Ông Trần Thắng – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, phát biểu khai mạc hội nghị: Chương trình đối thoại hôm nay, lãnh đạo UBND tỉnh mong muốn lắng nghe ý kiến của cán bộ, hội viên, nông dân, các Hợp tác xã, doanh nghiệp để tiếp thu, giải đáp những vấn đề mà nông dân trên địa bàn tỉnh quan tâm, đề xuất, mong muốn được trao đổi, nhất là những đề xuất về tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện chính sách tam nông, xây dựng tổ chức Hội Nông dân vững mạnh.
Ông Trần Thắng nhấn mạnh, đối với các đại biểu là nông dân, doanh nghiệp, Hợp tác xã tham gia đối thoại phải phát huy tinh thần thẳng thắn, cởi mở, tập trung thảo luận, trao đổi, nêu ý kiến ngắn gọn, rõ ràng, cụ thể trên các lĩnh vực, trong đó, tập trung vào các vấn đề phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đang nhận được sự quan tâm của nông dân và toàn xã hội.
Đồng thời, hiến kế, tham góp ý kiến, đề xuất giải pháp nhằm hỗ trợ nông dân khởi nghiệp, phát triển sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị, xây dựng nông thôn mới văn minh, bền vững. Phát huy vai trò chủ thể của nông dân, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh.
Tại hội nghị, ông Trần Tiến Sỹ - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình, khẳng định: "Việc đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình với nông dân hôm nay, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo tỉnh với nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Các ý kiến của nông dân tại buổi đối thoại đại diện cho mong muốn, nguyện vọng của nông dân trong tỉnh Quảng Bình".
Những câu hỏi "nóng" được nông dân Quảng Bình quan tâm
Tại hội nghị, các đại biểu nông dân đã thẳng thắn đối thoại về những vướng mắc, băn khoăn liên quan đến cơ chế chính sách phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, phát triển thị trường.
Bà Nguyễn Thị Giang – Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất cây dược liệu sạch và kinh doanh nông nghiệp Cự Nẫm (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), hỏi: Thời gian tới, tỉnh Quảng Bình có chủ trương quy hoạch vùng trồng dược liệu không? Có thực hiện quy hoạch chuyển đổi diện tích trồng các loại cây không hiệu quả qua trồng dược liệu không?
Trả lời nội dung trên, ông Trần Đình Hiệp – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình, thông tin: Ngoài việc thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ của Trung ương, tỉnh đã có chủ trương, định hướng và ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều sản phẩm chế biến từ cây Dược liệu đạt 3, 4 sao cấp tỉnh, tiêu thụ tốt. Tuy nhiên, nếu mở rộng vùng nguyên liệu, đặc biệt vùng sản xuất tập trung gặp khó khăn như ý kiến của bà Giang nêu trên là đúng thực tế.
Theo ông Hiệp, hiện nay, theo Luật Quy hoạch năm 2017 thì cấp tỉnh, cấp huyện không có quy hoạch riêng cho từng lĩnh vực, ngành nhưng được tích hợp trong Quy hoạch tỉnh. Vì vậy, trong thời gian tới, sẽ không có quy hoạch riêng cho vùng trồng cây Dược liệu tập trung.
Nông dân Nguyễn Hữu Thạnh (ở xã Nghĩa Ninh, TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) hỏi: Những năm qua, tình hình chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn. Giá thức ăn chăn nuôi tăng hơn 35%, nhưng giá sản phẩm thịt lợn, thịt gà đều giảm mạnh, cộng thêm dịch bệnh gia súc, gia cầm phức tạp, người chăn nuôi rất khó khăn, nhiều người thua lỗ nặng. Các chế độ hỗ trợ dịch bệnh thực hiện quá chậm. Để điều tiết bình ổn giá, hỗ trợ người chăn nuôi, tỉnh Quảng Bình có những chính sách gì?
Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình, trả lời: Đến thời điểm hiện tại, Thủ tướng Chính phủ chưa có văn bản quy định cụ thể về cơ chế hỗ trợ, chính sách, đối tượng, mức hỗ trợ kinh phí cho người chăn nuôi có gia súc buộc phải tiêu huỷ do bệnh Dịch tả lợn Châu Phi và Viêm da nổi cục trên trâu, bò. Do đó, UBND tỉnh chưa có cơ sở để hỗ trợ, UBND tỉnh sẽ cấp kinh phí hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại khi có quy định cụ thể của Trung ương.
Trong thời gian qua, nhất là trong đại dịch Covid-19, tỉnh đã chỉ đạo các ngành liên quan, các địa phương thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt nhằm bình ổn giá thị trường. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành các pháp luật về giá. Thực hiện tốt công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giã, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Thực hiện các biện pháp kỹ thuật để giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất chăn nuôi, kiểm soát tốt dịch bệnh, tạo điều kiện cho chăn nuôi phát triển, tiêu thụ tốt sản phẩm...
Nông dân Cao Xuân Đương (ở xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình), hỏi: Hiện nay nhu cầu đi xuất khẩu lao động theo kênh của Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình giới thiệu là rất cao, song một số lao động sau khi được xuất cảnh không chấp hành cam kết, bỏ trốn ra ngoài làm tự do đã ảnh hưởng đến uy tín, làm mất cơ hội xuất cảnh của các lao động khác. Phía tỉnh đã có giải pháp gì để xử lý nghiêm và chấm dứt tình trạng lao động đi làm việc ở nước ngoài bỏ trốn?
Ông Nguyễn Trường Sơn – Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình, trả lời: Tình trạng người lao động vi phạm hợp đồng, bỏ trốn khỏi nơi làm việc, ở lại cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài vẫn đang tiếp diễn. Sở Lao động Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan tham mưu UBND tỉnh Quảng Bình triển khai nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu tình trạng này.
Theo ông Sơn, ngoài những biện pháp từ phía các cấp chính quyền trong nước, để chấm dứt tình trạng người lao động bỏ trốn, ở lại cư trú bất hợp pháp tại nước ngoài còn cần đến cơ chế xử lý vi pháp, vấn đề pháp lý và sự phối hợp tích cực từ các cơ quan chức năng của nước tiếp nhận lao động.
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Thắng, cho biết: "Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Bình đánh giá cao những ý kiến thẳng thắn, trách nhiệm, tâm huyết của các hội viên nông dân. Những ý kiến của nông dân giúp UBND tỉnh có những quyết sách sát thực tiễn hơn trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tôi cũng đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các sở ngành, địa phương đã trả lời, đối thoại, giải đáp, gợi mở, tháo gỡ vướng mắc những nội dung đúng trọng tâm, trọng điểm về những vấn đề người nông dân đang còn quan tâm trong thực tiễn".