Dân Việt

Đằng sau năm thu lợi nhuận khổng lồ của ông Trump

Minh An 23/12/2022 18:01 GMT+7
Báo cáo từ Quốc hội Mỹ tiết lộ rằng nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Donald Trump được đánh dấu bằng một số thủ đoạn thuế đáng ngờ, liên quan đến hàng loạt khoản khấu trừ lớn.

 

Đằng sau năm thu lợi nhuận khổng lồ của ông Trump - Ảnh 1.

Tổng thống Trump. Ảnh AP

Thoạt nhìn, dữ liệu thuế thu nhập do ủy ban Hạ viện Mỹ công bố trong tuần này cho thấy một bước ngoặt trong năm 2018 đối với cựu Tổng thống Donald Trump.

Sau một thập kỷ mà ông Trump tuyên bố không có thu nhập chịu thuế, tờ khai thuế năm 2018 của ông đã báo cáo khoản này lên tới hơn 24 triệu USD. Ông cũng trả gần một triệu USD tiền thuế thu nhập liên bang.

Trên thực tế, năm lời lãi này là kết quả đến từ khối tài sản thừa kế khổng lồ đã hỗ trợ cho phần lớn sự nghiệp kinh doanh của cựu tổng thống. Ông Trump đã nhận được hơn 14 triệu USD tiền lãi từ việc bán khoản đầu tư của cha mình vào những năm 1970 trong dự án phát triển nhà ở Brooklyn tại khu Starrett City.

Nhưng vận may đó chỉ đến trong một khoảng thời gian. Vì kinh doanh thua lỗ nên ông Trump không đóng thuế thu nhập vào năm 2020, năm cuối cùng ông ở Nhà Trắng.

Cũng trong năm đó, sau khi có được các bản khai thuế của ông Trump trong hơn hai thập kỷ, tờ New York Times đã lần ra chu kỳ bùng nổ và suy thoái, tiết lộ lịch sử tài chính của ông: Những vụ trốn thuế đáng ngờ, thua lỗ lớn và cuộc sống được “chống đỡ" bằng tài sản thừa kế.

Thông tin thuế được công bố, từ năm 2015 đến năm 2020, cho thấy mô hình đó kéo dài như thế nào trong những năm ông ở Washington.

Tài liệu mới được Ủy ban Phương tiện và Cách thức Hạ viện Mỹ thu được sau cuộc chiến pháp lý kéo dài nhiều năm, đã đặt ra vô số câu hỏi về phương thức mà ông Trump sử dụng khi còn là tổng thống để giảm thuế thu nhập. Nó cũng cho thấy những thất bại của Sở Thuế vụ Mỹ (IRS) trong việc điều tra đầy đủ các khoản khấu trừ đó.

Đằng sau năm thu lợi nhuận khổng lồ của ông Trump - Ảnh 2.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters.

Những "cảnh báo đỏ"

Ủy ban Hỗn hợp về thuế của Quốc hội Mỹ đã xem xét các tờ khai thuế của ông Trump và tìm thấy hàng chục "cảnh báo đỏ" mà ủy ban này cho rằng cần phải điều tra thêm.

Một trong số đó liên quan đến các khoản giao dịch với con cái của ông Trump. Theo dữ liệu thuế, hàng năm, ông Trump nhận được hàng chục nghìn USD thu nhập lãi từ 3 người con lớn - Donald Jr., Ivanka và Eric - số tiền bắt nguồn từ những khoản mà ông mô tả là “cho các con vay cá nhân”.

Ủy ban đặt câu hỏi liệu khoản vay đó có thực sự là khoản tiền mà các con ông Trump trả lãi cho cha, hay đó “quà tặng trá hình” để trốn thuế quà tặng.

Thuế quà tặng là thuế liên bang áp dụng cho một cá nhân khi tặng bất cứ thứ gì có giá trị cho người khác. Thuế này được tạo ra để ngăn người nộp thuế tặng tiền hay các mặt hàng có giá trị với mục đích tránh phải trả thuế.

Bên cạnh đó, theo số liệu được Quốc hội Mỹ công bố, trong năm 2020, cựu Tổng thống Donald Trump không đóng thuế thu nhập sau khi khai báo rằng ông đang chịu khoản lỗ từ hoạt động kinh doanh.

Ông cũng giảm thiếu đáng kể khoản thuế thu nhập cá nhân phải nộp trong nhiều năm qua do số tiền thuế với khoản lợi nhuận từ đế chế kinh doanh của ông Trump bị cắt giảm thông qua các biện pháp khấu trừ, Reuters đưa tin.

Một "hình thức đáng ngờ" được New York Times dẫn ra như cách giảm thuế của ông Trump là chi phí tạo kiểu tóc, khăn trải bàn, thuế bất động sản trên tài sản riêng của gia đình - tất cả đều đã được khấu trừ vào chi phí kinh doanh.

Để cho phép khấu trừ chi phí kinh doanh, cơ quan thuế vụ yêu cầu các khoản này phải “bình thường và cần thiết”. Tuy nhiên, tiêu chuẩn thường được các chủ doanh nghiệp xác định một cách lỏng lẻo và "hào phóng".

Đằng sau năm thu lợi nhuận khổng lồ của ông Trump - Ảnh 3.

