Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn dẫn nguồn từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong tháng 10/2022, sầu riêng là một trong những mặt hàng rau quả có giá trị xuất khẩu cao nhất sang Trung Quốc.
Trong đó, giá trị xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc trong tháng 10/2022 đạt 49,9 triệu USD, cao gấp 42,2 lần so với cùng kỳ năm 2021; thanh long đạt 33,0 triệu USD, giảm 25,9%; mít đạt 14,4 triệu USD, giảm 6,5%; chuối đạt 10,5 triệu USD, tăng 77,4%;…
Như vậy, trong tháng 10, sầu riêng đã vượt qua thanh long để trở thành loại trái cây có giá trị xuất khẩu lớn nhất sang Trung Quốc.
Cũng theo Tổng cục Hải quan, nhờ tăng trưởng rất mạnh kể từ sau khi có Nghị định thư về kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng từ Việt Nam xuất sang Trung Quốc, sầu riêng đã vượt qua xoài, chuối để trở thành mặt hàng trái cây xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam sau thanh long.
Trong tháng 10, xuất khẩu sầu riêng đi tất cả các thị trường đạt 79 triệu USD, tăng 293,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Sầu riêng hiện chiếm 17,3% tổng giá trị xuất khẩu nhóm hàng trái cây, tăng rất mạnh so với mức 7,6% trong 10 tháng năm 2021.
Cục Bảo vệ thực vật cũng cam kết đơn giản hóa và hỗ trợ tối đa về thủ tục hành chính về kiểm dịch thực vật cho doanh nghiệp, HTX xuất khẩu; đồng thời kiểm soát, giám sát chặt chẽ khả năng đáp ứng yêu cầu kiểm dịch của vùng trồng, cơ sở đóng gói, cũng như chất lượng sầu riêng trước khi thông quan.
Là một trong những doanh nghiệp được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc, bà Ngô Tường Vy, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu cho biết, việc sầu riêng được xuất khẩu vào Trung Quốc là sự kiện mà doanh nghiệp chờ đợi từ rất lâu, để muốn khẳng định rằng: Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính nữa. Họ cũng đang nâng cao các tiêu chuẩn nhập khẩu các loại nông sản, trái cây, trong đó có các mặt hàng đến từ Việt Nam.
"Năm 2023 sẽ là giai đoạn tăng tốc cho 2 sản phẩm là sầu riêng và bưởi tại thị trường Trung Quốc, Mỹ. Chúng tôi cũng vẫn tiếp tục bám sát các cơ quan quản lý, đặc biệt là Cục Bảo vệ thực vật để cập nhật thông tin liên quan đến các sản phẩm xuất khẩu cũng như các thông tin về hàng rào kỹ thuật, các thị trường mới" – bà Vy nói.
Theo thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT), Tổng cục Hải quan Trung Quốc vừa chấp thuận thêm 32 mã số vùng trồng và 5 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam đủ đáp ứng yêu cầu của Nghị định thư, và được phép xuất khẩu sầu riêng dạng quả tươi sang nước bạn.
Được biết, 37 mã này nằm trong nhóm 49 mã số vùng trồng và 11 mã số cơ sở đóng gói được Trung Quốc yêu cầu cung cấp thêm tài liệu xác minh trong đợt đánh giá toàn diện bằng cả hình thức trực tiếp lẫn trực tuyến, kéo dài gần hai tháng và kết thúc hồi đầu tháng 9/2022.Khi đó, Việt Nam đề xuất 126 mã số vùng trồng, 44 mã số cơ sở đóng gói và được phê duyệt 51 mã số vùng trồng, 25 cơ sở đóng gói.
Rút kinh nghiệm từ đợt kiểm tra trước, người dân, HTX và doanh nghiệp đã khắc phục được một số lỗi như: đặt bẫy bả sinh học; lưu giữ hồ sơ ghi chép, kiểm tra; có biện pháp ngăn chặn các sinh vật gây hại tái nhiễm và phòng tránh bụi bẩn dính trên bề mặt quả; có dụng cụ che chắn khi vận chuyển nguyên vật liệu từ khu vực vườn trồng đến cơ sở đóng gói…
Tính cả hai đợt, Việt Nam được Trung Quốc cấp tổng cộng 113 mã. Con số này được Cục Bảo vệ thực vật dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, bởi hiện có khoảng 300 mã đang trong quá trình kiểm tra trực tuyến để hoàn thiện nốt thủ tục chờ Trung Quốc cấp phép.
Việc có thêm 37 mã số, trong bối cảnh Trung Quốc đang chịu ảnh hưởng bởi Covid-19, thể hiện sự hợp tác, chia sẻ giữa hai bên. Cục Bảo vệ thực vật cho biết, thời gian qua nhân viên của Tổng cục Hải quan Trung Quốc hầu hết làm việc tại nhà. Tuy nhiên, phía bạn vẫn phối hợp chặt chẽ và tạo mọi điều kiện để không làm gián đoạn giao thương hai nước, trong đó có cam kết xem xét, đánh giá những mã số cần rà soát và cung cấp thêm tài liệu.
Được cấp thêm mã, sầu riêng Việt Nam chắc chắn sẽ rộng đường hơn khi xuất sang Trung Quốc. Đại diện Cục Bảo vệ thực vật lưu ý doanh nghiệp, HTX và người dân về việc đảm bảo tinh thần hợp tác, hài hòa lợi ích giữa các bên trong việc quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, giúp nông sản Việt nói chung giữ được đà tăng trưởng xuất khẩu.
Cục Bảo vệ thực vật khuyến cáo người dân và địa phương tập trung duy trì mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, nâng cao hơn nữa chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm cho sản phẩm.
Thay vì tìm cách tăng diện tích, sản lượng, ngành hàng sầu riêng nên xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị gia tăng, chuẩn hóa quy trình sản xuất từ lúc canh tác, thu hoạch đến chế biến, vận chuyển, phân phối.
Trước hiện tượng người dân ở nhiều địa phương ồ ạt mở rộng diện tích trồng sầu riêng, đại diện Cục Bảo vệ thực vật khuyến cáo, bà con nên hết sức thận trọng bởi thời gian qua, việc xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc tăng là do các thị trường cạnh tranh với Việt Nam như Thái Lan, Malaysia chưa vào chính vụ; trong khi đó, chu kỳ phát triển của cây sầu riêng phải mất tới 4 - 5 năm nên rất khó dự báo về thị trường trong dài hạn.
"Thay vì ồ ạt trồng sầu riêng cả ở những nơi chưa được đánh giá về mức độ phù hợp, bà con nên tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường", đại diện Cục Bảo vệ thực vật khuyến cáo.