Dân Việt

Phụ nữ Afghanistan và nỗi đau khi không được đến trường

Lê Phương (Aljazeera) 22/12/2022 08:35 GMT+7
Quyết định cấm phụ nữ tiếp cận giáo dục đại học của Taliban đã dập tắt nguồn hy vọng hiếm hoi của nhiều người.
Phụ nữ Afghanistan và nỗi đau khi không được đến trường - Ảnh 1.

Hôm 20/12, Taliban đã ra quyết định cấm phụ nữ đến trường đại học. Ảnh: Radio Free Europe

Maryam (tên đầy đủ đã được giữ kín để bảo vệ danh tính), một sinh viên khoa học chính trị 23 tuổi ở Afghanistan, đang hoàn thành bài tập ở trường vào tối 20/12 thì chồng chưa cưới của cô gọi điện thông báo rằng Taliban đã cấm tất cả phụ nữ đến trường đại học.

"Anh ấy nói với tôi: 'Anh rất tiếc, em sẽ không thể làm bài kiểm tra cuối kỳ. Phụ nữ đã bị cấm đến trường đại học'. Trái tim tôi như rỉ máu kể từ khi nghe những lời đó", cô nói với Al Jazeera, nước mắt nghẹn ngào.

Hôm 20/12, Taliban đã yêu cầu tất cả các trường đại học công lập và tư thục "đình chỉ giáo dục nữ sinh cho đến khi có thông báo mới", theo một tuyên bố của Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đại học của Taliban Nida Mohammad Nadim. Taliban không đưa ra lý do cho lệnh cấm. Bộ Giáo dục Đại học không trả lời yêu cầu bình luận của Al Jazeera.

Một số sinh viên nói với Al Jazeera rằng vào sáng 21/12, cổng của một số trường đại học nổi tiếng đã bị chặn bởi các phương tiện của Taliban nhằm ngăn cản phụ nữ vào khuôn viên trường.

Nữ sinh đã bị cấm đến các trường trung học kể từ khi Taliban nắm quyền kiểm soát đất nước vào năm ngoái.

Maryam đang học kỳ cuối của chương trình khoa học chính trị và đã quyết tâm hoàn thành bất chấp hoàn cảnh nghiệt ngã ở đất nước này. 

"Hàng ngày tôi đi làm, buổi tối tham gia các lớp học và học đến tận khuya để có thể đạt được ước mơ và phục vụ đất nước", cô nói. "Tôi phải gửi một bài luận đến một trường đại học khác để xin học bổng thạc sĩ. Nhưng tay và chân tôi tê cóng. Tôi không thể viết được. Tôi muốn khóc, nhưng tôi không thể khóc. Tôi cảm thấy như mình đã bị trừng phạt vì dám có hy vọng và ước mơ". 

Nỗi đau của cô cũng chính là những trăn trở của nhiều phụ nữ khác.

"Tôi cảm thấy không nói nên lời khi lần đầu tiên nghe tin. Tôi vẫn không biết dùng từ nào để diễn tả nỗi đau trong lòng mình", Sahar, một sinh viên khoa học máy tính 22 tuổi, người đã yêu cầu đổi tên, cho biết. Cô học năm cuối và đang hy vọng đăng ký học thạc sĩ trong cùng lĩnh vực.

"Tôi đang tìm kiếm các khóa học để học lên cao, thậm chí còn cân nhắc đến các trường đại học nước ngoài. Giờ đây, tôi cảm thấy tương lai không còn nằm trong tầm kiểm soát của mình nữa", cô nói. "Nếu tôi không được đi học, cuộc sống của tôi là vô nghĩa. Nó không có giá trị".

Mặc dù từng hứa hẹn một lập trường mềm mỏng hơn, Taliban đã áp đặt những hạn chế ngày càng khắc nghiệt đối với các quyền tự do của phụ nữ.

"Thành thật mà nói, tôi không ngạc nhiên khi Taliban làm như vậy", Madina, giảng viên tại một trường đại học công lập ở Afghanistan, người đã yêu cầu đổi tên, nói với Al Jazeera. "Nhiều sinh viên của tôi đang rơi nước mắt".

Madina đủ lớn để nhớ lại lần cuối cùng Taliban lên nắm quyền vào những năm 1990, cô liên tưởng đến những tổn thương mà các học sinh Afghanistan đang phải trải qua.

"Tôi đã mất nhiều năm học hành vì lệnh cấm của Taliban lần trước khi họ nắm quyền. Tôi hy vọng sẽ không ai phải chịu giống như vậy", cô nói.

Các cơ quan quốc tế và chính phủ đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ lệnh cấm này.

Đặc phái viên Mỹ Rina Amiri viết trên Twitter:  "Trong lịch sử Afghanistan, chỉ có Taliban ban hành chính sách cấm trẻ em gái đi học. Không có quốc gia đa số theo đạo Hồi nào, không có nơi nào trên thế giới mà các bé gái không được đi học". Bà cũng kêu gọi cộng đồng toàn cầu hành động chống lại các chính sách của Taliban.

Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc Volker Turk cũng gọi lệnh cấm là "chưa từng có trên thế giới", khẳng định điều này sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển của đất nước.

Tác động từ các chính sách của Taliban đã được đưa ra trong một báo cáo gần đây của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), ước tính rằng việc loại trừ phụ nữ khỏi nền kinh tế có thể khiến đất nước thiệt hại 1 tỷ USD, tương đương 5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Theo Tổ chức Lao động Quốc tế, kể từ khi Taliban tiếp quản, phụ nữ ở Afghanistan đã bị ngăn cản tham gia vào các lĩnh vực khác nhau, đánh dấu tỷ lệ thất nghiệp tăng 21%. Khi các trường đại học đóng cửa, con số này dự kiến sẽ còn tăng lên.