Clip về ngôi đình cổ Đình Giàn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Thực hiện: Nguyễn Tùng.
Làng Giàn thuộc thôn Cáo Đỉnh (phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), một trong những ngôi làng cổ xưa có thế đất đẹp, cao ráo và bằng phẳng.
Phát triển trên mảnh đất phù sa màu mỡ của sông Hồng, làng đã tích lũy cho mình nhiều di sản lịch sử - văn hóa qua hàng ngàn năm. Giá trị nhất phải kể đến di tích lịch sử đình Giàn được xây dựng từ năm 1018, đến nay đã có niên đại hơn 1000 tuổi.
Đình làng Giàn thờ tướng quân Lý Phục Man sinh vào đầu thế kỷ thứ VI tại xóm Lã Xá, giáp Cảo Tây (huyện Hoài Đức, Hà Nội ngày nay). Ngài có công rất lớn trong cuộc khởi nghĩa năm 541 của Lý Bí, giúp nhân dân ta chấm dứt 500 năm đô hộ của phong kiến phương Bắc. Sau khi Lý Phục Man hy sinh anh dũng năm 548, dân làng Giàn đã tôn ngài làm Thành Hoàng làng để đời đời hương khói, bày tỏ lòng thành kính với vị anh hùng dân tộc.
Trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa, quần thể di tích đình Giàn vẫn giữ nguyên dáng dấp kiến trúc nghệ thuật thời Nguyễn, với tổng diện tích còn gần 4000 m2.
Nhìn từ phía trên, đình có bố cục hình chữ "Công" với cổng tam quan xây kiểu nghi môn, là kiến trúc truyền thống dễ dàng bắt gặp tại những ngôi đình cổ Việt Nam.
Đi qua khoảng sân rợp bóng cây cổ thụ, chúng tôi bắt gặp hình ảnh của một phương đình 2 tầng 8 mái mới được xây dựng. Tấm bia ở giữa được đặt trên tượng rùa đá, ghi chép những kiến thức quý giá về làng và đình Giàn để con cháu đời đời khắc ghi.
Đại đình bên trong gồm 5 gian 2 dĩ và được trang bị hết thống cửa bức bàn truyền thống. Ngoài ra còn có phần trung cung, hậu cung rộng 3 gian cùng hai dãy nhà tả hữu ở hai bên đại đình.
Điểm đặc biệt của đình Giàn còn nằm ở những nét trang trí mang đậm phong cách nghệ thuật của thế kỷ 19. Dạo quanh đình cổ, dễ dàng bắt gặp hình ảnh của rồng, mây, hoa lá, tứ linh,... đậm nét truyền thống.
Năm 1990, đình Giàn đã được bộ văn hoá truyền thông cấp bằng xếp hạng "Di tích lịch sử văn hoá". Trong đình hiện nay còn lưu giữ được nhiều cổ vật có giá trị như 29 đạo sắc phong Thần Hoàng, hai câu đối, bức hoành phi…
Cây đa, sân đình, giếng nước là vốn những hình ảnh không thể thiếu tại các làng cổ Bắc Bộ. Thật vậy, cách đình Giàn khoảng vài trăm mét cũng có một chiếc giếng thiêng được đào vào khoảng những năm 1016 - 1018, cùng thời điểm khởi dựng đình.
"Trước đây, giếng làng Giàn vốn được xây dựng bằng những khối đá lớn chồng khít lên nhau, nay đã được cải tạo và trát xi măng để đảm bảo độ kiên cố. Trên miệng giếng hiện còn lưu lại nhiều rãnh sâu do hoạt động kéo nước đã làm dây thừng khía vào trong hàng trăm năm qua", bà Nguyễn Thị Hoa, ở gần đình chia sẻ.
Xung quanh giếng là một khuôn viên nhỏ được thiết kế hoàn toàn bằng đá. Những cột trụ, tường bao quanh đều được chạm khắc bằng những hoa văn độc đáo, mang đậm bản sắc văn hoá Việt Nam như rặng mây, hoa sen, lá đề…
Bà Nguyễn Công Phương ở thôn Cáo Đỉnh (49 tuổi) cho biết, chiếc giếng cổ này chính là nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho cả làng suốt hàng trăm năm. Theo lời các cụ kể lại, nước giếng làng Giàn nổi tiếng trong vắt và rất ngọt, du khách mỗi khi ghé qua làng đã nếm thử đều sẽ nhớ mãi không quên, "tiếng thơm" giếng làng cũng vì thế được lưu truyền rộng rãi.
Từ sau năm 1990, người dân dần chuyển sang các hình thức cung cấp nước hiện đại như giếng khoan, nước máy nên giếng ngày càng được sử dụng ít đi. Tuy nhiên, giếng Giàn không vì thế mà đánh mất tầm quan trọng của mình.
Hằng năm, cứ vào mùng 9 đến 11 tháng 2 âm lịch, hội làng Xuân Đỉnh sẽ được tổ chức và hoạt động mở đầu chính là lễ rước nước từ giếng cổ về đình để tiến cúng Thần Hoàng làng.
Theo đó, sau khi thực hiện nghi lễ xin nước, hai thanh niên làng sẽ được lựa chọn để gánh nước bằng tay đòn sơn son. Sau đó, nước giếng sẽ được "rước" đi xung quanh làng, hễ nhà ai may mắn được đón tiếp họ thì đồng nghĩa được thần linh phù hộ, cả năm phát tài phát lộc.
Trải qua biết bao thế hệ, chiếc giếng đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của người dân làng Giàn. Vì vậy, dù đã sớm cạn nước từ lâu, chiếc giếng vẫn được bảo tồn cẩn thận, ngày ngày được thờ phụng hương khói.