"Sò huyết lên mâm" làm kiểu lạ lắm ở Quảng Bình, dân nói chủ quán này số hai thì chưa có ai là số một

Trần Anh Thứ ba, ngày 08/11/2022 05:28 AM (GMT+7)
Hơn 30 năm qua, ông bà Đặng Thị Mận (67 tuổi), Trần Đình Ngự (73 tuổi) ở phường Quảng Thọ (thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) nổi tiếng với món sò huyết lên mâm.
Bình luận 0

Trò chuyện với PV Dân Việt, bà Đặng Thị Mận (67 tuổi, chủ quán), cho biết: "Tôi sinh ra ở xã Quảng Tùng (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình), lớn lên cùng sông Roòn nên những đặc sản trên dòng sông này đều gắn bó cùng tuổi thơ. 

Thuở ấy, sò huyết sống dày đặc trên dòng sông nhưng bà con chưa biết chế biến thành nhiều món ngon, ngày đó, tôi cũng từng gánh từng đòn sò huyết đi bán ở các địa phương lân cận nhưng rất ế ẩm".

Clip: Bà Đặng Thị Mận (chủ quán) chia sẻ về món sò huyết lên mâm.

Theo bà Mận, sau khi lập gia đình với ông Trần Đình Ngự, bà cùng chồng về sống ở phường Quảng Thọ (thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình). Cách đây hơn 30 năm, khi về hưu, bà mới mở quán bán sò huyết, quán không có biển hiệu, không nhân viên mời chào, chỉ tận dụng khoảng sân nhỏ trước cửa và đặt vài bộ bàn ghế.

Quảng Bình: Món ăn ví như "thần dược" cho đàn ông khiến du khách tấm tắc khen - Ảnh 2.

Bà Đặng Thị Mận (67 tuổi, chủ quán) đang tách sò huyết cho thực khách. Ảnh: TA

Bà Mận cho biết: "Ban đầu, món sò huyết lên mâm chỉ có sò huyết với vài gia vị kèm theo. Sau thời gian được góp ý của khách hàng, vợ chồng tôi làm thêm nhiều món gia vị, từ đó, ai đến ăn cũng tấm tắc khen ngon, tiếng lành đồn xa nên bây giờ khách đến rất đông, phải đặt trước mới có".

Quảng Bình: Món ăn ví như "thần dược" cho đàn ông khiến du khách tấm tắc khen - Ảnh 3.

Sò huyết sau khi chần qua nước sôi sẽ được tách lấy phần thịt và phần huyết. Ảnh: TA

"Để có món sò huyết ngon, đảm bảo chất lượng, khâu chọn nguyên liệu rất quan trọng. Sò huyết được chọn phải thật tươi. Khi sơ chế, người nấu cũng phải biết lựa bỏ những con sò đã chết, có mùi.

Quan trọng nhất của món ăn này là lúc chế biến, phải chần sò huyết qua nước sôi 100 độ C. Thời gian để sò ngon đúng vị phụ thuộc vào kinh nghiệm của người đứng bếp. Nếu chưa đủ thời gian, sò khó tách vỏ và chưa đủ độ chín. Nếu sôi quá lâu, phần nước huyết bên trong sẽ bị khô đi, phần thịt sò cũng bị teo lại. Sò huyết sau khi được tách vỏ có lớp thịt với phần huyết đỏ au", bà Mận chia sẻ cách chế biến.

Quảng Bình: Món ăn ví như "thần dược" cho đàn ông khiến du khách tấm tắc khen - Ảnh 4.

Món sò huyết lên mâm cùng hơn 10 gia vị ăn kèm. Ảnh: TA

Bưng món sò huyết lên trên bàn ăn, ông Trần Đình Ngự (chồng bà Mận) giới thiệu với PV rằng: "Món sò huyết lên mâm thì sò huyết là nguyên liệu chính nhưng để tạo nên hương vị cuốn hút cần phải có nhiều loại rau, gia vị khác nhau. Ở trên bàn ăn, tôi đã soạn sẵn hơn 10 gia vị ăn kèm, gồm: Hoa chuối, chanh, đậu lạc rang, gừng, mù tạt, nước mắm, nộm đu đủ… Đặc biệt, món chẻo được làm từ đậu phộng xay nhuyễn, đây là gia vị mà vợ tôi tự sáng tạo ra, chính nó làm nên hồn cốt của món ăn".

Sau đó, ông Ngự tận tay chỉ cách ăn đúng điệu cho thực khách. Ông gắp mỗi thứ một ít vào bát nhỏ, bỏ vài con sò cùng nước huyết đỏ au, rồi tưới lên đó ít chanh, mù tạt và bẻ vụn ít bánh đa. 

Vừa làm ông vừa nói: "Trong mâm này, chua, cay, mặn, chát gì cũng đều có cả cũng giống như cuộc đời, đủ đầy hương vị, cay đắng, ngọt bùi mới thi vị, hạnh phúc".

Ông Trần Thắng (thực khách đến từ TP. Đồng Hới, Quảng Bình), cho biết: "Nghe tiếng món sò huyết lên mâm của ông Ngự mệ Mận đã lâu nhưng bây giờ tôi mới được thưởng thức. Qủa thực, món này rất ngon, có vị đặc trưng. Khi gắp ít sò huyết kèm rau mùi đưa vào miệng, ban đầu sẽ cảm nhận được vị cay nồng của mù tạt, vị chua của chanh và nộm đu đủ, sau là vị ngọt, béo ngậy của món chẻo và sò huyết, cùng với đó là vị thơm thơm của những rau mùi đi kèm". 

Sò huyết là loại nhuyễn thể hai mảnh, sống ở vùng trung triều ven biển và các đầm phá... ở độ sâu 1 - 2m so với mặt nước. Sò huyết có giá trị dinh dưỡng cao, các món ăn chế biến từ sò huyết có tác dụng bổ huyết, tốt cho người bị thiếu máu và đặc biệt là "thần dược" cho đàn ông. Ăn sò huyết tốt cho sức khỏe dù là gái hay trai, người già hay trẻ em.

Lưu ý: Sò huyết dù được dân gian cho là món ăn bổ dưỡng với đa số mọi người. Nhưng cũng có đối tượng không nên ăn sò huyết.

Điều cần tránh khi ăn sò huyết là nếu ăn loại sò huyết được đánh ở vùng biển bị ô nhiễm nặng có thể tăng nguy cơ trúng độc. Một LƯU Ý nữa cần được mọi người quan tâm là trong thịt sò huyết có mức độ retinol quá cao. Chất này liên quan đến dị tật bẩm sinh nên không khuyến khích phụ nữ có thai ăn món sò huyết.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem