Qua tìm hiểu các mô hình phát triển kinh tế trên các phương tiện thông tin đại chúng, ông Lê Văn A (ấp 2, xã Long An, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) nhận thấy cây mai vàng cho lợi nhuận cao lại phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở địa phương nên ông quyết định chuyển diện tích trồng lúa sang trồng mai.
Với phương châm "lấy ngắn nuôi dài", ông A kết hợp trồng mai với bầu, bí và cây bông trang.
Mô hình trồng mai vàng của ông Nguyễn Văn Tư (bên trái) tại ấp 2, xã Long An, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An.
Ông A cho rằng, nghề trồng hoa, cây cảnh nói chung không đòi hỏi phải có diện tích đất quá lớn nhưng hiệu quả kinh tế mang lại khá cao. Tuy nhiên, nghề này đòi hỏi phải có sự đam mê, khéo léo và khiếu thẩm mỹ, sáng tạo mới có thể thành công.
“Mai vàng là loại cây kiểng đặc trưng của vùng đất Nam bộ. Trồng và chăm sóc mai không phức tạp. Tuy nhiên, để có một gốc mai vừa ý, bán được giá, phải tốn thời gian và công sức chăm sóc” - ông A cho biết.
Nhờ được chăm sóc đúng kỹ thuật nên mai của gia đình ông phát triển tốt. Hiện tại, ông A trồng 600 gốc mai vàng và 600 cây bông trang.
Nhiều người chơi kiểng và thương lái tìm đến hỏi mua, thấy được giá nên ông bán dần vườn mai của mình. So với trồng lúa thì thu nhập từ trồng mai cao gấp 5-6 lần.
Khi đời sống người dân ngày càng được nâng lên, nông dân cũng thích chơi cây kiểng, nhất là cây mai vàng, biểu tượng của ngày Tết truyền thống miền Nam hầu như nhà nào cũng có.
Vì vậy, 3 năm trước, ông Nguyễn Văn Tư (ấp Thuận Nam, xã Thuận Thành) quyết định chuyển 5.700m2 đất trồng lúa sang trồng 1.500 cây mai vàng.
Ngoài những kỹ thuật thường áp dụng như tỉa cành tạo tán, tưới nước, phòng trừ sâu, bệnh còn cần chú ý yếu tố thời tiết, khí hậu, nhu cầu của người tiêu dùng,... để có chế độ chăm sóc hợp lý. Ông Tư dự kiến khoảng 2 năm nữa sẽ cung cấp sản phẩm ra thị trường.
Thực tế cho thấy, mô hình trồng mai mang lại thu nhập cao. Những năm gần đây, một số nông dân trên địa bàn huyện Cần Giuộc mạnh dạn đầu tư trồng mai.
Để giúp nông dân nắm bắt được kỹ thuật trồng, chăm sóc, tạo dáng cho cây, hàng năm, ngành Nông nghiệp huyện Cần Giuộc, (tỉnh Long An) mở các lớp dạy nghề trồng hoa kiểng, thành lập các câu lạc bộ sinh vật cảnh, tập hợp các nhà vườn, người chơi kiểng.
Tại câu lạc bộ, các thành viên cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật cũng như tạo điều kiện thuận lợi để hội viên tham gia giao lưu. Qua đó, mở rộng thị trường mua bán, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương.