Để xử lý một số khó khăn, vướng mắc của thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng một loạt giải pháp, trong đó đáng chú ý là đề xuất sử dụng một phần nguồn vốn đầu tư công để mua trái phiếu doanh nghiệp.
Cụ thể, theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, thông tin từ Bộ Tài chính cho thấy, nguồn vốn đầu tư công bằng ngân sách nhà nước năm 2022 mà Chính phủ đã phân bổ cho các Bộ, ngành và các địa phương nhưng tính đến ngày 30/11/2022 vẫn chưa giải ngân khoảng 212.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 38,5% tổng vốn đầu tư công năm 2022 mà Chính phủ đã phân bổ.
Vì vậy, HoREA đề nghị Bộ Tài chính xem xét trình Chính phủ và cơ quan có thẩm quyền xem xét giải pháp có thể sử dụng một phần nguồn vốn đầu tư công đã được Chính phủ phân bổ nhưng các Bộ, ngành, địa phương chưa giải ngân (đang gửi tại Kho Bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại với lãi suất thấp) để nhà nước mua lại khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn của tháng 12/2022 và 06 tháng đầu năm 2023 (có lãi suất cao hơn rất nhiều).
"Giải pháp này vừa hỗ trợ ổn định thị trường trái phiếu, vừa hỗ trợ doanh nghiệp có thời gian điều chỉnh kinh doanh và kế hoạch tài chính, vừa nâng đỡ "niềm tin thị trường" và từng quý thì có đánh giá kết quả thực hiện để điều chỉnh phù hợp", ông Châu kiến nghị.
"Đề nghị các doanh nghiệp bất động sản tiếp tục cố gắng tối đa để thực hiện mua lại trái phiếu trước thời hạn (trong 11 tháng đầu năm 2022, các doanh nghiệp đã mua lại 160.653 tỷ đồng), hoặc thỏa thuận hoán đổi trái phiếu lấy nhà ở của dự án với mức chiết khấu lên đến 40-50% giá bán hoặc đàm phán gia hạn kỳ hạn của trái phiếu hoặc chuyển đổi trái phiếu sang cổ phiếu...", ông Lê Hoàng Châu, nói.
Theo đó, Chủ tịch HoREA đề nghị "tiêu chí" trái phiếu doanh nghiệp mà nhà nước mua lại là "trái phiếu phát hành lần đầu", "trái phiếu có tài sản đảm bảo định giá chuẩn" vì không doanh nghiệp nào lại "dám bội tín" với nhà nước và tiền mà người dân bán lại trái phiếu doanh nghiệp lại được đưa vào lưu thông.
"Đàng nào cũng có lợi cho nền kinh tế, góp phần tăng "niềm tin" cho các nhà đầu tư nước ngoài và tiếp tục thu hút dòng "vốn ngoại" đầu tư trở lại vào nước ta", Chủ tịch HoREA, nói.
Ngoài kiến nghị về dùng vốn đầu tư công chưa giải ngân, HoREA cũng kiến nghị một loạt các giải pháp khác, bao gồm cả giải pháp trước mắt, dài lâu và cả giải pháp tình thế.
Cụ thể, trước hết HoREA đề nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định 65/2022/NĐ-CP theo hướng tạm hoãn đến hết năm 2023 chưa áp dụng quy định "nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp". Đồng thời, nhà đầu tư mua trái phiếu là cá nhân phải có văn bản cam kết đã hiểu rõ và tự chịu trách nhiệm về đầu tư trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ theo quy định tại khoản 6 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP.
Hiệp hội đề nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ cho phép gia hạn kỳ hạn của trái phiếu thêm 01 năm để giảm áp lực trái phiếu đáo hạn và tăng "niềm tin" cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Hiệp hội cũng đề nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét cho phép VAMC và ngân hàng thương mại mua lại trái phiếu doanh nghiệp và chỉ cần Chính phủ có ý kiến cho phép các tổ chức này mua lại trái phiếu doanh nghiệp thì sẽ làm tăng "niềm tin" cho thị trường trái phiếu và các nhà đầu tư.
Về dài hạn, HoREA đề nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét sửa đổi Luật Chứng khoán 2019 nhằm phát triển các quỹ đầu tư bất động sản, quỹ đầu tư tín thác bất động sản (REITS) áp dụng công nghệ blockchain.
Đồng thời tiếp tục thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW ngày 15/01/2019 của Bộ Chính trị, đặt ra mục tiêu huy động nguồn vốn huy động cho nền kinh tế của các doanh nghiệp bảo hiểm đến năm 2035 chiếm 20% - 30% và đến năm 2045 chiếm 30% - 50% tổng nguồn vốn đầu tư dài hạn và khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế.
Về giải pháp tình thế, HoREA đề nghị Chính phủ xem xét cho phép chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại được chia căn hộ lớn thành căn hộ nhỏ (Hiệp hội đề nghị tiêu chí không làm tăng quy mô dân số quá 10%) để có nhiều căn hộ có mức giá khoảng 1,8 tỷ đồng/căn trở xuống.
"Đặc biệt, đề nghị cho phép chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang dự án nhà ở xã hội để từ nay trở đi, chủ đầu tư có thể tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi nhà ở xã hội tại Ngân hàng chính sách xã hội, nhằm "nắn lại" cơ cấu sản phẩm nhà ở có giá bán vừa túi tiền, đáp ứng nhu cầu thực để khắc phục cơ cấu sản phẩm nhà ở không cân đối, bất hợp lý hiện nay", ông Châu kiến nghị.