Tại Hội nghị đánh giá kết quả hoạt động thông tin điện tử năm 2022, định hướng nhiệm vụ năm 2023 do Bộ Thông tin Truyền thông tổ chức ngày 22/12, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền - Trưởng phòng Thông tin điện tử (Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử) cho biết: Năm 2022, Bộ Thông tin Truyền thông đã đề xuất với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xây dựng quy trình xử lý người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật (ca sĩ, nghệ sĩ…) vi phạm pháp luật, đạo đức sẽ bị cấm sóng, cấm biểu diễn, cấm mạng (hay còn gọi là phong sát).
Ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, nói thêm: Chúng tôi dự kiến khi ban hành sẽ chính thức công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Ngoài ra, nghệ sĩ, người nổi tiếng vi phạm về phát ngôn hay quảng cáo sai phạm, ngoài xử phạt hành chính sẽ có các giải pháp khác, ví dụ như khóa kênh, cắt nguồn tiền quảng cáo và tới đây nữa sẽ là cấm sóng, cấm biểu diễn".
Theo Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, mức phạt hiện hành từ 5 - 10 triệu đồng, không đủ sức răn đe.
Về vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Hà Thị Khuyên (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, hiện nay vấn đề nghệ sĩ vi phạm trong lĩnh vực nghệ thuật ngày càng diễn ra phổ biến.
Vì thế, để làm trong sạch và lành mạnh hóa lĩnh vực nghệ thuật, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đề xuất biện pháp cấm sóng, cấm biểu diễn, cấm mạng đối với những nghệ sĩ có hành vi vi phạm pháp luật là hoàn toàn phù hợp.
Hiện nay quy định xử phạt hành chính hiện tại đang áp dụng trong lĩnh vực nghệ thuật quy định tại Điều 11 Nghị định 38/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên chế tài này còn chưa tương xứng với hành vi vi phạm nên tình trạng nghệ sĩ tái phạm các hành vi vi phạm diễn ra ngày càng nhiều.
Theo luật sư Khuyên, hiện nay, theo các quy định, liên quan đến phát ngôn, ứng xử, nghệ sĩ phải tuân thủ Quy tắc ứng xử của nghệ sĩ đối với khán giả, công chúng, xã hội theo quy định tại Điều 6, Điều 7 Quy tắc ứng xử chung của nghệ sĩ.
Với khán giả, công chúng nghệ sĩ phải tôn trọng công chúng, khán giả, tận tâm lao động, sáng tạo nghệ thuật phục vụ nhân dân, đất nước, lắng nghe ý kiến đóng góp của khán giả, công chúng nhằm hoàn thiện bản thân và nâng cao chất lượng tác phẩm, sản phẩm văn hóa nghệ thuật.
Ngoài ra, phải y thực, không lợi dụng sự nổi tiếng, danh nghĩa nghệ sĩ để trục lợi cá nhân. Ứng xử đúng mực, lịch sự, thân thiện với khán giả, công chúng.
Trong hoạt động xã hội, nghệ sĩ phải có trách nhiệm và minh bạch trong các hoạt động xã hội, tích cực, đóng góp cho cộng đồng, tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng công chúng.
Đồng thời, phải có lối sống trong sáng, lành mạnh, giữ gìn hình ảnh, tác phong, uy tín của người nghệ sĩ trước công chúng và xã hội. Phát huy uy tín cá nhân để lan tỏa các giá trị nhân văn, những việc làm tốt, hình ảnh đẹp, hành vi ứng xử văn hoá trong xã hội đến cộng đồng.
Và không tham gia quảng cáo các sản phẩm không đúng hoặc gây nhầm lẫn về công dụng của sản phẩm. Không tổ chức, tham gia các hoạt động trái quy định của pháp luật, vi phạm trật tự an ninh, an toàn xã hội.
"Đối chiếu với diễn biến vi phạm của giới nghệ sĩ hiện nay và các chế tài, quy định điều chỉnh của pháp luật, quy tắc nghề nghiệp nêu trên, có thể thấy việc đề xuất quy định cấm sóng, cấm biểu diễn và cấm mạng xã hội là hoàn toàn đủ cơ sở, rất cần thiết. Tuy nhiên cần quy định rõ vi phạm ở mức độ nào, nghệ sĩ sẽ bị cấm sóng, cấm biểu diễn và cấm mạng xã hội" – vị luật sư nêu quan điểm.
Ở một diễn biến khác, theo ghi nhận của PV Dân Việt, nhiều độc giả cũng tỏ ta đồng tình với đề xuất "phong sát" nghệ sĩ vi phạm pháp luật.
Bạn đọc Thanh Vân cho biết, rất ủng hộ đề xuất này, bởi nghệ sĩ là người có tầm ảnh hưởng lớn, đặc biệt nhận được sự quan tâm của công chúng, trong đó có người trẻ.
Nên nghệ sĩ có tư cách đạo đức không tốt thì không được xuất hiện ở các phương tiện thông tin đại chúng cũng như không được biểu diễn ở bất kì sự kiện, sân khấu nào.
Điều này không chỉ giảm được số lượng các bạn trẻ sống buông thả mà còn làm trong sạch hơn cho đội ngũ làm nghệ thuật, để nghệ thuật là thứ đáng được trân trọng và tôn trọng.
"Rất đồng tình, mong sớm ban hành và xử lý nghiêm. Hiện nay tràn lan rác rưởi khoác vỏ áo nghệ thuật. Nhiều người gắn mác nghệ sĩ nhưng lại nhờ chiêu trò để nổi tiếng.
Khi nổi tiếng lại ít hoạt động nghệ thuật, chủ yếu là đi các sản phẩm độc hại, hay làm nội dung nhảm nhí gây ảnh hưởng và làm lệch lạc lối sống lớp trẻ" – bạn đọc Hung Thanh nêu quan điểm.
Trong khi đó, một bạn đọc khác cho biết, nếu đề xuất được thông qua thì quy định nên có hiệu lực hồi tố với nhưng hành vi trước và sau khi văn bản này có hiệu lực.
"Chứ những nghệ sĩ trước đó tự nhiên có cơ hội làm lại là không được, phải giống như một số nước, nghệ sĩ nào dính phốt, những tác phẩm trước đó và toàn bộ từ khóa tìm kiếm phải đều biến mất" – bạn đọc này nói.