Dân Việt

Dòng họ Tạ Việt Nam với chuyện 7 anh em tướng công xông trận đánh giặc thời Hùng Vương

Anh Tú 19/12/2022 05:10 GMT+7
Cứ đến tháng 3 âm lịch hàng năm, những người con của dòng họ Tạ lại nô nức trở về dâng hương tại di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Phủ Điềm, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên để tưởng nhớ công ơn bảy anh em tướng công họ Tạ đã có công chống giặc ngoại xâm giữ gìn, gây dựng non sông đất nước thời Hùng Vương.
Từ xa xưa, văn hóa dòng họ đã gắn kết giữa các cá nhân, các thế hệ trong cùng một gia đình, giữa các gia đình trong cùng một dòng tộc. Trong đó, nền nếp gia phong luôn được coi trọng, tinh thần đoàn kết, gắn bó, kính trên nhường dưới... luôn được nâng niu, giữ gìn. Để rồi, mỗi dòng họ lại góp sức mình vào sự hình thành, phát triển cùng những biến thiên của lịch sử dân tộc.
Dòng họ Tạ Việt Nam với chuyện 7 anh em tướng công họ Tạ xông trận đánh giặc thời Hùng Vương - Ảnh 1.

Thường trực Hội đồng lâm thời họ Tạ Việt Nam phổ biến chương trình kết nối cộng đồng xây dựng khối đoàn kết họ Tạ Việt Nam và giới thiệu cuốn điều lệ họ Tạ năm 2019.

Vẻ vang dòng họ Tạ hơn 400 năm trên đất Tây Giang

Tại xã Tây Giang, huyện Tiền Hải (tỉnh Thái Bình), dòng họ Tạ đã có những đóng góp không nhỏ vào quá trình phát triển của địa phương. Công trình nhà thờ họ của dòng họ Tạ nơi đây đã vinh dự được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia từ năm 1990. 

Nếu như cụ sơ hoàng thủy tổ họ Tạ, xã Tây Giang từng được người dân tín nhiệm bầu làm người đứng đầu làng lúc bấy giờ thì đời thứ 3 họ Tạ có cụ Tạ Đình Chiêm, hiệu Tạ Quốc Công được dân làng phong là Thành hoàng làng - chức vị cao quý nhất được nhân dân suy tôn trong làng xã phong kiến xưa và được thờ ở đình Tổ hay còn gọi là đình Chính.

Họ Tạ ở xã Tây Giang là một trong những dòng họ sớm có ý thức xây dựng nhà thờ ngay từ thế kỷ XVII để hàng năm con cháu dù có đi bốn phương trời cũng nhớ ngày giỗ tổ mà trở về tế lễ. 

Việc làm này không chỉ tỏ lòng thành kính với tổ tiên mà còn có ý nghĩa thiết thực giáo dục truyền thống hướng về cội nguồn cho con cháu. Con cháu hiểu biết về truyền thống của tổ tiên, từ đó nỗ lực để phát huy truyền thống quý báu.

Niềm tự hào chung của những người con họ Tạ là hệ thống gia phả được biên soạn lần thứ nhất vào năm 1841 đến nay vẫn được gìn giữ, lưu truyền. Đây cũng là dòng họ có truyền thống cách mạng tiêu biểu của địa phương với 11 mẹ Việt Nam anh hùng, 83 liệt sĩ, 18 lão thành cách mạng. 

Tiếp nối truyền thống của cha ông, hiện nay, dòng họ Tạ có 2 người có học hàm phó giáo sư, 5 người có học vị tiến sĩ và rất nhiều người là thạc sĩ, kỹ sư, bác sĩ. Con cháu dòng họ Tạ đã và đang giữ vững, phát huy tốt truyền thống của dòng họ, không ngừng xây dựng dòng họ ngày một phát triển, xứng đáng là dòng họ văn hóa tiêu biểu được UBND tỉnh Thái Bình tặng bằng khen.

 Con cháu dòng họ Tạ tiếp nối truyền thống cha ông

Dòng họ Tạ ở Việt Nam đã được hình thành từ ngàn đời nay với biết bao người con ưu tú đã cống hiến trí, lực, máu xương cho sự bình yên và phát triển của đất nước. Suốt chiều dài lịch sử dân tộc, biết bao người con của họ Tạ đã là công hầu, khanh tướng, tiến sĩ, khoa bảng và được triều đình các triều đại truy tặng sắc phong, cho lập đền, phong Thánh, ghi tạc công ơn. 

Tại Văn Miếu ở Hà Nội và Huế còn lưu danh biết bao tên tuổi những tiến sĩ, các nhà khoa bảng họ Tạ - những bậc hiền tài, nguyên khí của dân tộc.

Minh chứng là cứ đến tháng 3 âm lịch hàng năm, những người con của dòng họ Tạ lại nô nức trở về dâng hương tại di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Phủ Điềm, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên để tưởng nhớ công ơn bảy anh em tướng công họ Tạ đã có công chống giặc ngoại xâm giữ gìn, gây dựng non sông đất nước thời Hùng Vương. 

Nhà sử học Lê Văn Lan chia sẻ: Đây là niềm tự hào của dòng họ Tạ và là những vị thủy tổ xứng đáng với niềm tin, niềm tự hào của các thế hệ họ Tạ suốt mấy nghìn năm trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Bởi thế, Phủ Điềm ngày nay đã trở thành điểm hội tụ tâm linh, nơi tìm về cội nguồn của các chi họ Tạ trong cả nước.

Tinh thần dân tộc, khí phách hào hùng của dòng họ Tạ không chỉ thể hiện ở những bậc nam nhi bởi bà Tạ Vĩnh Gia và bà Tạ Thị Tần là hai vị dũng tướng trong 75 nữ tướng kiệt xuất đã đứng lên dưới ngọn cờ khởi nghĩa của Hai Bà Trưng (năm 40 - 43 sau Công nguyên) - biểu tượng sớm nhất về sự bình quyền với tinh thần kiên trung bất khất của người phụ nữ Việt Nam.

Nối tiếp truyền thống từ ngàn đời của các bậc tiền nhân, giờ đây trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thế hệ con cháu dòng họ Tạ từ Nam ra Bắc, dù ở đất liền hay ngoài hải đảo xa xôi đang từng ngày đóng góp công sức, trí, lực trong mọi lĩnh vực, góp phần cùng với trăm họ anh em trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam vì sự bình yên, tiến bộ và phát triển của đất nước. 

Lần theo dấu vết lịch sử và thời gian, gia phả dòng họ, con cháu các chi họ Tạ trên cả nước đã nhanh chóng hội tụ để cùng ôn lại lịch sử phát tích của dòng họ, phát huy truyền thống yêu nước và đánh giặc giữ nước, tự hào về một dòng họ đã có những đóng góp quan trọng vào sự hưng thịnh của quê hương, đất nước qua mỗi thời kỳ lịch sử cho đến ngày nay.

Trong xu hướng xã hội ngày càng nhận thức được gia đình, dòng họ chính là nơi gìn giữ, phát huy tốt nhất các giá trị truyền thống và lan tỏa giá trị đạo đức thông qua nền nếp gia phong, những người con họ Tạ trên mọi miền Tổ quốc đã đồng lòng tổ chức Đại hội họ Tạ Việt Nam với mong muốn phát huy vai trò của dòng họ với những tinh hoa tốt đẹp nhất. Mong rằng, với thành công của Đại hội, lớp lớp con cháu dòng họ Tạ hôm nay sẽ nỗ lực hơn nữa trên bước đường tiếp nối truyền thống vẻ vang của cha ông.

img

Ông Tạ Văn Khá, Trưởng đại diện lâm thời họ Tạ Việt Nam

Ngay khi biết được thông tin về một nơi thờ tiên tổ của họ Tạ đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, chúng tôi - những người con của họ Tạ từ Nam ra Bắc đã cùng tập hợp lại để trở về dâng hương tổ tiên. Là một người cao tuổi, tôi cảm thấy rất vui mừng bởi tinh thần đoàn kết, “Uống nước nhớ nguồn” của con cháu dòng họ Tạ được thể hiện thông qua việc đồng lòng chung tay tổ chức Đại hội họ Tạ Việt Nam cũng như tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ bà con trong dòng họ cùng phát triển.


img

Ông Tạ Tuấn Anh, Trưởng ban Tổ chức Đại hội họ Tạ Việt Nam


Việc kết nối cộng đồng họ Tạ Việt Nam ở 63 tỉnh, thành phố trên cả nước hiện tại đã kết nối được gần 100 tổ chức dòng họ. Trước khi Đại hội diễn ra, chúng tôi đã tổ chức để bà con trong dòng họ được trở về dâng hương tại Phủ Điềm - nơi thờ 7 vị tiên tổ họ Tạ từ thời Hùng Vương, chúng tôi cũng xác định đây là nơi thờ các vị tiền nhân của họ Tạ lâu đời nhất. Sự kiện Đại hội họ Tạ Việt Nam đánh dấu một giai đoạn mới của quá trình gắn kết những người con họ Tạ trên mọi miền Tổ quốc cũng như kiều bào họ Tạ đang sinh sống ở nước ngoài trong việc vấn tổ tìm tông, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và xây dựng khối đoàn kết của dòng họ.


img

Ông Tạ Xuân Tỉnh, thành phố Thái Bình


Tôi rất tự hào khi mang trong mình dòng máu họ Tạ, một dòng họ đã có nhiều đóng góp trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Là thế hệ trẻ, tôi nỗ lực phát huy tinh thần của dòng họ không chỉ trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống mà còn góp phần thiết thực xây dựng quê hương, đất nước. Mong rằng, thế hệ trẻ dòng họ Tạ sẽ cùng nhau hoàn thành tốt những nhiệm vụ mà Đại hội họ Tạ Việt Nam đề ra, tiếp tục nêu cao những giá trị cốt lõi và truyền thống tốt đẹp mà tổ tiên đã để lại, sánh vai cùng các dòng họ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

(Các nhân vật và chức danh trong họ Tạ Việt Nam nêu trên là tại thời điểm ngày 18/11/2019 khi bài báo này của tác giả Anh Tú xuất bản trên Báo Thái Bình điện tử).