành vi tiêu dùng khách hàng thay đổi, nhu cầu tiêu thụ chững lại

Theo ý kiến nhiều đại biểu, sau dịch Covid-19, hành vi tiêu dùng khách hàng thay đổi, tập trung vào các kênh bán lẻ, sàn giao dịch online thay vì mua sắm tại siêu thị, do đó cách bán hàng của các doanh nghiệp trong 20 năm qua phải thay đổi theo. Tức là các doanh nghiệp sẽ phải ưu tiên đầu tư ứng dụng công nghệ 4.0 vào kinh doanh trực tuyến.

Kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2022 đạt đỉnh cao nhất trong lịch sử - Ảnh 2.

Kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2022 đạt đỉnh cao nhất trong lịch sử. Trong ảnh, người dân tỉnh Đồng Tháp thu hoạch cá tra. Ảnh: Hồng Ngự

Hiện nay, những tác động từ xung đột chính trị, tình hình lạm phát toàn cầu gia tăng khiến nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thủy sản có xu hướng giảm sút, các nhà nhập khẩu cũng hạn chế nhập hàng nhằm giảm tối đa chi phí lưu kho, bảo quản.

Do vậy, Tổng cục Thủy sản nhận định, nhu cầu tiêu thụ cá tra có thể chững lại và không cao như các tháng đầu năm 2022. Theo đó, giá trị kim ngạch xuất khẩu sẽ giảm trong các tháng cuối năm và có thể ảnh hưởng đến các đơn hàng xuất khẩu trong năm 2023.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, những kết quả đạt được trong năm 2022 rất vui mừng. Trong thời gian tới, để phát triển bền vững ngành hàng cá tra cần triển khai nhiều giải pháp. Cụ thể, các doanh nghiệp và các đơn vị có liên quan cần đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tiếp tục dự báo bám sát tình hình cung - cầu của thị trường.

Riêng các doanh nghiệp, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu phải đa dạng hóa sản phẩm để gia tăng giá trị, sử dụng hiệu quả phụ phẩm, phát triển thương mại điện tử và kinh tế tuần hoàn. Đồng thời, xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường tiêu thụ, bao gồm thị trường xuất khẩu và thị trường tiêu dùng nội địa.

Đặc biệt, phải tập trung nâng cao chất lượng con giống, ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất để nâng cao hiệu quả, chất lượng và an toàn thực phẩm của các sản phẩm, từng bước đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Các địa phương tiếp tục liên kết, hình thành chuỗi giá trị ngành hàng cá tra giữa người nông dân và doanh nghiệp.

Theo Tổng cục Thủy sản, trong năm 2023, ngành cá tra dự kiến kế hoạch sản xuất như sau: diện tích thả nuôi phát sinh đạt 5.600 ha, sản lượng cá tra thương phẩm đạt 1,6 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 2,3 tỷ USD.