Nhấn mạnh 3 kênh vốn ngân hàng, chứng khoán và trái phiếu đều tắc nghẽn, ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vietravel cho rằng, nguyên nhân dẫn đến việc doanh nghiệp khó tiếp cận vốn ngân hàng được cho là do thiết kế chính sách chưa phù hợp.
"Điều tôi trăn trở, băn khoăn là thiết kế chính sách kịp chưa, đúng chưa, nhanh chưa?", ông Kỳ đặt câu hỏi và nêu dẫn chứng từ gói hỗ trợ 2% lãi suất, số lượng doanh nghiệp được hưởng, số liệu giải ngân còn hạn chế.
Do đó, ông Kỳ cho rằng, Chính phủ, cơ quan quản lý cần xem xét, nhìn lại thiết kế chính sách cho phù hợp.
Ông Trương Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM cũng bày tỏ đồng tình cho rằng, lúc này việc tiếp cận để tăng vốn không dễ, vì vậy doanh nghiệp đang trông chờ rất lớn vào các chính sách kịp thời của nhà nước.
"Riêng doanh nghiệp lương thực thực phẩm sản xuất hàng thiết yếu hằng ngày phục vụ tiêu dùng, thời gian vừa qua đối diện nhiều khó khăn nhưng chúng tôi xác định phải có nỗ lực cung ứng cho cung cầu thị trường Tết và năm 2023.
Rất mong, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các ngân hàng thương mại nhanh hơn, chia sẻ nhiều hơn cho doanh nghiệp. Mong rằng có những chính sách, chỉ đạo như giai đoạn vừa hết dịch để doanh nghiệp tiếp cận vốn tốt hơn để đi qua khó khăn", ông Dũng kiến nghị.
Theo đánh giá của ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch Hội doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực TP.Hà Nội (HAMI), chính sách về việc nới room tín dụng là một tín hiệu tốt song vẫn là chưa đủ với "cơn khát vốn" của doanh nghiệp.
"Khát vốn là thực trạng nhiều doanh nghiệp gặp phải, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) do việc giải ngân còn chậm.
Khả năng tiếp cận các nguồn vốn rất khó khăn; đặc biệt là từ quý II/2022 trở lại đây, rất nhiều SME không tiếp cận được vốn vay ngân hàng…", ông Sơn nhấn mạnh.
Việc doanh nghiệp khó tiếp cận vốn tín dụng không phải là vấn đề mới. Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc điều hành Văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thừa nhận: "Đây là câu chuyện không mới, tiêu chuẩn - tiêu chí của ngân hàng trước giờ các doanh nghiệp biết rất rõ. Tuy vậy, trong bối cảnh hậu Covid-19, rất nhiều tiêu chí trong sản xuất kinh doanh không hoàn toàn như trước, nên việc ngân hàng phải thắt chặt hoặc đánh giá tương đối nghiêm khắc đối với những đề án xin vay".
Cũng theo bà Thủy, ngân hàng mở cho tất cả cơ hội cho các doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp nào thể hiện được tính chuyên nghiệp và chứng minh được năng lực và tiềm năng trong phương án sản xuất kinh doanh thì ngân hàng sẽ cho vay.
Trong khi các doanh nghiệp còn trăn trở về tiếp cận tín dụng ngân hàng, tại một cuộc tọa đàm vừa diễn ra, lãnh đạo Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN cho biết: NHNN vừa nới room tín dụng thêm 1-2%, đồng nghĩa tổng room tín dụng trong thời gian còn lại của năm là "cực kỳ nhiều", cụ thể là 3,5-4%, tương đương 300-400 nghìn tỷ đồng.
Mặc dù vậy, việc "tiêu thụ" được nguồn vốn khổng lồ này trong 3 tuần cuối năm là thách thức lớn với ngành ngân hàng. Bởi trong bối cảnh này, các ngân hàng thương mại cũng phải "đốt đuốc" tìm doanh nghiệp tốt để cấp hạn mức tín dụng, cho vay.
Thực tế là khoảng cách giữa cung và cầu tín dụng là vấn đề rất khó trong điều hành ngành ngân hàng. "Doanh nghiệp phải có năng lực tài chính lành mạnh mới tiếp cận được", lãnh đạo này khẳng định.
TS. Trần Du Lịch, nguyên Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia thì cho rằng, hiện nay tiền không thiếu nhưng vốn thì không có.
"Một đám ruộng khô, thiếu nước, tức là đang thiếu tiền nhưng thật sự có một hồ chứa nước rất lớn bên cạnh là tiền, trong khi kênh dẫn nước từ hồ chảy vào ruộng thì đang bị nghẽn. Do đó, nước không thiếu nhưng ruộng vẫn cứ khô, tiền không thiếu nhưng vốn thì không có", ông Lịch ví von.
Ông Lịch cho rằng, phải nỗ lực triển khai các chính sách hỗ trợ như gói tín dụng bù lãi suất 2%,... Đồng thời, có biện pháp chung tổng thể để phối hợp cả chính sách tiền tệ và chính sách tài chính.
Đặc biệt, cần sớm sửa đổi Nghị định 65 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, phải xem trái phiếu doanh nghiệp là kênh rất quan trọng để nguồn vốn trung hạn cho các doanh nghiệp, đồng thời giảm đi gánh nặng vốn trung hạn cho các ngân hàng thương mại.
"Những giải pháp đồng bộ như vậy, cần tiến hành nhanh chóng,thì dần dần, nước trên hồ sẽ chảy được xuống ruộng. Tôi tin, từ giờ trở đi sẽ bắt đầu có nước chảy vào ruộng nhiều hơn", TS. Trần Du Lịch nhấn mạnh.