Hàng trăm năm qua, dân vùng này ở Long An vẫn "giữ khư khư" nghề trồng loài cỏ dại thân rõ là dài

Thứ tư, ngày 13/04/2022 19:02 PM (GMT+7)
Dù trải qua bao thăng trầm nhưng đến nay, người dân ở xã Tân Bình, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An vẫn duy trì và phát triển nghề trồng lác (cây cỏ lác)...
Bình luận 0

Nghề trồng lác đã giải quyết việc làm trong lúc nông nhàn và mang lại nguồn thu nhập giúp người dân nông thôn cải thiện cuộc sống.

Ở xã Tân Bình,huyện Tân Trụ (tỉnh Long An) những vùng chân ruộng gần sông, rạch, đất dễ bị nhiễm phèn, thường xuyên bị nước mặn xâm nhập vào mùa khô. 

Lúa, hoa màu trồng trên vùng đất này cho năng suất thấp nhưng đây lại là nơi thích hợp để cây lác phát triển. 

Hàng trăm năm qua, dân vùng này ở Long An vẫn "giữ khư khư" nghề trồng loài cỏ dại thân rõ là dài - Ảnh 1.

Dù trải qua bao thăng trầm nhưng người dân xã Tân Bình (huyện Tân Trụ, tỉnh Long An) vẫn duy trì và phát triển nghề trồng cỏ lác.


Lác là loài cây hoang dại, phát triển tốt trong mọi điều kiện thời tiết. Sau mỗi lần thu hoạch, chỉ cần rải phân thì phần gốc lác tiếp tục phát triển cho vụ mới. Loại cỏ lác không chỉ dễ trồng mà còn đem lại nguồn thu nhập cho nông dân.

Tôi tìm đến cánh đồng lác của bà Lê Thị Lượm (SN 1960) tại ấp 3, xã Tân Bình khi đang mùa thu hoạch cỏ lác. 

Gia đình bà Lượm trồng lác được 70 năm. Hiện bà trồng khoảng 1.500m2 lác, 1 năm thu hoạch 2 - 3 vụ, mỗi vụ được hơn 1,5 tấn lác khô, bán với giá từ 9.000 - 11.000 đồng/kg, chủ yếu phục vụ nghề dệt chiếu ở địa phương.

Chỉ tay về những bó lác nằm cặp mé ruộng, bà Lượm nói: “Lác này, tôi cắt chiều hôm qua, khuya này bắt đầu ra giũ, chọn ra lác dài đúng chuẩn rồi bó lại. Loại nhất thì tôi bán, phần còn lại thì cho người dân trong xóm đem về dệt chiếu”. 

Có lẽ vì thế mà cái tình, cái nghĩa làng xóm cũng đong đầy hơn. Bà Lê Thị Chín (ấp 3, xã Tân Bình) đến gom lác loại 2 về phơi khô và dệt chiếu. Đôi chiếu 90cm, bà Chín bán với giá 30.000 đồng. 

Tuy giá trị không cao nhưng bà vẫn giữ nghề suốt mấy chục năm nay, đó cũng là niềm vui trong cuộc sống.

Những năm gần đây, diện tích trồng cỏ lác bị thu hẹp. Trước đây, xã Tân Bình có khoảng 41ha đất trồng lác nhưng đến nay chỉ còn 29ha. Nguyên nhân chính là do công lao động, chi phí phân bón tăng, lợi nhuận không nhiều nên nông dân thu hẹp diện tích. 

Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Bình - Nguyễn Tấn Đạt cho biết, để duy trì nghề trồng lác, chính quyền địa phương và các ngành chuyên môn có định hướng quy hoạch, hỗ trợ vốn, mở lớp dạy nghề giúp nông dân tăng năng suất; đồng thời, phối hợp các đơn vị hỗ trợ giá, bao tiêu sản phẩm nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân tiếp tục duy trì nghề truyền thống.

Hà Lan (Báo Long An)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem