Dân Việt

Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp đăng ký mua vào cổ phiếu rồi… thất hứa, có nên chế tài?

Quốc Hải 21/12/2022 16:58 GMT+7
Dù đăng ký mua vào hàng triệu cổ phiếu để “cứu giá” trong bối cảnh thị trường chung giảm điểm, tuy nhiên, đến thời hạn công bố kết quả mua vào, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp và người liên quan lại khiến nhà đầu tư chưng hửng vì động thái đăng ký mua rồi không mua nữa.
Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp đăng ký mua vào cổ phiếu rồi… thất hứa, có nên chế tài? - Ảnh 1.

Thị trường chứng khoán phiên giao dịch hôm nay (21/12) giảm nhẹ hơn 4 điểm trước áp lực bán gia tăng. Ảnh: SSI

Mới nhất, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) công bố thông tin liên quan hoạt động giao dịch cổ phiếu của lãnh đạo Công ty CP Đầu tư Nam Long (HoSE: NLG) và các thành viên liên quan. Theo đó, ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT NLG đã đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu NLG, trong thời gian từ ngày 18/11 đến 17/12. Tuy nhiên, kết quả là ông Quang không mua bất kỳ cổ phiếu nào.

Không chỉ ông Quang, cả hai con trai của Chủ tịch HĐQT NLG (ông Nguyễn Hiệp và ông Nguyễn Nam) đều đăng ký mua vào mỗi người 1,7 triệu cổ phiếu. Nhưng kết quả, số lượng cổ phiếu NLG đã khớp mua là bằng… 0.

"Hứa" mua cổ phiếu, rồi... thất hứa 

Không chỉ có trường hợp gia đình Chủ tịch Nam Long "hứa mua rồi không mua", thời gian gần đây một loạt các lãnh đạo DN khác cũng lên tiếng đăng ký mua cổ phiếu của DN mình nhưng cuối cùng đều… thất hứa.

Chẳng hạn, ông Doãn Tới, Tổng giám đốc Công ty CP Nam Việt (ANV) mua 2 triệu cổ phiếu từ ngày 21/11 đến ngày 20/12. Tuy nhiên, sau đó ông này thông báo không mua được cổ phiếu nào với lý do  diễn biến thị trường không thuận lợi.

Kết quả là, sau thời gian đăng ký giao dịch, số cổ phiếu mà vị CEO này nắm giữ vẫn không đổi với tỷ lệ 56,3%. Trong khi đó, giá cổ phiếu ANV trong khoảng thời gian này đã hồi phục khoảng 52% (từ mức đáy hôm 15/11 lên mức 24.500 đồng/cổ phiếu tại ngày 20/12).

Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp đăng ký mua vào cổ phiếu rồi… thất hứa, có nên chế tài? - Ảnh 2.

Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam.

Một loạt lãnh đạo DN khác thì mua vào nhưng số lượng cũng thấp hơn nhiều so với đăng ký, thậm chí số lượng mua vào chỉ… tượng trưng.

Như mới đây, ông Trần Ngọc Diệu, Phó tổng Giám đốc Công ty CP Thép Nam Kim (NKG) thông báo đã mua vào 1 triệu cổ phiếu trong tổng đăng ký 2 triệu cổ phiếu (từ ngày 18/11 đến ngày 16/12), tương ứng tỷ lệ mua thành công là 50% để nâng sở hữu từ 0,16% lên 0,54% vốn điều lệ.

Lý do ông Diệu không mua hết số cổ phiếu đăng ký là diễn biến thị trường không thuận lợi.

10 lần đăng ký mua nhưng thất hứa… 5 lần

Ông Võ Thành Đàng, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Đường Quảng Ngãi (QNS) mới đây đã thông báo không mua vào cổ phiếu nào trong 1 triệu cổ phiếu đã đăng ký mua (từ ngày 17/11 đến ngày 14/12) với lý do điều kiện thị trường chưa phù hợp.

Qua đó, tỷ lệ sở hữu của ông tại Đường Quảng Ngãi vẫn ở mức 7,15% vốn điều lệ.

Tuy nhiên, ngay sau đó, ông Võ Thành Đàng tiếp tục đăng ký mua vào 1 triệu cổ phiếu QNS trong thời gian từ ngày 21/12/2022 đến ngày 18/1/2023, để nâng sở hữu lên 7,43% vốn điều lệ.

Đáng chú ý, từ đầu năm tới nay, ông Võ Thành Đàng đã 10 lần đăng ký mua vào 1 triệu cổ phiếu QNS song có 5 lần không mua cổ phiếu nào và 5 lần mua vào một lượng nhỏ cổ phiếu so với đăng ký, tỷ lệ mua trung bình 5 lần mua vào là 40,2% tổng lượng đăng ký…

Cũng với lý do tương tự, ông Dương Thành Công, thành viên HĐQT của Công ty CP Đông Hải Bến Tre (DHC) cũng chỉ mua được 45.000 cổ phiếu trong tổng đăng ký 500.000 cổ phiếu trong thời gian từ 16/11 đến 15/12.

Ngoài lý do thị trường không thuận lợi, còn một số lý do khác khiến lãnh đạo các doanh nghiệp không mua hết số cổ phiếu đăng ký.

Chẳng hạn, ông Trần Quang Tiến, thành viên HĐQT Công ty CP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HAH) chỉ mua vào 163.000 cổ phiếu trong tổng đăng ký 500.000 cổ phiếu (từ ngày 18/11 đến ngày 16/12), nâng sở hữu từ 1,02% lên 1,25% vốn điều lệ, lý do là giá cổ phiếu không đạt kỳ vọng.

Hay bà Nguyễn Thị Ngọc Diệp, vợ ông Đoàn Văn Thuận, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (mã TDC) đã mua vào 34.400 cổ phiếu trong số 100.000 cổ phiếu đăng ký trong thời gian từ ngày 11/11 đến ngày 9/12 vì giá cổ phiếu không đạt kỳ vọng…

Nên có chế tài để bảo vệ nhà đầu tư?

Một chuyên gia của Chứng khoán VPS nhìn nhận, thời gian qua liên tục có nhiều lãnh đạo doanh nghiệp công bố mua vào cổ phiếu, đây là chuyện thường xảy ra khi giá cổ phiếu giảm sâu.

"Động thái này phần nào giúp… 'cứu giá' cổ phiếu, vì nhà đầu tư khi thấy động thái này sẽ có thêm kỳ vọng thị giá cổ phiếu đã về vùng giá hấp dẫn do cổ đông nội bộ là người hiểu rõ nhất tiềm năng của doanh nghiệp nên… đua theo.

Tuy nhiên, nếu những cổ đông nội bộ mà đăng ký mua rồi... để đó, nhất là với những lý do thiếu thuyết phục sẽ khiến nhà đầu tư mất niềm tin vào doanh nghiệp, lãnh đạo doanh nghiệp", chuyên gia này phân tích và những lợi, hại của động thái này.

Trong khi đó, ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam nhận định, về lý thuyết thì việc này của các lãnh đạo DN hay người liên quan là không đúng, gây nhiễu loạn thị trường, nhiễu loạn thông tin, gây tác động ảnh hưởng tâm lý đến việc cung cầu mua bán của các nhà đầu tư.

"Từ trước đến giờ, theo ghi nhận thì chưa có phương án xử lý nào. Cho nên, việc này rất cần một văn bản pháp lý nào đó từ cơ quan quản lý để quy định cụ thể hơn, chặt chẽ hơn để việc đăng ký mua/bán này phải được thực thi và có chế tài nếu phát hiện ra chủ đích sai phạm của những người này", ông Phương thông tin.