Theo báo cáo mới nhất, hiện, Hà Nội mới đáp ứng được 14-71% sản phẩm nông, lâm, thủy sản; việc cung cấp nguồn thực phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng Thủ đô. Chính vì vậy, công tác đẩy mạnh kết nối với các tỉnh, thành phố, kết nối thị trường và sản xuất, tiêu thụ nông sản... là những nội dung được thảo luận chính tại hội nghị đánh giá kết quả công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, kết nối sản xuất - tiêu thụ nông, lâm, thủy sản giữa Hà Nội và tỉnh, thành phố năm 2022 do Sở NNPTNT Hà Nội mới được tổ chức.
Thực hiện chương trình kết nối, nhiều sản phẩm nông sản của các tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Vĩnh Phúc, Lâm Đồng, Hải Dương, Hà Nam, Tiền Giang, Cần Thơ... đến các đơn vị phân phối, siêu thị, chợ, cửa hàng trái cây, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tại Hà Nội để chủ động kết nối tiêu thụ.
"Thời gian tới, Hà Nội tiếp tục cụ thể hóa chủ trương "Hà Nội với cả nước, cả nước với Hà Nội", bảo đảm nguồn cung nông sản thực phẩm cho người dân và khẳng định vai trò đầu tàu của cả nước trong xây dựng mô hình liên kết chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản".
Ông Chu Phú Mỹ
Theo thống kê của Sở NNPTNT Hà Nội, đến nay, thành phố đã xây dựng và duy trì được 159 chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; trong đó, 53 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc động vật, 106 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc thực vật.
Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nông sản, thực phẩm của Thủ đô, những năm qua, Sở NNPTNT không chỉ phát huy hiệu quả các chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn thành phố mà còn đẩy mạnh phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn giữa Hà Nội và các tỉnh, thành trong cả nước.
Thực hiện Chương trình phối hợp giai đoạn 2021-2025, Sở NNPTNT và 43 tỉnh, thành phố tham gia chương trình phối hợp đã chủ động, tích cực duy trì, hỗ trợ phát triển 946 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho thành phố Hà Nội (chiếm 57% số chuỗi toàn quốc), tăng 20% số chuỗi so với năm 2021.
Đặc biệt, trong 11 tháng năm 2022, các tỉnh đã cung cấp về Hà Nội: 162.500 tấn rau; 53.557 tấn cây ăn quả; 60.429 tấn thịt, hơn 130 triệu quả trứng; 7.597 tấn thủy sản; 19.500 tấn thực phẩm chế biến; 49.129 tấn lương thực.
Ông Nguyễn Minh Đức - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hậu Giang, hiện nay, tỉnh Hậu Giang cung cấp cho Hà Nội sản phẩm chanh leo, sầu riêng, cá thát lát... trung bình mỗi tháng khoảng 30-50 tấn nông, lâm, thủy sản.
Còn theo Sở NNPTNT tỉnh Bắc Kạn, hiện nay, tỉnh có 38 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, trong đó 14 chuỗi có liên kết tiêu thụ sản phẩm tại thị trường Hà Nội như bí xanh, bún, phở, miến dong, chè, gạo... Năm 2022, Bắc Kạn cung ứng cho thị trường Hà Nội gần 4.000 tấn nông sản các loại.
Thực hiện Chương trình phối hợp giai đoạn 2021-2025, Sở NNPTNT và 43 tỉnh, thành phố tham gia chương trình đã chủ động duy trì, hỗ trợ phát triển 946 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho TP.Hà Nội.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội cho biết: "Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản có nhiều chuyển biến tích cực; nhiều chuỗi giá trị nông sản được triển khai có hiệu quả đã tạo ra sản phẩm thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng Thủ đô".
Phân tích về các giải pháp đảm bảo nguồn cung nông sản, Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, Sở đã tham mưu thành phố tổ chức cơ cấu lại lĩnh vực nông nghiệp; tổ chức liên kết, hợp tác, phát triển các chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp bảo đảm chất lượng với các địa phương trong cả nước; đồng thời, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm nông nghiệp thông qua các khâu chế biến, lưu thông, kênh phân phối.
Bên cạnh đó, Sở NNPTNT chủ động phối hợp với Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch TP.Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố giúp người dân Thủ đô tiếp cận với nhiều đặc sản vùng miền, bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm.
Ông Bùi Duy Quang - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại, du lịch TP.Hà Nội, để hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã thúc đẩy tiêu thụ nông sản, trung tâm phối hợp quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm xây dựng thương hiệu thị trường cho các sản phẩm đạt chứng nhận Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của Hà Nội và các tỉnh để nâng cao giá trị sản phẩm.
Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NNPTNT) Nguyễn Như Tiệp đánh giá cao sự phối hợp giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong công tác nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm; xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ thực phẩm nông, lâm, thủy sản, góp phần quan trọng bảo đảm nguồn cung thực phẩm trên địa bàn Hà Nội trong mọi tình huống.
Hiện nay, công tác kết nối tiêu thụ nông sản giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố còn khó khăn như: Tỷ trọng sản lượng nông, lâm, thủy sản theo chuỗi của các tỉnh, thành phố tiêu thụ tại Hà Nội chưa cao.
Một số chuỗi liên kết chưa hoàn chỉnh, quy mô liên kết vừa và nhỏ, chủ yếu là sản phẩm tươi sống, còn thiếu sản phẩm chế biến sâu, chất lượng cao. Tình hình vận chuyển, buôn bán thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ từ các tỉnh, thành phố về Hà Nội tuy giảm nhưng vẫn còn vi phạm...
Thời gian tới, Hà Nội cần giới thiệu các địa điểm thuận lợi tại các quận, huyện, thị xã, kênh phân phối... để hỗ trợ các tỉnh, thành phố chủ động tổ chức điểm bán sản phẩm tại Hà Nội theo nhu cầu, tập trung vào dịp lễ, tết, mùa thu hoạch nông sản...
Đặc biệt, năm 2023, Sở NNPTNT Hà Nội tiếp tục thông tin, phối hợp trong công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, giám sát, thanh tra, kiểm tra, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông, lâm, thủy sản của các tỉnh, thành phố đưa về Hà Nội tiêu thụ và ngược lại. Các tỉnh, thành phố cần tăng cường liên kết vùng để tổ chức sản xuất theo chuỗi quy mô lớn sản xuất công nghệ cao, bền vững, phát triển chuỗi sản xuất có chứng nhận GAP, GMP...
Bên cạnh đó, đẩy mạnh hợp tác lĩnh vực công nghiệp, thương mại nhằm phát huy thế mạnh địa phương, quảng bá, kết nối cung - cầu sản phẩm, hàng hóa lợi thế của các địa phương, hỗ trợ tiêu thụ tại thị trường Hà Nội.