Trồng loại cây đang hot này, kể cả có bán trái giá bình dân thì ông nông dân Lâm Đồng vẫn nắm tiền tỷ

Thứ ba, ngày 27/12/2022 12:56 PM (GMT+7)
Sau khi trừ mọi chi phí, anh Đỏ (xã Tân Thượng, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) thu được 1,5 tỷ đồng. Tương lai, anh Đỏ sẽ ngày càng tăng thu nhập bởi 1.000 cây sầu riêng con, nhiều cây đã ở năm thứ 2, thứ 3, sắp cho trái bói. Chỉ tính mức giá sầu riêng vừa phải 30 ngàn đồng/kg, thu nhập của anh cũng là bạc tỷ...
Bình luận 0

Một bên là lòng hồ Thủy điện Đồng Nai 2 xanh biếc màu trời, một bên là dốc núi chênh vênh xanh ngắt màu xanh của cây lá. Bà con vẫn gọi nơi đây là xóm lòng hồ, Thôn 2, xã Tân Thượng, huyện Di Linh (tỉnh Lâm Đồng). 

Và đây cũng là nơi một người nông dân gốc Huế vượt qua vất vả, tạo lập một gia tài bạc tỷ từ cây sầu riêng, cây cà phê đất núi.

Trồng loại cây đang hot này, kể cả có bán trái giá bình dân thì ông nông dân Lâm Đồng vẫn nắm tiền tỷ - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Viết Đỏ bên vườn trồng sầu riêng xen cà phê tại xã Tân Thượng, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng.

Anh Nguyễn Viết Đỏ vốn người xứ Huế, mảnh đất chịu nắng nhiều, mưa lớn. Vậy nên năm 1996, anh vào Tân Thượng, Di Linh tìm đất làm ăn và cùng một vài người cùng quê thử sức nơi mảnh đất xa xôi này. 

Anh Đỏ cười, nhớ lại những ngày xưa đầy gian khó: “Hồi ấy, nơi này làm gì có khu dân cư, chỉ có bà con người bản địa ở đây trồng lúa rẫy, vài vụ là bà con lại đi chỗ khác làm ăn. Đường đi xa tít, lại không có đường cho ô tô, xe máy vào tận nơi, nhiều người không chịu nổi đã đi tìm nơi dễ làm ăn hơn. 

Chỉ còn mấy hộ người Huế, người Nghệ còn trụ lại. Thế nên bà con hay gọi đây là xóm lòng hồ, có khi cũng gọi là xóm Huế. Giờ trù phú, xanh đẹp thế chứ hồi đó khổ không thể nói hết”.

Đất Di Linh chuyên canh cà phê, cũng như bà con, anh Đỏ chọn cà phê làm cây trồng chính trên mảnh đất khá dốc của mình. Giá cà phê nhân lúc lên, lúc xuống, năm 2007, sau khi tìm hiểu, anh Đỏ xuống giống những cây sầu riêng đầu tiên. 

Anh bảo, lúc ấy cả vùng Tân Thượng chưa ai trồng sầu riêng, anh mày mò tìm được mấy trăm gốc Monthon, Ri6 trồng xen với đám cà phê đang độ xanh tốt. Khi ấy, nhiều bà con còn nghi ngại, không biết cây sầu riêng có sống sót, ra hoa, kết trái trên vùng đất đồi này không. 

Anh Đỏ vẫn cặm cụi chăm sóc, vừa mày mò, vừa học hỏi kỹ thuật các nhà vườn trong huyện, vừa tới các lớp tập huấn trồng sầu riêng do xã tổ chức. Đến năm 2011, khi có được thu nhập từ bán sầu riêng, anh mới thực sự tin tưởng cây sầu riêng đã bén rễ thành công trên vùng đất này.

Hiện tại, anh Nguyễn Viết Đỏ rất tự hào chia sẻ, anh là một tỷ phú trên mảnh đất lòng hồ. Với 10 ha đất, anh trồng xen sầu riêng và cà phê. Trong đó, 200 cây sầu riêng 15 năm tuổi, mỗi năm mang lại cho anh hàng tỷ đồng. Niên vụ 2022 vừa xong, anh thu được 40 tấn sầu riêng. 

Tính giá sầu riêng trung bình tại vườn là 35 ngàn đồng/kg, anh thu xấp xỉ 1,5 tỷ đồng. Còn vườn cà phê cho thu 80 tấn trái tươi, anh bán cho nhà thu mua với giá 8.000 đồng/kg. Sau khi trừ mọi chi phí, anh nhẩm tính cũng thu lại được 1,5 tỷ đồng. 

Tương lai, anh Đỏ sẽ ngày càng tăng thu nhập bởi anh đang trồng 1 ngàn cây sầu riêng con, nhiều cây đã ở năm thứ 2, thứ 3, cũng sắp đến tuổi cho trái bói. Chỉ tính mức giá vừa phải 30 ngàn đồng/ kg sầu riêng, thu nhập của anh Nguyễn Viết Đỏ cũng ở mức bạc tỷ.

Nhận xét về hai loại cây trồng chính trong vườn, anh Nguyễn Viết Đỏ đánh giá cây sầu riêng cho hiệu quả kinh tế cao hơn cây cà phê. Sầu riêng đầu tư hết khoảng 30%, lợi nhuận 70% so với cà phê lợi nhuận 50%. 

Trồng cà phê lại vất vả vì thiếu công lao động khi vào mùa. Nên anh sẽ tiếp tục chăm sóc đám sầu riêng con và khi cây lớn, sẽ chặt bớt cà phê để đảm bảo không gian sống cho sầu riêng. Tuy nhiên, khi được hỏi anh có ý định bỏ hết cà phê, chuyên canh sầu riêng hay không thì anh Đỏ cho biết là anh sẽ giữ vườn xen. 

Anh Đỏ cho biết: “Trồng sầu riêng thuần, khi bón phân dư đạm sẽ khiến trái bị nứt. Trồng xen, cà phê hút bớt phân bón, dinh dưỡng nên sầu riêng không bị bệnh nứt trái. Thêm nữa, trồng cà phê nên vườn rất mát, rễ sầu riêng cũng được bảo vệ. Đất của gia đình lại dốc nên cần trồng xen để tạo môi trường đất ổn định”.

Anh K’Đức, khuyến nông viên xã Tân Thượng (huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) nhận xét, vườn sầu riêng của gia đình anh Nguyễn Viết Đỏ là một trong những vườn có diện tích rộng, trồng xen hiệu quả nhất trong địa bàn xã. 

Anh Đỏ cũng là hộ nông dân nhiệt tình với bà con, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, tiền bạc, hỗ trợ bà con vượt qua khó khăn. Từ vườn sầu riêng của anh, nhiều nông hộ trong xã mạnh dạn học hỏi, trồng sầu riêng trên đất đồi, mang lại hiệu quả kinh tế từ một cây trồng mới cho vùng đất xa Tân Thượng.

Diệp Quỳnh (Báo Lâm Đồng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem