Không phải thịt hay xương, đây mới là bộ phận của con cá suối tên lạ muối mắm ngon ở miền núi TT-Huế
Không phải thịt hay xương, đây mới là bộ phận của con cá suối tên lạ muối mắm ngon ở miền núi TT-Huế
Thứ tư, ngày 21/12/2022 05:06 AM (GMT+7)
Lần đầu tiên lên huyện A Lưới(TT-Huế), được người bạn đãi món mắm padekp làm từ ruột cá xanh. Nhìn bát mắm ruột cá xanh ban đầu thấy chẳng có gì ấn tượng, nhưng vừa đụng đũa vào thì mùi thơm nồng nhanh chóng tỏa ra, thôi thúc tôi gắp vội miếng thịt chấm thử.
Không chờ tôi phát biểu cảm nghĩ, anh bạn giải thích ngắn gọn: đặc sản đó!
Thiệt tình, ăn rồi thì mỗi lần lên vùng cao huyện A Lưới lại điện thoại dặn bạn trước: “Làm chi thì làm, trưa ni cho tui ăn mắn padekp với đó”.
Nói rứa có nghĩa không chỉ được ăn mắm padekp, kiểu chi cũng được thưởng thức thêm món cá xanh nướng hoặc chiên xù.
Mùi thơm nồng của cá xanh, bùi béo của dầu lai và cay nồng của ớt là nét đặc trưng riêng của mắm padekp do người dân huyện A Lưới, tỉnh TT-Huế chế biến.
Cá xanh chế biến món chi cũng ngon, nướng với chiên xù thì đừng quên giã muối sống với tiêu rừng của người dân bản trồng để tăng thêm nét độc đáo riêng của vùng miền.
Cá xanh nướng theo công thức cổ truyền, nướng bằng than hồng khi cá còn tươi là tuyệt nhất; cá xanh um rau rớn cũng là món hấp dẫn cho bạn nhậu.
Mắm padekp trở thành đặc sản vì có nhiều nguyên nhân, vốn nguồn gốc của cá xanh từ Lào, chúng trôi theo dòng sông A Sáp về các vùng Nam Đông, A Lưới của tỉnh TT-Huế.
Cá xanh ngon và lành là vì chúng ở các khe suối, không ăn thức ăn ở tầng bùn mà chỉ ăn các loại rong rêu nổi lên mặt nước nên ruột rất sạch. Để có một thẩu mắm padekp cần phải có 2 lạng ruột cá xanh trộn với 2 lạng ớt chỉ thiên, chọn loại ớt càng nhỏ càng tốt.
Ớt thì không khó, nhưng để gom được 2 lạng ruột cá ít nhất phải mua được 1kg cá xanh. Những nguyên liệu khác ngoài các loại gia vị có sẵn trong bếp, phải có thêm dầu lai, loại dầu được dân bản tự chiết từ hạt cây dầu lai hái trong rừng về thì mới tạo hương vị đặc trưng cho mắm padekp.
Nên dùng muối hạt ướp ruột cá, dùng bình thủy tinh hoặc bình sứ để ủ mắm padekp, thời gian ủ mắm là 3 tháng và tránh không để lọ mắm bị động đậy sẽ hỏng.
Vị thơm của cá, bùi béo của dầu lai và cay nồng của ớt là nét đặc trưng riêng của padekp. Anh bạn cho biết, hầu hết trong mỗi nhà của người dân A Lưới luôn có lọ mắm padekp. Khách quý thì chủ nhà dùng mắm làm thức chấm thịt, còn thường, hôm nào lười đi chợ dùng mắm chấm rau, chấm khoai sắn cũng đủ mặn cho bữa ăn.
Lần này lên huyện A Lưới, tôi khởi hành sớm hơn để theo bạn đi mua cá xanh. A Trăm, người bán cá có nhiều năm kinh nghiệm bắt cá xanh, cho biết: “Cá xanh bữa ni ngày càng hiếm, phải lên tới đầu nguồn mới bắt được, người mô giỏi lắm cũng chỉ bắt được 1 ký đến 1 ký rưỡi mỗi ngày”.
Hôm nay A Trăm cũng chỉ kiếm được già cân cá xanh nên nói bao nhiêu tôi đưa bấy nhiêu, miễn sao được ăn các món chế biến từ cá xanh là được.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.