Những điểm sáng kinh tế 2022
Năm 2022 sắp đi qua với nhiều biến động bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19 và chiến sự Nga – Ukraine khiến kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, gia tăng khả năng suy thoái, lạm phát cao. Vậy nhưng, nổi lên trong bức tranh chung của kinh tế toàn cầu, kinh tế Việt Nam được xem là một điểm sáng khi tăng trưởng cao, có nền kinh tế mở, năng động và có sức chống chịu qua đại dịch Covid-19.
Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam diễn ra ngày 17/12 tại Hà Nội, ông Trần Tuấn Anh, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết, kinh tế Việt Nam có sự phục hồi mạnh mẽ, về cơ bản đã vượt qua tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 và lấy lại đà tăng trưởng vốn có, dự kiến tăng trưởng GDP trên 8%.
Mới đây, ADB cũng đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2022 lên 7,5%, thậm chí có thể đạt 8%.
Nỗ lực kiểm soát lạm phát của Việt Nam cũng được nhiều tổ chức, chuyên gia quốc tế đánh giá cao. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 11 tháng năm 2022 tăng 3,02%, cả năm dưới 4%. Lạm phát cơ bản bình quân 11 tháng năm 2022 tăng 2,38%.
Đóng góp vào con số tăng trưởng ngoạn mục của Việt Nam năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu 11 tháng đạt 674 tỷ USD (đến nay đã vượt 700 tỷ USD), tăng 11,8%, xuất siêu 10,6 tỷ USD, trong đó xuất khẩu nông sản 50 tỷ USD (tăng 11,8%).
Tình hình đăng ký doanh nghiệp khởi sắc (tổng số doanh nghiệp gia nhập thị trường đạt 195 nghìn doanh nghiệp, tăng 33,2% so với cùng kỳ). Vốn FDI thực hiện 11 tháng đạt 19,68 tỷ USD, tăng 15,1% và cao nhất trong 5 năm qua.
Năm 2022 cũng được đánh giá là năm Bộ Chính trị ban hành nhiều nghị quyết có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam.
Cụ thể, Nghị quyết số 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao; Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 20-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.
Bên cạnh những nghị quyết chung, Bộ Chính trị còn ban hành nhiều nghị quyết vùng kinh tế trọng điểm. Đây là những tiền đề quan trọng, động lực để nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng nhanh và bền vững trong năm 2023 và giai đoạn sắp tới.
"Đón" thách thức
Bên cạnh những gam màu sáng, nhiều khó khăn, thách thức cũng bộc lộ rõ khi nền kinh tế rơi vào tình trạng gần như mất thanh khoản do nhiều doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, mỗi tháng có tới gần 10.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, số lao động thất nghiệp tăng mạnh, lãi suất cho vay và huy động tăng cao, giải ngân đầu tư công không đạt kế hoạch,…
Hay như lời Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà đã chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế vừa qua rằng "những bất cập tích tụ của nền kinh tế đã bộc lộ, điều này thể hiện thông qua diễn biến của thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản trong thời gian gần đây".
Nhìn ra thế giới, nhiều tổ chức dự báo năm 2023 kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng chậm lại, gia tăng khả năng suy thoái trong ngắn hạn; tình trạng lạm phát cao tiếp tục kéo dài ở nhiều quốc gia; cạnh tranh chiến lược, địa chính trị giữa các nước lớn, xung đột Nga-Ukraine và việc điều chỉnh chính sách của các nước lớn tiềm ẩn rủi ro đến ổn định thị trường tài chính, tiền tệ, an ninh năng lượng… có chiều hướng diễn biến phức tạp, trái quy luật, khó dự báo hơn.
Đặc biệt, "nguy cơ suy thoái toàn cầu" là những gì mọi người đang quan ngại và đã trở thành xu hướng chủ đạo trong các dự báo. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ triển vọng tăng trưởng cho năm 2023, dự đoán nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 2,7% vào năm 2023, giảm từ mức 3,2% của năm 2022.
Là nền kinh tế có độ mở cao, Việt Nam không thể tránh khỏi ảnh hưởng của những biến động từ bên ngoài.
Đặc biệt, năm 2023 là năm bản lề thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025. Đây cũng là năm Việt Nam khẳng định vị thế mới khi nước ta sẽ đạt ngưỡng 100 triệu dân và quy mô GDP cán mốc 10 triệu tỷ đồng. Điều này đòi hỏi Chính phủ cần có những quyết sách nhanh và trúng để giúp nền kinh tế "đứng vững" trước nguy cơ suy thoái toàn cầu, và giải quyết các bất cập hiện hữu, tạo đà doanh nghiệp bứt phá, thúc đẩy tăng trưởng.
Chương trình Tọa đàm Kinh tế 2023 với chủ đề: "Kinh tế Việt Nam trước thách thức suy thoái toàn cầu ngày càng hiện hữu" do Báo NTNN/điện tử Dân Việt tổ chức sáng nay (22/12) với mong muốn là dịp để Ban Biên tập và các chuyên gia kinh tế hàng đầu trao đổi, thảo luận về những vấn đề nóng hổi của nền kinh tế trong năm 2022 và nhận diện những thách thức trong năm 2023.
Tọa đàm có sự góp mặt của 20 chuyên gia kinh tế hàng đầu trong nhiều lĩnh vực chuyên sâu như kinh tế vĩ mô, chuyên gia về tài chính ngân hàng, chuyên gia về chính sách công, chuyên gia lĩnh vực nông nghiệp, quy hoạch, kiến trúc, thuế,…
Năm nay cũng là năm thứ 6 sự kiện thường niên này diễn ra. Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia sẽ cùng Báo NTNN/Dân Việt bình chọn 10 sự kiện kinh tế nổi bật trong năm 2022 và thảo luận về những điểm nhấn, những khía cạnh cần phải nhận diện, từ đó kiến nghị những quyết sách quan trọng giúp nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ trong năm 2023.