Thời tiết bất lợi
Tổ hợp tác hoa Dương Sơn (xã Hoà Châu, huyện Hoà Vang, thành phố Đà Nẵng) là một trong những vùng trồng hoa trọng điểm của thành phố Đà Nẵng với diện tích 4,5ha, với 23 hộ tham gia sản xuất. Hoa trồng ở đây chủ yếu là các loại hoa cúc, hoa lan, hoa treo.
Để chuẩn bị cho vụ hoa Tết, người trồng hoa bắt đầu xuống giống từ khoảng tháng 7-8 Âm lịch. Để có vườn hoa nở đúng dịp Tết, người trồng hoa phải theo dõi sát sao dự báo thời tiết và có phương án thích hợp để chăm sóc vườn.
Năm nay, ông Nguyễn Bá Tính (52 tuổi) ở xã Hoà Châu, huyện Hoà Vang trồng khoảng 800 chậu hoa cúc đại đoá và cúc pha lê. Còn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, nên gia đình ông đang bận rộn chăm cây, tưới nước, ngắt búp để hoa cúc nở đúng vụ.
Ông Tính buồn rầu nói: "Thời tiết năm nay không thuận lợi cho vụ hoa tết vì mưa nhiều và lạnh, nhất là trong nửa tháng vừa qua nên hoa cúc phát triển không được đồng đều, lá bị vàng úa, úng rễ. Tuy hoa nhà tôi không bị vàng lá nhiều, nhưng mưa nhiều nên hoa cúc bị sâu bệnh hại, phải xử lý phân thuốc thường xuyên và luôn theo dõi kỹ nếu không sẽ mất trắng.
Trong khi đó, giá cả từ phân bón đến vật tư nông nghiệp năm nay tăng gấp 2-3 lần so với năm ngoái. Chi phí sản xuất đội lên cao nhưng nhà vườn không thể tăng giá bán, cuối tháng 11 Âm lịch rồi mà chưa có thương lái đặt mua".
Ông Lý Phước Dạng – Tổ trưởng Tổ hợp tác hoa Dương Sơn cho biết, năm nay ông trồng hơn 1.000 chậu hoa các loại, chủ yếu là hoa cúc đại đoá và cúc pha lê vàng. Dù thời tiết thay đổi thất thường, nhưng với kinh nghiệm trồng hoa lâu năm, ông vẫn khắc phục được phần lớn khó khăn.
Tại vườn của ông Dạng, những chậu hoa cúc cho búp to tròn, cây đều, lá xanh. Gần 10 lao động đang tập trung tỉa cành, ngắt nụ nhỏ và chồi nách để cây nuôi nụ chính to, hoa nở đồng loạt đúng dịp Tết.
"Trồng hoa cực lắm, kẻ khóc người cười cũng vì nó. Thời tiết quyết định phần lớn sự thành bại của người trồng hoa. Hiện nay, một số hộ đang lo hoa nở không kịp Tết do trời mưa lạnh, cây chưa có búp; hay mưa kéo dài khiến nhiều cây cúc bệnh chết, tổng số chậu hoa bị hao hụt.
Nhưng nhờ chăm sóc kỹ lưỡng, nên vườn hoa của tôi được nhiều thương lái để mắt đến từ sớm, đặt mua khoảng 30% chậu hoa cúc. Nếu thời tiết sắp tới ôn hoà thì tôi sẽ thuận lợi xuất bán hoa, kiếm thêm nguồn thu nhập khá để lo Tết đủ đầy", ông Dạng chia sẻ thêm.
Nông dân thấp thỏm lo vụ hoa Tết
Hiện nay, dù chi phí sản xuất tăng cao, nhưng nhà vườn chưa thể tăng giá bán, duy trì giá bán sỉ cho khách hàng cũ bằng với năm ngoái. Trung bình, hoa cúc dao động từ 600.000-2.500.000 đồng/cặp (tuỳ vào kích cỡ), hoa vạn thọ và hoa thược dược từ 500.000 đồng/cặp….
Ngoài ra, Tổ hợp tác hoa Dương Sơn còn trồng nhiều loại hoa cây cảnh khác như: dạ yến thảo, thu hải đường, hoa mào gà, trạng nguyên, hoa lan, hoa ly… để đáp ứng nhu cầu chưng cảnh của khách hàng.
Những ngày cận Tết, vùng trồng hoa thuộc phường Hoà Thọ Tây (quận Cẩm Lệ) trở nên rôm rả hơn với sự làm việc hăng hái của hàng chục lao động từ học sinh – sinh viên, đến phụ nữ, người già.
Chị Lương Thị Thu (44 tuổi) lo lắng nói: "Để đảm bảo gần 2.000 chậu hoa cúc nở đúng dịp Tết, thì vợ chồng tôi tất bật chăm vườn từ sáng sớm đến tối muộn, thuê gần 10 người ngắt búp hoa. Dù năm ngoái dịch bệnh nhưng hoa bán rất chạy, còn năm nay chỉ mới 20% số chậu được thương lái đặt mua".
Chi phí lao động là 250.000 đồng/người/ngày, đối với sinh viên được trả công 20.000 đồng/giờ. Với tính chất công việc vất vả, thêm thời tiết không thuận lợi, nên hiện nay các chủ vườn đang "đỏ mắt" tìm nhân công chăm hoa nở kịp Tết.
Chủ động ứng phó với thời tiết bất lợi, nhiều nông dân trồng hoa ở phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ) phải thường xuyên tưới nước, tưới phân, phun thuốc để cây phát triển đều, phòng trừ bệnh hại, giúp cây trổ búp và nở hoa đúng vụ.
Ông Nguyễn Thành Lâm (52 tuổi) than thở: "Tôi trồng hoa Tết gần 10 năm nay, nhưng chưa năm nào tôi gặp thời tiết bất thường và canh tác nhiều khó khăn như năm nay. Mưa lạnh khiến dịch bệnh bùng phát nhiều, sâu bọ kháng thuốc, làm chết cây diện rộng, dẫn đến tốn nhiều chi phí sản xuất".
Hiện nay, hơn 1.400 chậu hoa cúc, vạn thọ, thược dược tại vườn ông Lâm đã được cắm que tre giúp cố định thân cây. Nhân công tập trung ngắt búp phụ không cần thiết, để cây lấy sức nuôi búp chính to, tròn. Thương lái tại Quảng Nam đã đặt mua gần một nửa số chậu.
Trong không khí Tết cận kề, nông dân trồng hoa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đang ra sức chăm bón, theo dõi sát sao thời tiết và hi vọng mọi việc sẽ thuận lợi để mang lại những vườn hoa tươi đẹp nhất phục vụ khách hàng vui Xuân, đón Tết.