Dân Việt

Ký ức "biệt động Thành" tại Garage Biệt động Sài Gòn

Bạch Dương 22/12/2022 14:48 GMT+7
Di tích lịch sử Nhà số 499/20 Cách Mạng Tháng Tám (phường 13, quận 10, TP.HCM) đang được đề xuất xếp hạng di tích. Đây là nơi các chiến sĩ biệt động Sài Gòn liên lạc, canh gác, bảo vệ cán bộ khi hội họp hoặc tạm trú.
Ký ức "biệt động Thành" tại Garage Biệt động Sài Gòn - Ảnh 1.

Bên ngoài cơ sở Garage Dương Văn Đức. Ảnh: P.V

Biệt động Sài Gòn là lực lượng vũ trang đặc biệt, được xây dựng từ cơ sở, tồn tại và hoạt động, chiến đấu trong lòng địch ở đô thị. Đối với lịch sử của lực lượng Biệt động Sài Gòn – Gia Định, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 là "đỉnh cao chiến công". Đây là kết quả của quá trình chuẩn bị, xây dựng lực lượng, cơ sở quần chúng, các hầm bí mật chứa vũ khí và ém quân trong nội thành Sài Gòn, trong đó có cơ sở Nhà số 499/20 Cách Mạng Tháng Tám.

Đây là một trong những cơ sở bảo đảm chiến đấu thuộc đơn vị Bảo đảm chiến đấu (J9 - T700) sau là đơn vị (A20, A30) Quân khu Sài Gòn - Gia Định. Căn nhà này trước đây là tiệm sửa chữa xe ô tô của ông Dương Văn Đức, được người dân địa phương gọi với tên là Garage Dương Văn Đức, Garage Hai Diện, Garage Tự Lực. Cơ sở sửa chữa xe được hình thành từ những năm 1950, là nơi liên lạc hợp pháp, canh gác, bảo vệ cán bộ hội họp hoặc tạm trú.

Nơi đây còn được giao nhiệm vụ bảo trì, thiết kế các phương tiện phục vụ chiến đấu của biệt động Sài Gòn nói riêng và lực lượng cách mạng nội đô nói chung.

Cũng tại căn nhà này, chiến sĩ Trần Văn Lai - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân - thường xuyên mang hai chiếc xe ô tô số hiệu NCE-345 và EC-6045 đến cho ông Dương Văn Đức thiết kế, kiểm tra, bảo dưỡng để đưa đón lãnh đạo quân khu ra vào nội đô Sài Gòn.

Ký ức "biệt động Thành" tại Garage Biệt động Sài Gòn - Ảnh 3.

Chiếc xe NCE-345 lịch sử. Ảnh tư liệu

Hai chiếc xe trên cũng được Đội 5 Biệt động Sài Gòn trực tiếp sử dụng để tấn công vào dinh Độc Lập trong đợt Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968.

Ngoài ra, ông Đức còn làm phòng bí mật trên mái garage để các cán bộ ẩn nấp, cũng như giúp cán bộ trốn thoát ra phía nghĩa trang sau garage khi bị truy xét.

Các nhà lịch sử nhận định: Garage Tự Lực với chủ nhân là chiến sĩ cơ sở biệt động Thành – Dương Văn Đức (Hai Diện) là một mắt xích quan trọng trong hệ thống cơ sở cách mạng của Biệt động Sài Gòn – Gia Định trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đã góp phần quan trọng vào sự kiện lịch sử vĩ đại – cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.

Ký ức "biệt động Thành" tại Garage Biệt động Sài Gòn - Ảnh 4.

Cơ sở biệt động này đang được đề xuất xếp hạng di tích. Ảnh: P.V

PGS.TS Hà Minh Hồng (Hội Khoa học Lịch sử TP.HCM) chia sẻ: "Ở những địa chỉ ấy vẫn còn giữ lại được nhiều hiện trạng thời chiến; và những gia chủ hiện tại trong những căn nhà – địa chỉ đỏ ấy vẫn là những người con, người cháu của các chiến sĩ biệt động năm xưa. Họ tự giới thiệu một cách chân thực về căn nhà và người cha, người ông của mình đã trở thành các chiến sĩ biệt động hay là những cơ sở phục vụ cho hoạt động của biệt động như thế nào. Vì thế, biệt động và hoạt động của lực lượng đặc biệt này trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước không thể bị lãng quên trong ký ức của dân tộc".

Hiện nay đã có nhiều cơ sở của Biệt động Sài Gòn được xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia như: Hầm bí mật chứa vũ khí của Biệt động Sài Gòn đánh Dinh Độc Lập Tết Mậu Thân 1968 (287/70 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3); Di tích lịch sử cấp Quốc gia Sở chỉ huy Tiền phương Phân khu 6 (số 7 Lý Chính Thắng, quận 3); Di tích Hộp thư bí mật và hầm nổi Biệt động (113A Đặng Dung, quận 1); Di tích Bảo tàng Biệt động (145 Trần Quang Khải, quận 1).