Hôm nay 20/12, trong khuôn khổ Diễn đàn Mekong Startup 2022, Bộ NNPTNT phối hợp với UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức phiên thảo luận chuyên đề "Chuyển đổi chuỗi trái cây vùng ĐBSCL hướng tới hiện đại, bền vững và phát thải thấp".
Tại đây, bà Ngô Tường Vy - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Xuất Nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Công ty Chánh Thu) đề xuất xây dựng thương hiệu trái cây "Made in Viet Nam".
Theo bà Vy, đối với Nhật Bản, tất cả các sản phẩm đều được gắn với tên "Made in Japan". Việc làm này làm cho người tiêu dùng có sự tin tưởng và làm cho sản phẩm có giá trị cao hơn các sản phẩm ở các quốc gia khác. Ở các quốc gia khác, sản phẩm của họ cũng được xây dựng thương hiệu tương tư.
Vì vậy, bà Vy cho rằng, việc xây dựng thương hiệu trái cây "Made in Viet Nam" rất quan trọng và không phải một doanh nghiệp là làm được.
Để xây dựng thương hiệu trái cây "Made in Viet Nam", bà Vy đề xuất, chọn ra những những chủ lực, cụ thể từ 3-5 loại trái cây để tập trung các giải pháp phát triển và đồng bộ từ phía Trung ương đến địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân. Về sau, sẽ có những chiến lược phát triển những sản phẩm trái cây khác.
Trong đó, các bên tham qua, đều được phân chia nhiệm vụ rõ ràng, có đặt ra mục tiêu cụ thể để phấn đấu hoàn thành.
Theo bà Vy, để xây dựng thương hiệu trái cây "Made in Viet Nam", vấn đề tiếp theo là củng cố niềm tin người tiêu dùng.
"Ví dụ như công ty tôi vừa xuất khẩu lô bưởi đầu tiên sang Mỹ. Rất may là người tiêu dùng rất thích, nhất là người Việt tại Mỹ xem trái bưởi là niềm tự hào. Sau lô hàng đầu tiên, rất nhiều khách hàng trong nước và các nước như Úc, New Zealand, Canada,...tìm đến Công ty Chánh Thu. Cũng có thể nói, khi xuất khẩu trái cây đến 1 quốc gia là thị trường khó tính thì tạo niềm tin rất lớn đến người tiêu dùng" - bà Vy chia sẻ.
Tổng Giám đốc Công ty Chánh Thu cho rằng, có 4 trụ cột chính để xây dựng thương hiệu trái cây "Made in Viet Nam".
Thứ nhất là xây dựng được nông nghiệp tử tế, trong đó nông dân tử tế, doanh nghiệp tử tế và quan trọng hơn hết là cơ quan quản lý phải tử tế. Để từ đó, làm được câu chuyện minh bạch, có trách nhiệm từ canh tác, sản xuất và quản lý.
Thứ hai về phải có sự sáng tạo trong nông nghiệp để tạo sự cạnh tranh, vấn đề này không thể thiếu được nhằm để kích thích sự sáng tạo của các doanh nghiệp. Trong quá trình sản xuất, các doanh nghiệp cần được cung cấp, cập nhật thông tin thị trường từ đại sứ quán các nước hoặc các đơn vị có liên quan khác để từ đó có thể theo kịp và đón đầu được xu thế tiêu dùng.
Thứ 3 là nông nghiệp tuần hoàn. Đây là mấu chốt quan trọng, nhằm giảm áp lực về môi trường ở mỗi địa phương cũng như nâng cao được giá trị sản phẩm.
Thứ 4 là về nông nghiệp bền vững. Chính phủ cần có bộ luật về nông nghiệp chặt chẽ hơn nữa và có hình thức chế tài đối với những định hướng, chế lược, chỉ tiêu thực hiện của các bên có liên quan để cùng nhau tuân thủ và có trách nhiệm.