Về một thời gian khó, lão nông Nguyễn Thanh Hậu cho biết thêm: "Lúc tôi mới về đây, mùa mưa vợ tôi để cái thau nhôm quý nhất nhà ra hứng lấy nước uống. Lát sau, cái thau bị gió thổi bay mất. Cả nhà chia nhau tìm gần nửa ngày mà không gặp.
Xưa kia, vùng đất này rất hiếm nước ngọt, người dân sống vô cùng khó khăn, khắc khổ. Nhiều hộ không kham nổi nên đã bỏ nhà đi xứ khác làm ăn. Có thời điểm, cả vùng này chỉ có khoảng 10 hộ dân".
Lão nông Phan Văn Nam chen vào: "Có thời điểm, gà gáy thì cứ gáy, chó chạy cứ chạy, chứ ít ai nghe, ít ai để ý, bởi sự xa vắng, cách trở".
"Cánh đồng chó ngáp" thật sự chuyển mình vào những năm cuối thế kỷ trước, khi Nhà nước đầu tư nạo vét các con kênh, con rạch, tháo chua, rửa mặn. Nông dân thuận lợi trong sản xuất vì chủ động việc tưới tiêu, dẫn nước vào đồng ruộng để nuôi thủy sản như tôm, cua và trồng lúa.
Lão nông Nguyễn Hoàng Lựu, ở ấp Thị Mỹ, xã Vĩnh Phong mộc mạc cho biết: "Từ khi các con kênh Dân Quân, kênh xáng Phó Sinh-Cạnh Ðền, kênh Bạch Ngưu, thuộc khu vực giáp ranh ba tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau được khơi thông, đời sống người dân vùng này nâng lên thấy rõ. Những vuông tôm, cánh đồng lúa bạt ngàn cho năng suất rất cao. Vào mùa thu hoạch vui như Tết vì tôm phải tính bằng tấn, tiền tính hàng trăm triệu".
Bên cạnh chủ trương đầu tư của Nhà nước thì nghị lực và sự cần cù, ham học hỏi, cầu tiến của những người nông dân chân lấm, tay bùn đã vun đắp làm nên thành quả, góp phần làm thay đổi cuộc sống của họ.
Về trường hợp gia đình mình, ông Nguyễn Hoàng Lựu kể: "Năm 1991, tôi đưa vợ con về ấp Thị Mỹ lập nghiệp và được chính quyền cấp 20 công đất canh tác. Sáu năm liên tiếp cật lực lao động, năm nào tôi cũng trúng đậm tôm, cua. Có tiền, tôi mua đất. Ðến năm 1997, trong tay tôi đã có 200 công đất. Cũng trong năm 1997, tôi trúng hơn 500 triệu đồng từ vụ tôm, cua, nên quyết định cất căn nhà trị giá 100 cây vàng"…
Ðang trò chuyện, ông Lựu hứng khởi đứng bật dậy, chỉ tay về ngôi nhà hai tầng khang trang, bên cạnh vuông tôm rộng lớn, nói: "Nơi đây là một trong những ấp ở vùng nông thôn giàu có tiếng khu vực miền Tây Nam Bộ. Chỉ cần trúng vài vụ tôm là có thể xây được ngôi nhà thế này".
Trong số những tỷ phú ở "Cánh đồng chó ngáp", ông Phan Văn Nam được xem là "tỷ phú của tỷ phú" với những suy nghĩ và bước đi táo bạo nhất vùng. Những năm 1990, ông là người tiên phong trong việc xây chuồng nuôi cá sấu - cái nghề tương đối khó khăn, đòi hỏi người nuôi có tư duy, ý chí và quan trọng hơn là kinh phí đầu tư ban đầu khá lớn.
Ấy vậy mà đều đặn con cá sấu đã mang lại cho ông Nam lợi nhuận lớn, hơn 300 triệu đồng/năm. Cùng với cánh đồng hơn 200 công đất nuôi tôm, cua kết hợp, ông có thu nhập hơn một tỷ đồng/năm. "Ý chí và tính toán hợp lý quyết định sự thành công", ông Nam chia sẻ.
Chạy dọc hai bờ sông kênh Phó Sinh-Cạnh Ðền và kênh Bạch Ngưu qua địa bàn ấp Thị Mỹ có đến hàng trăm căn biệt thự mi-ni mới toanh đã mọc lên.
Chủ nhân của những căn biệt thự là các lão nông có nét mặt đầy khắc khổ vì một thời vật lộn với đồng đất khắc nghiệt. Nếu trước đây, khu vực giáp ranh ba tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau phần lớn là những hộ nghèo, số nóc nhà rất thưa thớt, thì nay nơi đây đã trở thành khu vực sầm uất, phát triển mạnh hơn rất nhiều vùng nông thôn khác.
Trò chuyện với chúng tôi, Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Thị Mỹ Ðặng Văn Dư cho biết, chỉ tính ấp Thị Mỹ, người dân hội tụ về đây sinh sống đã gần 300 hộ, với 1.157 khẩu. Số hộ điều kiện kinh tế khá cho đến giàu chiếm đến hơn 60%. "Toàn ấp Thị Mỹ có khoảng 30 hộ giàu dữ lắm.
Thu nhập của các hộ này từ vài trăm triệu tới cả tỷ đồng/năm. Còn lại bình quân có mức thu nhập từ 400 đến 600 triệu đồng/năm. Rất nhiều nông dân đạt danh hiệu sản xuất giỏi cấp tỉnh, cấp huyện, có cả nông dân sản xuất giỏi cấp trung ương qua các mô hình nuôi tôm, cua, ba ba, cá sấu, rắn…
Có thể kể những tên đã thành danh tỷ phú như: Phan Văn Nam, Nguyễn Hoàng Lựu, Nguyễn Văn Gìn, Hồ Văn Sang...", ông Dư cho biết.
Còn ở ấp Nhà Lầu, xã Ninh Thạnh Lợi A, huyện Hồng Dân giờ có rất nhiều câu chuyện làm giàu, cất nhà lầu được người dân nhắc tới như niềm tự hào của người dân ấp Nhà Lầu. Nơi đây có các tỷ phú nhà nông nổi tiếng nhờ lúa-tôm, cua như Nguyễn Thành Lập, Trần Văn Hoàng, Lê Văn Hai…
Trong số này, anh Lập được nhắc tới như hình mẫu. Năm 1997, anh khởi nghiệp với 5 công đất trồng khóm do cha mẹ vợ cho. Anh thuê máy móc vuông, san lấp, xử lý phèn trên phần đất ít ỏi của mình chuyển qua nuôi tôm sú.
Chỉ vậy mà hơn 10 năm sau, vợ chồng đã cất được căn biệt thự cả tỷ đồng và mua thêm hơn 14ha đất, tổng thu nhập hằng năm khoảng một tỷ đồng. Không chỉ có anh Lập, hầu hết người dân trong ấp Nhà Lầu là những người có kinh nghiệm tăng gia sản xuất nên đã vươn lên khá giàu.
Ðúng như tên gọi ấp Nhà Lầu, về nơi đây nhiều người dễ dàng nhận thấy hai bên đường toàn nhà tường mái ngói kiên cố, có những căn nhà lầu đứng sừng sững bên cánh đồng rộng mênh mông nước.
Nói về sự đổi thay của quê hương mình, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Phong Cô Văn Niệt tự hào: "Thị Mỹ là 1/11 ấp của xã Vĩnh Phong có người dân rất giàu. Biệt danh "Cánh đồng chó ngáp" chỉ là những hoài niệm về vùng đất hoang vu, một thời gian khó thuở xa xưa của vùng, trong đó có ấp Thị Mỹ. Trước kia đất đai ở vùng này cho không ai dám nhận do khai phá không nổi, nay thì giá trị đất hơn 100 triệu đồng/công. Hiện, nông dân ở đây dần học hỏi tiến bộ khoa học và chuyển sang nuôi tôm công nghiệp cho năng suất rất cao, bên cạnh nuôi quảng canh".
"Ðất lành chim đậu", biệt danh "Cánh đồng chó ngáp" giờ đây đã đi vào dĩ vãng, hàng loạt mỹ danh mới đã xuất hiện để thay thế. Trong đó có nhiều mỹ danh đã trở thành tên ấp, điển hình như ấp Nhà Lầu. Vùng đất vắng vẻ xưa kia giờ đây là nơi quy tụ của rất nhiều người, tạo nên một diện mạo nông thôn hoàn toàn mới. Ngẫm lại, nơi giáp ranh, giao thoa giữa các địa phương vẫn có thế mạnh riêng!