Hôm nay (17/12), Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa" đã diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, tỉnh Bắc Ninh. Hội thảo do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Bắc Ninh phối hợp tổ chức. Hội thảo được chủ trì bởi Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng và các đồng chí đại diện Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Hội thảo.
Sự kiện thu hút sự quan tâm lớn của dư luận, các cơ quan, Nhân dân và cử tri cả nước. Phát biểu tổng kết, bế mạc "Hội thảo Văn hoá 2022", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết: "Có khoảng 2000 đại biểu theo dõi trực tuyến qua 10 điểm cầu; 10.000 người theo dõi Hội thảo qua Cổng thông tin điện tử Quốc hội và website chính thức của Hội thảo; trên 30.000 người theo dõi trên nền tảng trực tuyến và khoảng 200.000 người tiếp cận trên nền tảng số. 53 cơ quan thông tấn báo chí với khoảnh 150 phóng viên trực tiếp tham gia đưa tin Hội thảo".
Sau một ngày làm việc khẩn trương, các đại biểu tham dự Hội thảo Văn hoá 2022 đã tập trung đánh giá tình hình thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa; việc huy động, bố trí nguồn lực cho bảo tồn và phát triển văn hóa và các vấn đề đặt ra từ thực tiễn. Trên cơ sở đó, đề xuất, kiến nghị hoàn thiện thể chế, chính sách và các giải pháp đẩy mạnh việc huy động và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho bảo tồn, phát triển văn hóa đáp ứng yêu cầu xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy giá trị văn hóa và con người Việt Nam.
Bên cạnh những tham luận giá trị, hai phiên thảo luận bàn tròn với sự điều hành của nhà báo Lê Quang Minh – Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội còn mang tới những ý kiến thẳng thắn, tâm huyết của những nhà quản lý, lãnh đạo địa phương, ban ngành, những nghệ sĩ, doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực văn hoá.
Tại Hội thảo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ: "Ngay sau khi nước nhà giành độc lập từ 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi". Trong suốt chiều dài lịch sử, Đảng và Nhà nước ta luôn nhấn mạnh vai trò vị trí của văn hóa. Tại Hội nghị toàn quốc về văn hóa vào tháng 11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Văn hóa là hồn cốt của dân tộc", cần hoàn thiện thể chế chính sách về văn hoá nhằm khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh hạnh phúc.
Hội thảo Văn hoá 2022 góp phần tiếp tục thầm nhuần quan điểm thông suốt tư tưởng và xác định việc phải làm về thể chế chính sách và nguồn lực để hiện thực hiện mục tiêu chấn hưng, phát triển văn hóa, để văn hóa ngang hàng chính trị và kinh tế".
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định: Hội thảo Văn hoá 2022 đã đánh giá thực trạng công tác thể chế hóa, ban hành các chính sách và bảo đảm nguồn lực cho phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong giai đoạn vừa qua. Hội thảo nhất trí đánh giá những kết quả đã đạt được; khẳng định công tác thể chế hóa quan điểm chủ trương của Đảng tiếp tục được quan tâm, đạt được những kết quả nổi bật.
Bên cạnh các kết quả đạt được, công tác xây dựng thể chế, ban hành chính sách và bảo đảm nguồn lực cho phát triển văn hóa còn tồn tại nhiều bất cập, khó khăn, vướng mắc. Một số vấn đề mới nảy sinh từ thực tiễn chậm được thể chế, trong đó khâu thực thi vẫn là khâu yếu. Thể chế tự chủ đơn vị sự nghiệp nói chung và các đơn vị trong lĩnh vực văn hóa chậm hoàn thiện. Hệ thống chính sách còn bất cập hiệu quả thấp. Chính sách phát triển công nghiệp văn hóa chậm ban hành. Các chính sách khuyến khích xã hội hóa chưa thực sự tạo ra động lực phát huy tiềm năng sáng tạo văn hóa. Cơ chế tài chính chưa khuyến khích sự sáng tạo, chưa phù hợp với đặc thù của hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Cả về nhân lực, vật lực và tài lực còn những hạn chế. Đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ và cán bộ làm công tác văn hóa còn nhiều hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Tài nguyên văn hóa nhất là di sản, các làng nghề…chưa được khai thác hết.
Thực tế trên đặt ra việc phải bảo đảm các yêu cầu là tạo hành lang pháp lý để tổ chức và triển khai thuận lợi mọi hoạt động văn hóa trong khuôn khổ pháp luật dưới sự lãnh đạo của Đảng; phát huy tối đa năng lực sáng tạo, sự đa dạng và năng động của văn hóa, tạo điều kiện hội nhập thị trường văn hóa quốc tế; chú trọng tính đặc thù của văn hoá, vừa bảo đảm phát triển đúng định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng, vừa bảo đảm tự do sáng tạo trên cơ sở phát huy tính tự giác cao với mục đích đúng đắn; văn hóa phải là một trong các trụ cột để phát triển bền vững đất nước.
Đồng thời, phải giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn, phát triển văn hóa với tăng trưởng kinh tế, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; giữa lợi ích kinh tế của chủ thể với lợi ích văn hóa của cộng đồng; giữa yếu tố dân tộc và quốc tế; giữa truyền thống và hiện đại; giữa văn hóa đại chúng và văn hóa tinh hoa, bác học.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Hội thảo Văn hoá 2022 thống nhất 9 nhóm chính sách lớn, quan trọng, cần được tập trung nghiên cứu, thể chế hóa để tháo gỡ các "điểm nghẽn", tạo sự phát triển đột phá cho phát triển văn hóa. Con người là trung tâm, là chủ thể, là nguồn lực chủ yếu, là mục tiêu của sự phát triển. Chính sách xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh với các trọng tâm là xây dựng đời sống văn hóa; phát triển và quản lý hệ thống hạ tầng, thiết chế và không gian văn hoá đồng bộ, hiệu quả. Chính sách nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền và giáo dục văn hóa; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm truyền thông, thúc đẩy quảng bá, lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống; có chính sách đầu tư để phát triển truyền hình và phát thanh trở thành ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn.
Hội thảo Văn hoá 2022 cũng đã thống nhất kiến nghị 7 nhóm nhiệm vụ giải pháp cần tập trung làm ngay.
Một là, sớm xây dựng "Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa" với 9 nhóm chính sách đã được chỉ ra tại Hội thảo là các nội dung quan trọng để xây dựng khung chính sách cho Chương trình này.
Hai là, rà soát các nội dung về văn hóa trong 02 Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tiếp thu các ý kiến có giá trị tại Hội thảo để có những điều chỉnh phù hợp, đạt kết quả tốt hơn.
Ba là, tập trung triển khai có hiệu quả chiến lược, chương trình, đề án về xây dựng văn hóa công sở, văn hóa học đường, văn hóa doanh nghiệp, ngoại giao văn hóa…
Bốn là, đầu tư các công trình văn hóa mang tính biểu tượng quốc gia và thời đại Hồ Chí Minh. Phát triển các sản phẩm văn hoá có giá trị đỉnh cao về nghệ thuật và tư tưởng, phấn đấu có các tác phẩm văn học nghệ thuật xứng tầm
Năm là, đổi mới cơ chế hoạt động, nhất là cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực văn hóa để thu hút, sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn.
Sáu là, đẩy mạnh thu hút đầu tư cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch, sản phẩm thương mại mang bản sắc văn hóa Việt Nam.
Bảy là, chú trọng các cơ chế, chính sách phát huy, tạo điều kiện, khuyến khích, năng lực sáng tạo của các chủ thể văn hóa.
Hội thảo Văn hoá 2022 diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, tỉnh Bắc Ninh một lần nữa khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong việc thực hiện mục tiêu đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao; xác định một trong những định hướng lớn là phát triển con người toàn diện, xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hoá thật sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.