Với giá trị kinh tế cao từ cây măng cụt (còn gọi là cây "Nữ Hoàng"), Quảng Nam đã quyết định triển khai trồng thí điểm cây măng cụt nhằm phát triển kinh tế vườn, nâng cao thu nhập cho nhân dân, đặc biệt là người dân xứ sở cây măng cụt, đó là huyện Tiên Phước.
Xã Tiên Mỹ là một trong những địa phương có diện tích trồng cây măng cụt lớn nhất huyện Tiên Phước, Quảng Nam. Đặc biệt, trong những năm gần đây, thấy giá trị quả măng cụt mang lại người dân trên địa bàn xã tập trung đầu tư phát triển loại cây này; đặc biệt, khoảng 10 năm lại đây huyện có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại với quy mô lớn, diện tích lớn.
Ông Nguyễn Đức Hùng (thôn Trà Lai, xã Tiên Mỹ) cho biết, ngoài 30 cây măng cụt có tuổi đời 40 - 50 năm tuổi, gia đình ông đã tiếp tục trồng thêm khoảng 20 cây măng cụt được khoảng 5 năm tuổi.
"Thời cha ông của tôi đã trồng măng cụt, hiện trong vườn có một cây gần 100 năm tuổi. Một cây mặng cụt nếu được đầu tư chăm sóc tốt khoảng 6 - 7 năm bắt đầu ra quả.
Để măng cụt đạt chất lượng, quả ngon ngọt, không chai sượng, không bị sâu bệnh tôi thường xuyên tham gia các lớp tập huấn do xã, huyện tổ chức, tìm hiểu thông tin trên báo đài, đầu tư mua vật tư nông nghiệp dựa trên những hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.
Nhờ đó, vườn măng cụt của gia đình phát triển xanh tốt cho năng suất, chất lượng khá cao được thương lái ưa chuộng. Sau vụ thu hoạch tôi cắt tỉa cây gọn gàng, bón phân hữu cơ, phân lân tổng hợp để cây phát triển tốt, bảo đảm dinh dưỡng nuôi hoa, quả", ông Hùng nói.
Ông Võ Kim Chung - Chủ tịch UBND xã Tiên Mỹ, huyện Tiên Phước cho biết, ở địa phương hiện hầu như nhà nào cũng có trồng măng cụt, hộ trồng ít dăm ba cây, hộ nhiều trồng từ vài chục đến cả trăm cây, trong đó nhiều khu vườn có cây măng cụt trên 100 năm tuổi như, vườn ông Phạm Văn Lục, Đồng Thanh Cường (cùng thôn Mỹ Thượng Tây), ông Nguyễn Đức Hùng, ông Tăng Ngọc Chánh ( cùng thôn Trà Lai)… Các cây măng cụt này nếu thời tiết thuận lợi mỗi vụ cho từ 350 - 400 kg quả.
Xác định măng cụt là cây trồng chủ lực phát triển kinh tế, xã Tiên Mỹ đã tập trung vận động bà con mở rộng diện tích, theo thống kê trước năm 2018 toàn xã có 27ha đến nay đã ở rộng lên gần 100ha.
Hàng năm xã cũng phối hợp với Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp huyện tổ chức tập huấn hướng dẫn bà con nông dân về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây măng cụt. Đồng thời tham gia các hội chợ, các khu trưng bày để quảng bá giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.
"Địa phương tranh thủ các chương trình, dự án, đề án của cấp trên để hỗ trợ người dân đầu tư phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, trong đó tập trung mở rộng diện tích trồng măng cụt. Hiện, chúng tôi đã quy hoạch tập trung đầu tư hỗ trợ thôn Tiên Phú Đông trở thành khu trồng măng cụt tập trung với quy mô lớn nhất xã…", ông Chung nói.
Ông Nguyễn Hùng Anh - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước, Quảng Nam cho biết, đến nay toàn huyện Tiên Phước có tổng diện tích vườn 6.329 ha, với đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu khá phù hợp với nhiều loại cây ăn quả, cây công nghiệp lâu năm tại địa phương, mang hương vị đặc trưng, chất lượng cao hơn so với các vùng miền, như tiêu Tiên Phước, sầu riêng, măng cụt, lòn bon, cau... Giá trị kinh tế vườn tăng bình quân 60 triệu/ha (năm 2015) lên trên 120 triệu/ha (năm 2021).
Năm 2021, người dân trên địa bàn huyện trồng mới trên 280ha măng cụt, nâng tổng diện tích cây măng cụt toàn huyện lên 500ha, trong đó có 68ha đang trong thời kỳ kinh doanh. Tính trung bình, mỗi mùa, 1ha măng cụt cho sản lượng 5 - 10 tấn. Giá bán măng cụt khá cao, dao động từ 90 - 100 nghìn đồng/kg.
Năm 2020, doanh thu măng cụt toàn huyện khoảng 30 tỷ đồng. Năm 2021 sản phẩm trái măng cụt đã được công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh. Giai đoạn 2021 đến năm 2030, huyện tiếp tục hỗ trợ nhân dân phát triển khoảng 1.000ha cây măng cụt cho quả, với sản lượng khoảng 2.000 tấn.
"Có thể nói, việc phát triển cây măng cụt với quy mô tập trung, diện tích lớn có thể khai thác được các lợi thế về điều kiện tự nhiên. Từ đó, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao và từng bước đưa cây măng cụt trở thành sản phẩm nông nghiệp lợi thế của huyện.
Thời gian tới Tiên Phước tiếp tục khuyến hỗ trợ người dân chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang phát triển cây măng cụt, từ đó hình thành vùng sản xuất tập trung gắn với liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm.
Đồng thời chỉ đạo các ngành liên quan đến nông nghiệp mở các lớp tập huấn chuyển giao về kỹ thuật trồng, chăm sóc, phát triển cây măng cụt, đưa măng cụt trở thành cây trồng chủ lực của huyện trong tương lại gần", ông Anh nói.
Để phát triển cây măng cụt, ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị các sở, ban, ngành như Sở NNPTNT cùng phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ cho Tiên Phước phát triển cây măng cụt trong thời gian tới.
Trong đó, các đơn vị phối hợp với huyện để tạo ra cây giống đầu dòng, áp dụng kỹ thuật để phát triển nâng cao chất lượng quả măng cụt, tạo thương hiệu và tìm đầu ra cho sản phẩm trái măng cụt…
"Măng cụt ngoài giá trị kinh tế, còn mang lại giá trị văn hóa, du lịch, sinh thái vườn quê… Tiên Phước phải phát triển để trở thành thủ phủ măng cụt của tỉnh Quảng Nam, huyện phải xem cây măng cụt như là "trái tim" trong các loại cây trồng, là cây chủ lực dẫn dắt các loại cây ăn quả khác ở địa phương…", ông Bửu nhấn mạnh.