LTS: Cách đây 50 năm, trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, quân và dân Thủ đô đã anh dũng chiến đấu, đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng đường không của đế quốc Mỹ phá hoại miền Bắc Việt Nam, lập nên chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên phủ trên không" hào hùng, vang dội, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán, ký Hiệp định Paris, rút quân khỏi Việt Nam.
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" (12/1972 - 12/2022), Báo điện tử Dân Việt giới thiệu bài viết của nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến. Tác giả Nguyễn Ngọc Tiến là nhà nghiên cứu lịch sử Hà Nội, ông được biết tới là người viết nhiều nhất về Thủ đô.
Đêm 26/12/1972, máy bay B52 đã ném bom phố Khâm Thiên, 278 người đã chết thảm, 290 người bị thương. Nhà thơ Lưu Quang Vũ đã viết bài "Khâm Thiên" trong đó có những câu xé lòng:
Mặt trời lên trên bãi thây người
Mặt dập vỡ ngực trần thủng hoác
Những đống tóc gân đầu mình lẫn lộn
Những xác tím bầm lạnh buốt sương đêm
Đó là tột đỉnh của tội ác trong lần thứ 3 Mỹ đánh bom Hà Nội.
Lần thứ nhất là từ năm 1941-1944, khi đó Mỹ được quân Đồng Minh chống phát xít ủy nhiệm đánh bom phá hủy các cơ sở quân sự của quân đội Nhật ở Việt Nam. Hà Nội là trọng điểm bởi có các cơ quan đầu não dân sự và quân sự của Nhật. Năm 1944, quân đội Nhật đã giăng lưới rồi buộc những miếng vải xanh lá cây che phía trên các khu vực quân sự, hành chính ở Hà Nội.
Để hạn chế thiệt mạng, đốc lý thành phố đã cho đào hầm trú ẩn ở nội đô, một trong những cái hầm hình chữ L còn lại cho đến ngày nay hiện nằm dưới chân tượng đài Lý Thái Tổ, khi dựng tượng nó không bị phá.
Trước khi đánh bom, máy bay Mỹ rải truyền đơn khuyến cáo dân chúng tránh xa nơi người Nhật đóng quân nhưng "Trâu bò đánh nhau ruồi muỗi chết" bom đạn vô tình, không có mắt vẫn rơi vào các khu dân cư, xa nơi đóng quân của quân đội Nhật. Năm 1942, bom Mỹ rơi trúng chợ Hàng Da làm nhiều người chết và bị thương.
Tháng 12/1944, Bảo tàng Maurice Long (nay là vị trí Cung văn hóa Hữu Nghị, phố Trần Hưng Đạo) bị trận bom dữ dội phá tan nát vì quân đội Nhật đóng quân ở đây. Khối tượng Nước Pháp bảo hộ Đông Dương trước bảo tàng cũng sụp đổ. Tuy không có thống kê số người chết nhưng các nhà sử học ước tính từ năm 1941-1944, số người Hà Nội chết bom rất lớn.
Ngày 5/8/1964, Mỹ bắt đầu dùng không quân đánh phá miền Bắc nhưng ngày 25/6/1965, máy bay Mỹ mới dám xâm phạm vùng trời Hà Nội lần đầu. Người dân được lệnh phải sơ tán, và trong năm 1965, hơn 50 vạn người đã gánh gồng rời thành phố.
Ngày 29/6/1966, không quân Mỹ đã sử dụng 36 lượt máy bay đánh bom khu công nghiệp Đức Giang trong đó có kho xăng, lửa cháy ngùn ngụt, khói đen che lấp bầu trời phía bắc Hà Nội. Đây là lần đầu thành phố bị đánh bom kể từ khi Mỹ xâm lược Việt Nam nhưng là lần thứ 2 Hà Nội bị oanh tạc bằng máy bay.
Các nhà nghiên cứu quân sự thế giới lý giải rằng, sở dĩ không quân Mỹ đánh Hà Nội sau 11 tháng gây chiến ở miền Bắc vì e dè 3 tầng hỏa lực bảo vệ. Tầm thấp là các trận địa pháo phòng không, tầm trung có máy bay MIG và tầm cao có tên lửa do Liên Xô cung cấp.
Dù tuyên bố chỉ đánh phá các khu vực quân sự, cầu cống và cơ sở công nghiệp ở miền Bắc Việt Nam, song thực tế không phải như họ tuyên bố. Trận bom Mỹ ném xuống thôn Phú Xá (nay thuộc phường Phú Thượng, quận Tây Hồ) ngày 13/8/1966 đã giết hại hơn 40 người phá hủy hầu hết nhà cửa trong thôn.
Ngày 14/12/1966 Mỹ đánh bom vào Đại học Y Hà Nội (phố Lê Thánh Tông), phố Nguyễn Thiếp, khu lao động Phúc Tân làm chết 24 người và 51 người bị thương. Rồi các phố: Triệu Việt Vương, Bùi Thị Xuân, phố Huế…cũng lĩnh bom, lãnh sự Pháp dính tên lửa.
Ở ngoại thành, thị trấn Yên Viên, xã Cổ Loa, Phùng Khoang..., trúng bom gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản. Trong thời kỳ này cả nội và ngoại thành đã đào 40.000 hố cá nhân, hơn 90.000 hầm tập thể và 45.000 km giao thông hào đảm bảo trú ẩn cho 90 vạn người.
