Doanh nghiệp xuất khẩu cá tra kêu cứu vì vốn siết chặt, lãi suất tăng cao

Huỳnh Xây Thứ năm, ngày 15/12/2022 18:49 PM (GMT+7)
Đó là ý kiến ông Nguyễn Thanh Hải - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển đa quốc gia Aria Đồng Tháp về tình hình sản xuất, nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu cá tra tại Hội nghị "Giải pháp tín dụng thúc đẩy thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực vùng ĐBSCL".
Bình luận 0

Hội nghị nói trên do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với UBND TP.Cần Thơ tổ chức mới đây tại TP.Cần Thơ.

Vốn siết chặt, lãi suất ngân hàng tăng rất cao khiến doanh nghiệp xuất khẩu cá tra ĐBSCL gặp nhiều khó khăn - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Thanh Hải - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển đa quốc gia Aria Đồng Tháp phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Huỳnh Xây

Ông Hải cho hay, hiện nay, ngoài vấn đề suy thoái kinh tế thế giới nói chung thì các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đang gặp khó khăn về vốn. "Nguồn vốn siết chặt, lãi suất tăng lên rất cao, một số ngân hàng thương mại tăng lên từ 13-15%" - ông Hải nói.

Theo ông Hải, phần lớn các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra ở ĐBSCL phụ thuộc nguồn vốn vào ngân hàng và các tổ chức tín dụng. Vì vậy, vấn đề nêu trên ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Trước thực hiện trên, ông Hải cho rằng, một số doanh nghiệp không đảm bảo được nguồn vốn bán phá giá để lấy khách hàng, có doanh thu đáo hạn, trả nợ, điều này gián tiếp ảnh hưởng xấu đến tình hình sản xuất kinh doanh chung.

Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển đa quốc gia Aria cho hay, trong lúc Covid-19, doanh nghiệp xuất khẩu cá tra gặp nhiều khó khăn. Sau dịch Covid-19 bớt khó khăn thì nguồn vốn siết chặt, lãi suất ngân hàng tăng cao.

Vốn siết chặt, lãi suất ngân hàng tăng rất cao khiến doanh nghiệp xuất khẩu cá tra ĐBSCL gặp nhiều khó khăn - Ảnh 2.

Người dân vùng ĐBSCL thu hoạch cá tra. Ảnh: Huỳnh Xây

Vì vậy, ông Hải kiến nghị với NHNN là có biện pháp hỗ trợ về lãi suất đối với các doanh nghiệp sản xuất, nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu nông lâm thủy sản vùng ĐBSCL. Ngoài ra, NHNN cần có gói tín dụng với lãi suất phù hợp để thúc đẩy việc thu mua, chế biến và xuất khẩu nông lâm thủy sản trong vùng.

"Thời gian qua, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đã cố gắng hết sức trong việc cân đối nguồn lực tài chính để duy trì sản xuất và để tồn tại. Việc NHNN hỗ trợ như tôi đề xuất là việc làm thiết thực nhất" - ông Hải chia sẻ.

Cũng tại hội nghị, ông Lê Thanh Thuấn - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Sao Mai, Phó Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam cho biết, công ty của ông có 12.000 người, không làm cũng phải trả lương, trong khi nhiều doanh nghiệp trên thế giới cũng đã phải sa thải nhân viên. Tập đoàn hy vọng với quyết sách của Nhà nước trong thời gian tới sẽ giữ được 12.000 người này, để không ai phải nghỉ việc.

Về vấn đề giảm lãi suất ngân hàng, theo ông Thuấn, nếu có thì rất tốt, nhưng trước tiên phải khai thông nguồn vốn. Bởi có vốn thì doanh nghiệp mới xoay xở có tiền trả lãi ngân hàng. "Người nông dân trông chờ doanh nghiệp, còn doanh nghiệp thì cạn kiệt nguồn lực, muốn mua tạm trữ cũng không được. Đề nghị NHNN thấu hiểu cho doanh nghiệp" - ông Thuấn nói.

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, lũy kế tới hết tháng 10, xuất khẩu cá tra Việt Nam đạt 2,1 tỷ USD, tăng 75% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự kiến, xuất khẩu cá tra đến cuối năm 2022 có thể đạt khoảng 2,45-2,5 tỷ USD, tăng 54% so với năm 2021.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem