“Ông bà già ở nhà bật tivi xem YouTube là những người bị phơi nhiễm tin giả, tin vớ vẩn nhiều nhất”

Hà Tùng Long Thứ bảy, ngày 17/12/2022 14:22 PM (GMT+7)
Đó là những phát biểu của Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm trong phiên Thảo luận tại Hội thảo Văn hóa 2022 diễn ra sáng nay (17/12) tại Bắc Ninh.
Bình luận 0

Sáng nay (17/12), trong phần Thảo luận thuộc phiên Chuyên đề của Hội thảo Văn hóa 2022, nhiều chuyên gia đã đi vào đối thoại, trao đổi thẳng thắn, trọng tâm các vấn đề liên quan đến gỡ bỏ các hạn chế, rào cản để văn hóa phát triển. Nhà báo Lê Quang Minh – Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội đặt vấn đề rằng, trong phát triển văn hóa, không chỉ có "xây" mà còn "chống". "Chống" ở đây chính là chống những nội dung văn hóa độc hại đang tràn lan trên các nền tảng nội và các nền tảng ngoại. Và với sự việc này, nếu mang thể chế của Việt Nam ra chống sẽ rất khó khăn vì các nền tảng ngoại không có đại diện tại Việt Nam mà chủ yếu ở nước ngoài và họ hoạt động theo quy định của họ. Đây không chỉ là vấn đề nhức nhối của nước ta mà là của nhiều nước trên thế giới. Thời gian qua, Bộ TT&TT cũng đã đưa ra nhiều giải pháp để giải quyết vấn đề này.

 “Ông già bà cả ở nhà bật tivi xem YouTube là những người bị phơi nhiễm tin giả và tin vớ vẩn nhiều nhất” - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm trao đổi tại Hội thảo Văn hóa 2022. Ảnh chụp màn hình.

Đại diện Bộ TT&TT, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho biết, một vài năm trở lại đây, việc ứng xử, quản lý, xử lý các vấn đề xuyên biên giới không còn khó khăn nữa vì chúng ta đã thay đổi từ nhận thức, đến ý chí và một số thể chế cũng đã được hoàn thiện.

"Cái khó ở đây là chúng ta không chủ trương cấm tuyệt đối. Cấm tiệt thì quá dễ, 30 phút là có thể cấm không còn Facebook, không còn YouTube trên đất nước chúng ta nữa. Nhưng chúng ta nhận thức đây là một sự tiến bộ về mặt công nghệ, mang lại nhiều cái tốt cho xã hội nên buộc phải "gạn đục, khơi trong". 

Cái khó ở đây là làm sao kéo được nhiều bộ ngành và cả xã hội vào cùng làm việc đó. Chúng ta không thể hành xử kiểu vứt ra đường rồi đi mắng mỏ người quét rác. Chúng ta phải có trách nhiệm nhận biết đâu là rác, đâu là độc hại và cùng nhau ứng xử phù hợp với nó. Từ hành vi của người sử dụng mạng xã hội, đến các tổ chức và sau đó là cơ quan nhà nước.

Cái mới trong thời gian tới là chúng ta sẽ chủ động nắm bắt được nó từ gốc chứ không phải lên mạng rồi chúng ta mới đi dọn dẹp. Có một cái khó ở đây là hiện nay chúng ta chưa nắm được thuật toán chia sẻ thông tin của các nền tảng mạng xuyên biên giới. Chúng tôi có cơ sở để nghĩ rằng, một số nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới khi vào Việt Nam có điều chỉnh thuật toán theo hướng gợi ý nhiều những thứ nhảm nhí đến cho xã hội xem. 

Cái này trước hết làm mình mất thời gian, sau là đầu độc thế hệ trẻ, kể cả các ông già bà cả ở nhà cũng bị ảnh hưởng. Các cụ ở nhà bật tivi xem YouTube là những người bị phơi nhiễm tin giả và tin vớ vẩn nhiều nhất. Hiện nay chúng tôi cần thêm thời gian để khẳng định đây là việc có thật. Và khi mình xác định được đây là việc quan trọng nhất để chống thì sẽ tạo được sự thay đổi căn bản. Tức là chúng ta điều chỉnh được thuật toán của các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới thay vì gợi ý những chuyện nhảm nhí thì phải gợi ý những chuyện có nội dung rất tốt mà những việc này rất nhiều trên không gian mạng", Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm chia sẻ.