Khách sạn Metropole, nơi duy nhất có khách quốc tế tá túc cũng đào hầm ngay trong khách sạn. Khi máy bay Mỹ đánh bom, nhiều người Hà Nội còn dựng lều quanh nhà tù Hỏa Lò, nơi giam giữ phi công Mỹ vì họ biết máy bay Mỹ không dám đánh bom nơi này.
Cuối tháng 3/1968, Tổng thống Mỹ Johnson tuyên bố tạm ngừng ném bom từ Thanh Hóa trở ra. Tháng 5/1968, Mỹ đã phải ngồi vào bàn đàm phán với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở Paris.
Sau hơn 3 năm ngừng bắn, ngày 6/4/1972 Tổng thống Mỹ Nixon tuyên bố ném bom trở lại miền Bắc và ngày 15/4/1972 ông ta ra lệnh cho tầu chiến và máy bay đánh phá ồ ạt hòng đưa miền Bắc trở lại thời kỳ đồ đá. Và Hà Nội bị đánh bom lần thứ 3.
Trong ngày này, máy bay Mỹ lại đánh phá kho xăng Đức Giang, 12 bể xăng cùng 7.000 phuy dầu bị cháy và Hà Nội đã chuyển sang thời chiến. Để hạn chế thiệt hại, hệ thống hầm trú ẩn nhanh chóng được tu sửa và đến ngày 25/4 hơn 30 vạn người đã sơ tán khỏi thành phố.
Đỉnh cao của tội ác trong lần đánh bom thứ 3 là chiến dịch Linebacker II cuối tháng 12/1972.
Tối ngày 18/12/1972, không quân Mỹ sử dụng nhiều máy bay B52 ồ ạt đánh bom miền Bắc. Tối ngày 18, bom B52 đánh trúng cột phát sóng của Đài tiếng nói Việt Nam ở Mễ Trì. Kể từ khi loại máy bay chiến lược này ra đời, chưa khi nào nó bị bắn hạ, chiếc duy nhất rơi xuống biển Địa Trung Hải là do tai nạn. Nhưng ngay trong đêm 18/12/1972, một chiếc B52 bị bắn hạ cùng với 2 máy bay F4.
Đêm 21/12/1972, khu lao động An Dương (thuộc quận Tây Hồ ngày nay) bị bom Mỹ cầy xới, một quả rơi trúng nhà bà Nguyễn Thị An đã cướp đi 5 người thân trong đó có cha mẹ chồng, cô em chồng và 2 con của bà. Vì số người chết quá nhiều thành phố không đủ quan tài nên gia đình, chòm xóm đành phải chôn trước 4 người trước và hôm sau khi có quan tài gia đình mới chôn nốt cho cô em.
Đêm 22/12, bom B52 đánh sập khoa Tai Mũi Họng, khoa Nhi nhưng nặng nhất là khoa Da liễu của bệnh viện Bạch Mai làm chết và bị thương 28 y bác sĩ và nhân viên. Xác của chị Hoàng Thị Thoa cùng những tảng bê tông chắn lối xuống hầm C3 và giám đốc bệnh viện, bác sỹ Đỗ Doãn Đại đã khóc khi ra lệnh: cắt xác của chị để mở đường xuống hầm cứu mấy chục cán bộ nhân viên, bệnh nhân đang thiếu không khí. Sau này bác sỹ Đỗ Doãn Đại chia sẻ, đó là quyết định khó khăn và đau đớn nhất trong cuộc đời làm nghề y của ông.
Bác sỹ Đại cũng chứng kiến cái chết của học trò là Đinh Thị Thúy, chị Thúy bị thương quá nặng nên không thể cứu được. Trước khi tắt thở, chị Thúy chỉ nói được một câu "Em chào thầy em đi". Bom Mỹ đã cướp đi quyền được làm cô dâu của chị Đào Thị Khuyến, nhà ở phố Hàng Khoai là kỹ thuật viên khoa Da liễu. Đêm đó chị mang tập thiếp cưới đến bệnh viện tranh thủ giờ rảnh rỗi viết thiếp mời khách tới dự đám cưới của mình tổ chức vào ngày 2/1/1973.
Nhưng đỉnh cao của tội ác của Mỹ là phố Khâm Thiên. 178 đứa trẻ mồ côi trong đó có rất nhiều trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ. Bức tượng người phụ nữ hai tay bế xác đứa con, chân đạp lên quả bom chính là nguyên mẫu người phụ nữ ở số nhà 47 bị chết ngay chân cầu thang.
Lần bị bom thứ 3 của Hà Nội đã lùi xa đúng 50 năm, gần bằng một kiếp người. Dấu tích chiến tranh ở phố Khâm Thiên, An Dương, Bạch Mai… không còn nhưng nỗi đau chưa bao giờ nguôi ngoai.
Những chính khách những nhà thơ
Những bộ óc chế súng bom hủy diệt
Các tư tưởng cầm quyền các nước
Lãnh tụ tối cao của mọi đảng trên đời
Các ông kêu: vì hạnh phúc con người
Nay con người chết đi
Cái phúc ấy ai dùng được nữa!
Những câu thơ tố cáo sự dối trá của đế quốc trong bài "Khâm Thiên" vẫn giá trị cho đến ngày nay và cả ngày mai.