Theo tin từ Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) ngày 25/12, cơ quan chức năng đã tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Văn Lâm (sinh năm 1975, trú tại TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) do hành vi chống người thi hành công vụ tại chốt kiểm tra nồng độ cồn.
Người này hiện là Phó giám đốc một trung tâm giáo dục thường xuyên ở Vĩnh Phúc.
Trước đó, khoảng 13 giờ ngày 24/12, Tổ tuần tra kiểm soát thuộc Đội Cảnh sát giao thông - Trật tự (Công an TP Vĩnh Yên) làm nhiệm vụ trên đường Tô Hiến Thành (phường Đồng Tâm, TP Vĩnh Yên) thì phát hiện người điều khiển xe ô tô có dấu hiệu vi phạm.
Tổ tuần tra ra tín hiệu dừng xe để kiểm tra nồng cồn, nhưng tài xế bất ngờ quay đầu bỏ chạy và đâm vào một chiến sĩ CSGT. Để tránh ô tô, chiến sĩ này nhảy lên nắp capo nhưng tài xế vẫn điều khiển xe bỏ chạy.
Tổ công tác truy đuổi đến khu vực đầu đường Tô Hiến Thành - Hùng Vương mới chặn được chiếc ô tô dừng lại.
Kết quả kiểm tra nồng độ cồn cho thấy, lái xe Nguyễn Văn Lâm vi phạm với mức 0,056 mg/l khí thở. Ô tô do Lâm điều khiển đã hết hạn kiểm định từ ngày 22/12.
Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Hà Thị Khuyên (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, lực lượng CSGT hoàn toàn có đủ cơ sở để dừng những xe có biểu hiện vi phạm để kiểm tra, người điều khiển phương tiện phải chấp hành hiệu lệnh dừng xe và tuân thủ các quyết định xử phạt vi phạm hành chính nếu vi phạm.
Trường hợp này có thể lái xe đã nhận thức được bản thân đã có những lỗi vi phạm rất rõ ràng (sử dụng rượu bia, xe hết hạn kiểm định) nên cố ý không tuân thủ hiệu lệnh dừng xe.
Đặc biệt, người này còn cố tình bỏ chạy và còn hất cả chiến sĩ CSGT lên nắp capo xe ô tô. Hành vi này có thể gây thương tích hoặc nguy hiểm đến tính mạng cho chiến sĩ đang làm nhiệm vụ.
Bởi vậy, cơ quan chức năng ra quyết định tạm giữ hình sự về hành vi chống người thi hành công vụ của người này là có căn cứ, đúng quy định pháp luật.
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Văn Đồng (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, bước đầu cơ quan chức năng tạm giữ và tiến hành điều tra lái xe về hành vi chống người thi hành công vụ là phù hợp.
Do hành vi chống người thi hành công vụ đã khá rõ ràng nên người này có thể sẽ bị khởi tố theo quy định tại Điều 330 Bộ luật hình sự năm 2015 về tội Chống người thi hành công vụ.
Theo luật sư Đồng, pháp luật quy định người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp như có tổ chức, xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội, gây thiệt hại về tài sản 50 triệu đồng trở lên… sẽ bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.
Nếu hành vi chống người thi hành công vụ chưa đến mức độ truy cứu trách nhiệm hình sự, người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 21 Nghị định 144/2021/NĐ-CP với mức phạt từ 1 đến 8 triệu đồng.
Từ phân tích trên, luật sư Khuyên và luật sư Đồng cho biết, trường hợp tài xế trong vụ việc bị xử lý hình sự về tội chống người thi hành công vụ, tùy tính chất mức độ mà có thể đối mặt với các khung hình phạt nêu trên.
Trường hợp không bị xử lý hình sự, tài xế này sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt cao nhất là 8 triệu đồng. Ngoài ra sẽ bị xử phạt thêm về hành vi sử dụng rượu bia khi lái xe và lỗi hết hạn đăng kiểm.