Chủ tịch Ủy ban Phương tiện và Cách thức Hạ viện Mỹ Richard Neal (giữa), nói chuyện với phóng viên sau khi ủy ban bỏ phiếu về việc công bố hồ sơ thuế của ông Trump. Ảnh: New York Times.

Trong bối cảnh đó, ủy ban đã đặt câu hỏi liệu ông Trump có tính các chi phí từ cuộc sống cá nhân và sở thích của mình như khoản chi phí kinh doanh hay không.

Cuộc điều tra năm 2020 của New York Times cho thấy ông thường xuyên có khoản khấu trừ đáng ngờ, bao gồm hơn 70.000 USD cho việc tạo mẫu tóc trong những năm tham gia “The Apprentice”, chương trình truyền hình thực tế của ông.

"Né" thuế

Một điểm có thể gây rắc rối cho ông Trump cũng xuất hiện trong báo cáo. IRS đang xem xét không cho phép khấu trừ 21 triệu USD như ông Trump tuyên bố vào năm 2015, sau khi ông đồng ý không phát triển bất động sản Seven Springs ở Quận Westchester, New York.

Cụ thể, vào năm 1996, ông Trump có kế hoạch lớn khi mua bất động sản này, dự định xây dựng một sân golf, câu lạc bộ và 15 nhà riêng. Nhưng cư dân xung quanh đã ngăn cản tham vọng của ông, cho rằng sự phát triển sẽ thu hút quá nhiều phương tiện giao thông và có nguy cơ gây ô nhiễm nước uống.

Cựu tổng thống đã tìm ra cách để thu được lợi ích về thuế từ bất động sản này. Năm 2015, ông đã ký một thỏa thuận với công ty bảo tồn đất đai, đồng ý không phát triển phần lớn bất động sản này. Đổi lại, ông yêu cầu khấu trừ thuế từ thiện trị giá 21,1 triệu USD.

Ủy ban đang tìm hiểu xem liệu giá trị mà ông Trump tuyên bố có dựa trên đánh giá đủ điều kiện hay không. Ủy ban cũng yêu cầu IRS cũng xác minh các khoản đóng góp từ thiện mà ông Trump báo cáo đã thực hiện bằng tiền mặt, séc hoặc thẻ tín dụng.

Theo New York Times, một phương pháp giúp giảm các hóa đơn thuế của ông Trump là các khoản phí tư vấn không xác định. Trong 9 năm, từ năm 2010 đến năm 2018, ông Trump đã trích khoảng 26 triệu USD cho các “chuyên gia tư vấn" không xác định, và khoản này được tính làm chi phí kinh doanh cho gần như tất cả dự án.

Ít nhất một phần số tiền đó đã được chuyển cho con gái ông, Ivanka, mặc dù cô đang được trả lương với tư cách là giám đốc điều hành tại công ty của cha.

Đằng sau năm thu lợi nhuận khổng lồ của ông Trump - Ảnh 4.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters.

Nó đặt ra câu hỏi liệu các khoản thanh toán này có thực sự phản ánh công việc tư vấn trên thực tế, hay chỉ đơn giản là một cách để yêu cầu khấu trừ thuế không chính đáng.

Nhiều nghi ngờ nổi lên rằng ông Trump giảm thu nhập chịu thuế của mình bằng cách coi một thành viên trong gia đình là nhà tư vấn, và sau đó khấu trừ khoản phí này như một chi phí kinh doanh.

Trong bối cảnh đó, Ủy ban Phương tiện và Cách thức khẳng định rằng chương trình kiểm toán đối với tổng thống của IRS đã “không hoạt động” trong nhiệm kỳ của ông Trump, CNN đưa tin.

IRS dường như đã nhận thấy các khoản phí trên cần được xem xét kỹ lưỡng, nhưng lo ngại vì chúng được trải rộng trong nhiều năm và được thực hiện bởi nhiều tổ chức doanh nghiệp, nên “các nguồn lực cần thiết để kiểm tra sẽ vượt xa bất cứ lợi ích tiềm năng nào”, báo cáo cho biết.

IRS ban đầu cũng đánh dấu một chi tiết trong báo cáo của New York Times về cách ông Trump sử dụng 9,7 triệu USD tín dụng đầu tư kinh doanh, một phần liên quan đến việc cải tạo khách sạn Old Post Office ở Washington, để xóa bỏ nghĩa vụ thuế năm 2016 và 2017.

Nhưng để tiếp tục theo đuổi vụ việc, họ kết luận “các khoản tín dụng cần phải quan trọng” và ủy ban nhận thấy rằng IRS cuối cùng “không quan tâm”.

Hồ sơ nội bộ chỉ ra rằng khi xác định vấn đề cần theo đuổi, các quan chức IRS đã thảo luận về “lịch sử đàm phán khó khăn giữa luật sư của ông Trump và nhân viên IRS”, lo ngại rằng việc mở các cuộc kiểm tra mới có thể làm hỏng “mối quan hệ tốt đẹp” mà họ đã xây dựng gần đây với đại diện của cựu tổng thống.

Steven M. Rosenthal, thành viên cấp cao tại Trung tâm Chính sách Thuế, cho biết những phát hiện của ủy ban “chỉ cho bạn thấy IRS đang ở tình huống khó khăn như thế nào”.

“Thật không may là họ không có đủ nguồn lực hoặc chuyên môn để theo kịp một người đóng thuế tinh vi như ông Trump”, ông nói.