Sài Gòn quán: Cà phê Đỗ Phủ có căn hầm bí mật ở quận 1
Sài Gòn quán: Quán cà phê có căn hầm bí mật của Biệt động Sài Gòn xưa
Nguyên Thịnh
Thứ bảy, ngày 30/04/2022 09:28 AM (GMT+7)
Trước quán cà phê Đỗ Phủ - cơm tấm Đại Hàn (quận 1) luôn tung bay lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam với sao vàng 5 cánh trên nền xanh, đỏ. Không chỉ là nơi trải nghiệm ẩm thực, đây còn là di tích gắn với hoạt động bí mật của Biệt động Sài Gòn trước năm 1975.
Một quán cà phê - quán ăn cũng đồng thời là một di tích lịch sử, gắn với hoạt động bí mật của lực lượng Biệt động Sài Gòn. Chỉ chừng đó thôi cũng đã đủ khiến nhiều du khách tò mò, muốn tìm đến địa chỉ thú vị ấy. Đó chính là quán cà phê Đỗ Phủ - cơm tấm Đại Hàn.
Vì sao gọi là cà phê Đỗ Phủ - cơm tấm Đại Hàn?
Nằm tại số 113A Đặng Dung, quận 1, quán cà phê Đỗ Phủ - cơm tấm Đại Hàn gây ấn tượng ban đầu bởi dáng vẻ cổ kính của một căn nhà gỗ duyên dáng, có treo lá cờ hai màu xanh, đỏ cùng ngôi sao vàng 5 cánh đang tung bay phấp phới - lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.
Phía trước quán góc trái có tấm biển tên quán theo kiểu chữ kẻ tay xưa. Chính diện cửa ra vào, có gắn tấm biển đồng với dòng chữ "Di tích lịch sử Hộp thư bí mật và hầm nổi của Biệt động Sài Gòn".
Căn nhà gỗ có từ những năm 1940 này vốn là nơi bán cà phê, cơm tấm của vợ chồng ông Đỗ Miễn và vợ - bà Nguyễn Thị Sự. Quán có tên "Đỗ Phủ", ý muốn nói là phủ (nhà) của họ Đỗ.
Không chỉ có người lao động bình dân đến ăn, quán còn có những vị khách là binh lính Đại Hàn - tức binh lính Hàn Quốc từng sang tham chiến tại Việt Nam. Khi xưa, họ ở Cao ốc Đại Hàn đối diện quán, nên vì thế tiện ghé đây.
Song, không ai ngờ rằng cái quán ăn uống giản dị ấy trước năm 1975 thực chất lại là một trong những cơ sở hoạt động bí mật của lực lượng Biệt động Sài Gòn, dưới sự quản lý của ông Trần Văn Lai, còn gọi là Năm Lai, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Căn nhà được phía cách mạng dùng làm nơi trú ẩn, giao liên, hội họp, giao nhận thư từ, tài liệu mật, nuôi giấu cán bộ…
Điều thú vị là trong thời chiến, quán Đỗ Phủ lại nằm ngay sát vách nhà Ngô Quang Trưởng, trung tướng quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Hoạt động của chủ quán cùng lực lượng Biệt động Sài Gòn vì thế lại càng phải thật cẩn trọng, mưu trí hơn bao giờ hết.
Ngày nay, đến quán cà phê Đỗ Phủ - cơm tấm Đại Hàn, mà có người vẫn gọi tắt là "Cà phê Biệt động", du khách sẽ thấy ngay những chứng tích của một thời hoạt động cách mạng bí mật sôi nổi ngay giữa lòng nội ô đô thị Sài Gòn.
Vách tường giữa nhà 113A Đặng Dung và 113B Đặng Dung chính là một hầm nổi, cất giấu tài liệu, thuốc men, tiền, vàng… đựng trong các lon guigoz, thùng đạn Mỹ.
Hoặc như chiếc tủ quần áo bằng gỗ trên tầng lầu của quán. Đây thực chất là nơi nguỵ trang, che giấu căn hầm bí mật, vừa đủ một người chui vào. Khi "có biến", người ta chui vào tủ, mở nắp hầm thoát thân ra con đường phía sau nhà.
Những mẩu chuyện như thế đã cuốn hút nhiều du khách tìm hiểu, lắng nghe khi đến địa chỉ độc đáo này ở Sài Gòn.
Cà phê Đỗ Phủ có không gian hoài cổ và món cơm tấm Đại Hàn
Quán cà phê Đỗ Phủ - cơm tấm Đại Hàn có cả tầng trệt và lầu với không gian hoài cổ, như đưa du khách ngược dòng thời gian, trở về thời quá khứ.
"Căn nhà, rồi màu gỗ ở đây khiến mình thấy có gì đó cổ xưa lắm. Rồi mình còn được biết nơi đây từng có những người trong lực lượng cách mạng hoạt động bí mật, nên mình lại càng thấy có gì đó như… bí ẩn hơn", anh Việt Hải (một vị khách ngụ quận 4) chia sẻ.
Chủ quán cà phê Đỗ Phủ - cơm tấm Đại Hàn là ông Trần Vũ Bình - con trai ông Trần Văn Lai. Ông là người đã góp công gìn giữ, tôn tạo căn nhà cổ, duy trì hoạt động kinh doanh, phục vụ du lịch…
Ông Bình còn bỏ tâm sức sưu tầm nhiều hiện vật xưa để lưu dấu một thời. Nhiều du khách đến quán rất thích thú khi chụp ảnh với những hiện vật Sài Gòn xưa được bày biện ở đây.
Đến quán Đỗ Phủ, thực khách không thể bỏ qua món "cơm tấm Đại Hàn". Một dĩa cơm đầy đủ gồm sườn nướng, bì thính, trứng ốp la, chả trứng, mỡ hành.
Ăn kèm với cơm tấm là nước mắm tỏi ớt pha kẹo lại, có vị ngọt đặc trưng kiểu miền Nam, và nhất là không thể thiếu dĩa nhỏ gồm rau muống bóp thấu cùng kim chi. Món kim chi chính là để phục vụ khẩu vị những binh lính Đại Hàn khi xưa, tạo nên nét độc đáo cho món "cơm tấm Đại Hàn".
"Thịt sườn được ướp đậm đà, tuy nhiên hơi khô một chút. Bì thính thơm. Trứng ốp la chiên khéo, vẫn giữ được lòng đào. Chả trứng vừa ăn. Mình cũng thích rau muống chua chua ngọt ngọt, kim chi thì hơi mằn mặn, cay cay, ăn đỡ ngấy", Trang Minh (thực khách ngụ quận Phú Nhuận) cho biết.
Ngoài cơm tấm Đại Hàn, quán cà phê Đỗ Phủ còn có những món nước giải khát kiểu Sài Gòn như cà phê sữa, cà phê bơ Pháp, quẩy nóng chấm bạc xỉu, sâm dứa sữa, sirô đá bào…
Tầng lầu quán cà phê Đỗ Phủ - cơm tấm Đại Hàn có ban công thoáng mở, hướng ra mặt đường đón gió, tô điểm màu xanh của hoa lá cũng là một điểm cộng ở đây. Quán được các công ty du lịch đưa vào tour khám phá Sài Gòn - TP.HCM, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.