Các nhà sản xuất tivi, điện thoại thông minh sẽ không được cài sẵn các ứng dụng xem phim, đọc báo

Liên quan đến những đề nghị của các doanh nghiệp trong nước về việc cần đối xử bình đẳng với truyền hình nội và truyền hình ngoại, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho biết, đúng là chúng ta không thể bảo hộ ngược các doanh nghiệp nước ngoài không tuân thủ pháp luật mà lại làm khó các doanh nghiệp trong nước. Và với Nghị định 71 vừa ban hành, sửa đổi Nghị định về Cung cấp dịch vụ phát thanh – truyền hình trên Internet thì sự việc "bất bình đẳng" này sẽ không còn, bắt đầu có hiệu lực từ 1/1/2023.

 “Ông già bà cả ở nhà bật tivi xem YouTube là những người bị phơi nhiễm tin giả và tin vớ vẩn nhiều nhất” - Ảnh 2.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, sắp tới đây, các doanh nghiệp nước ngoài cũng buộc phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam như doanh nghiệp trong nước. Ảnh chụp màn hình.

"Khi Nghị định này có hiệu lực, chúng ta có quyền yêu cầu các nền tảng cung cấp nội dung phim ảnh, nước ngoài xuyên biên giới vào Việt Nam phải tuân thủ đầy đủ các quy định như doanh nghiệp trong nước, nếu không thì sẽ bị chặn. Việc mà chúng tôi làm tới đây là tạo ra được một "sân chơi" bình đẳng để doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, một mặt tuân thủ pháp luật, một mặt mang những nguồn lực và thế mạnh của chính họ để đầu tư sản xuất các nội dung trong nước rồi sau đó phân phối lên trên các nền tảng của họ, không chỉ cho khán giả trong nước xem mà cho cả thế giới. Bài toán khó ở đây là phải hợp tác và đấu tranh chứ không phải nằm ở phương pháp, thể chế.

Một việc nữa mà sắp tới chúng tôi sẽ làm đó là yêu cầu các nhà sản xuất tivi thông minh, điện thoại thông minh bán ra trên đất nước Việt Nam mình sẽ phải cài sẵn các ứng dụng xem phim, xem truyền hình, đọc báo hợp pháp, có giấy phép và không được nghiễm nhiên cài đặt các ứng dụng mà không xin phép các cơ quan quản lý nhà nước. Nếu những ứng dụng nội dung đó không tuân thủ pháp luật Việt Nam thì sẽ không được cài sẵn trên tivi, trên điều khiển từ xa. Nếu có cài rồi, bán đến nhà dân rồi thì cũng phải bỏ nó đi.

Thói quen đọc, xem, nghe của người dùng bây giờ đã rất thay đổi. Người ta cầm điều khiển xem tivi hay lướt mạng là quyền của người ta. Vậy nên mình phải tạo cho người ta hành vi trở thành thói quen là bấm xem những nội dung tử tế. Việc này chúng tôi sẽ tiến hành trong năm tới", Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm phân tích.

Trước đó, trong bài tham luận mở đầu Hội thảo Văn hóa 2022, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cũng nhấn mạnh, so với những thành tựu đạt được về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, thành tựu phát triển văn hóa, xây dựng con người thời gian qua còn chưa tương xứng.

Những hạn chế, yếu kém trong lĩnh vực xây dựng văn hóa, con người đã được Đảng chỉ rõ từ lâu, nhưng chậm được khắc phục, như môi trường văn hoá bị ô nhiễm và có những diễn biến phức tạp; chất lượng sáng tạo các giá trị văn hóa mới còn nhiều hạn chế, ít các công trình, tác phẩm có giá trị tư tưởng, nghệ thuật, khoa học cao.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem