Khai mạc Hội thảo Văn hoá 2022: Tháo gỡ "điểm nghẽn", tạo đà để văn hoá phát triển
Khai mạc Hội thảo Văn hoá 2022: Tháo gỡ "điểm nghẽn", tạo đà để văn hoá phát triển
PV
Thứ bảy, ngày 17/12/2022 07:40 AM (GMT+7)
Sáng nay (17/12), Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề "Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa" khai mạc tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.
Hội thảo Văn hoá 2022 được chủ trì bởi Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cùng các đồng chí đại diện Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Hội thảo.
Có khoảng hơn 800 đại biểu trực tiếp tham dự Hội thảo tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh và nhiều đại biểu theo dõi qua hình thức trực tuyến tại một số điểm cầu, qua nền tảng internet. Hội thảo được truyền hình trực tiếp trên kênh Truyền hình Quốc hội.
Tham dự Hội thảo có các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước; lãnh đạo các cơ quan Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh/thành phố, các Bộ, ngành liên quan; đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố, trực thuộc trung ương; các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong nước và quốc tế; đại diện một số doanh nghiệp, hiệp hội hoạt động trong lĩnh vực văn hóa và liên quan tới văn hóa.
Hội thảo Văn hoá 2022 sẽ tập trung đánh giá tình hình thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa; việc huy động, bố trí nguồn lực cho bảo tồn, phát triển văn hóa và các vấn đề đặt ra từ thực tiễn. Đồng thời, đề xuất, kiến nghị hoàn thiện thể chế, chính sách và các giải pháp đẩy mạnh việc huy động và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho bảo tồn, phát triển văn hóa, đáp ứng yêu cầu xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy giá trị văn hóa và con người Việt Nam theo mục tiêu của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.
Hội thảo bao gồm 2 phiên với 3 nhóm nội dung chính: Thể chế, Chính sách và Nguồn lực phát triển văn hóa. Mỗi phiên sẽ có 1 báo cáo trung tâm, các tham luận và phần thảo luận của các diễn giả, chuyên gia (phần thảo luận với hình thức trao đổi, thảo luận bàn tròn).
Trong Phiên chuyên đề, Hội thảo sẽ nghe phát biểu khai mạc của lãnh đạo Quốc hội, phát biểu đề dẫn của lãnh đạo Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, báo cáo của các bộ, ngành Trung ương, ý kiến tham luận và thảo luận của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo các địa phương, cơ sở đào tạo về văn hóa, nghệ thuật, các chuyên gia về quan điểm, đường lối của Đảng về phát triển văn hóa, về thực trạng bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa và những vấn đề đặt ra qua các góc nhìn khác nhau.
Trong Phiên toàn thể, Hội thảo sẽ tiếp tục nghe phát biểu của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các báo cáo đánh giá về chính sách, pháp luật và nguồn lực cho phát triển văn hóa; kinh nghiệm quốc tế của một số nước và ý kiến tham luận, thảo luận của lãnh đạo một số địa phương, các chuyên gia trong nước, quốc tế, doanh nghiệp.
Ban Tổ chức Hội thảo tin tưởng, với sự chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Quốc hội, Ban Chỉ đạo, việc chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo tiến độ và chất lượng các công việc nêu trên, Hội thảo Văn hóa 2022 sẽ thành công như mong đợi, góp phần đẩy mạnh thể chế hóa đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật cụ thể và triển khai các nguồn lực một cách thiết thực, hiệu quả để xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hoá thật sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Phát biểu tại buổi họp báo công bố Hội thảo, ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục - Trưởng Ban tổ chức Hội thảo cho biết, tên của Hội thảo nêu rõ, chủ đề của Hội thảo đã được cân nhắc rất kỹ, với 3 vấn đề lớn dưới góc độ quản lý nhà nước, đó là vấn đề thể chế, chính sách và nguồn lực.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nhấn mạnh, nếu nghiên cứu một cách thỏa đáng, sâu sắc, toàn diện và giải quyết được các vấn đề khó khăn, vướng mắc thì sẽ khơi thông được những nguồn lực, tạo được môi trường tốt hơn để văn hóa phát triển. Với tinh thần đó, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho biết, các tham luận của Hội thảo sẽ tập trung vào xem xét, đánh giá, phân tích theo các nhóm vấn đề lớn này. Ngoài ra, còn rất nhiều bài bàn luận sâu sắc về các nhiệm vụ của văn hóa để thấy rõ được tầm quan trọng của văn hóa, phát triển văn hóa là bảo đảm phát triển bền vững cho đất nước.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cũng cho rằng còn những vấn đề khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ nên cần nghiên cứu thỏa đáng, toàn diện nhằm khơi thông nguồn lực phát triển cho văn hóa.
Ông Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh: "Nguồn lực của nhà nước đầu tư cho văn hóa là không nhỏ. Tuy nhiên, có đáp ứng được những yêu cầu trong thực tế hay chưa thì qua đánh giá cần phải tính toán lại một cách cẩn thận và thực tế đầu tư nguồn lực từ ngân sách nhà nước cho văn hóa vẫn có những khó khăn nhất định, cần phải được quan tâm, tăng cường hơn nữa. Do đó, bên cạnh nguồn lực từ nhà nước, cũng cần phải khai thông thêm các nguồn lực xã hội để đầu tư cho phát triển văn hóa. Muốn khai thông được cần sửa đổi thể chế, xây dựng những chính sách phù hợp để tạo ra sức hấp dẫn, hiệu quả trong đầu tư cho phát triển văn hóa".
Trưởng Ban tổ chức Hội thảo cho rằng, qua các tham luận, tổng hợp các ý kiến tại Hội thảo, Ban Tổ chức Hội thảo sẽ có những kiến nghị đối với các cơ quan có thẩm quyền để xem xét sửa đổi, bổ sung hoàn thiện về vấn đề thể chế, chính sách và cố gắng bảo đảm cho được nguồn nhân lực cũng như các thủ tục tài chính để phát triển văn hóa theo đúng mục tiêu mà Đảng đã nêu ra và đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021. Ông Nguyễn Đắc Vinh cũng tin tưởng, Hội thảo sẽ là dịp để bàn luận, thảo luận các vấn đề quan trọng liên quan đến văn hóa để đưa ra các quyết sách đúng, các giải pháp sát với thực tiễn để triển khai tốt hơn, đi vào cuộc sống càng nhanh càng tốt.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.