Chấp hành viên nhận hối lộ 350 triệu đồng ở TP.HCM có thể bị xử lý thế nào?
Chấp hành viên nhận hối lộ 350 triệu đồng ở TP.HCM có thể bị xử lý thế nào?
Q.Trung
Thứ năm, ngày 22/12/2022 20:05 PM (GMT+7)
Chấp hành viên Kim Thanh Hạnh bị Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao bắt khẩn cấp để điều tra về hành vi nhận hối lộ 350 triệu đồng. Với số tiền trên, nếu bị chứng minh có tội, bà Hạnh có thể bị xử lý thế nào?
Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao vừa ra quyết định bắt giữ người trong trường hợp khẩn cấp, lệnh khám xét khẩn cấp đối với Kim Thanh Hạnh (43 tuổi, chấp hành viên thuộc Cục Thi hành án dân sự TP.HCM) để điều tra về hành vi nhận hối lộ.
Theo cơ quan điều tra, bà Hạnh bị bắt quả tang nhận hối lộ 350 triệu đồng của bà N.T.B.N. tại Bệnh viện phụ sản MêKông ở quận Tân Bình, TP.HCM tối 20/12.
Nguồn tin cho biết bà N. là đương sự trong vụ án dân sự do TAND TP.HCM xét xử. Trong bản án này, bà N. phải trả cho ông V. gần 2,6 tỷ đồng.
Để đảm bảo bà N. hoàn thành nghĩa vụ thi hành án, cơ quan chức năng đã tạm hoãn xuất cảnh đối với người này.
Sau khi thực hiện xong nghĩa vụ thi hành án, bà N. đã được lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự TP.HCM ký quyết định giải tỏa.
Cơ quan này sau đó giao cho bà Hạnh tống đạt quyết định trên và thông báo đến các cơ quan chức năng có liên quan.
Tuy nhiên, bà Hạnh không tống đạt quyết định này cho bà N. và có hành vi yêu cầu bà N. đưa tiền.
Quy định về hành vi nhận hối lộ
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, Luật sư Hà Thị Khuyên (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, đây là vụ án có tính chất nghiêm trọng, gây ảnh hưởng xấu đến hệ thống ngành tư pháp.
Thời gian qua không ít cán bộ thuộc các cơ quan tố tụng ở cơ quan điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, đây là thực trạng đáng buồn và hết sức báo động.
Đối tượng phạm tôi mặc dù là người hiểu biết pháp luật, đảm nhận chức vụ trong lĩnh vực thi hành án, song vì thiếu tu dưỡng, suy thoái đạo đức - lối sống dẫn đến vi phạm pháp luật, gây xói mòn niềm tin trong nhân dân.
Bởi vậy, rất cần một chế tài xử lý thật sự nghiêm khắc đối với cán bộ công chức ngành tư pháp có vi phạm để đẩy lùi và chặn đứng tình trạng này.
Theo luật sư Khuyên, về mặt tố tụng, việc Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao bắt và tiến hành tạm giữ hình sự chấp hành viên Cục thi hành án dân sự TP.HCM là có căn cứ, đúng trình tự, thủ tục tố tụng được quy định tại khoản 3, Điều 163 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; Điều 20 Luật Tổ chức Viện KSND năm 2015…
Vị chuyên gia nêu quan điểm, hành vi nhận hối lộ mà bà Kim Thanh Hạnh bị bắt quả tang được quy định tại Điều 354 Bộ luật hình sự năm 2015, thuộc nhóm tội phạm về chức vụ.
Chủ thể của hành vi này là chủ thể đặc biệt thuộc những người có chức vụ, quyền hạn trong bộ máy Nhà nước thực hiện hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích khác.
Người phạm tội nhận hối lộ không chỉ nhận lợi ích vật chất mà còn có thể là lợi ích phi vật chất, lợi ích vật chất là tài sản, lợi ích phi vật chất. Khung hình phạt cao nhất của tội này lên đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Đối chiếu quy định pháp luật nêu trên, luật sư Khuyên cho rằng, với số tiền nhận hối lộ là 350 triệu đồng, nếu bị chứng minh có tội, bà Kim Thanh Hạnh có thể bị xử lý theo khoản 3 Điều 354 Bộ luật hình sự năm 2015, khung hình phạt có thể phải đối mặt là từ 7 đến 15 năm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.