Chuyện chưa kể về ngôi đình cổ 1000 năm tuổi gắn liền với hàng loạt sự kiện vẻ vang của dân tộc
Chuyện chưa kể về ngôi đình cổ 1000 năm tuổi gắn liền với hàng loạt sự kiện vẻ vang của dân tộc
Phương Linh- Nguyễn Tùng
Chủ nhật, ngày 13/11/2022 13:43 PM (GMT+7)
Không chỉ nổi danh là một làng nghề dệt lụa tơ tằm lâu đời, làng Vạn Phúc (Hà Nội) còn có nhiều dấu ấn lịch sử vô cùng đáng quý. Điều đó được thể hiện ở ngôi đình cổ hơn 1000 năm tuổi nằm ngay giữa làng.
Video đình làng Vạn Phúc. Thực hiện: Phương Linh- Nguyễn Tùng.
Ngôi đình cổ giữa trung tâm Hà Nội
Có thể nói đình Vạn Phúc là một trong những ngôi đình cổ nhất Hà Nội khi xuất hiện từ năm 868, đến nay đã hơn 1000 tuổi. Từ khi làng Vạn Phúc mới được thành lập, ngôi đình cổ này đã được xây dựng và chứng kiến biết bao sự thăng trầm của người ngôi làng.
Theo thần tích từ thời Lê do Nguyễn Bính biên soạn năm 1572, đình Vạn Phúc thờ Thành hoàng làng Ả Lã Đê Nương, sinh ngày 10/8 năm Ất Tỵ tại Tuyên Quang. Bà không chỉ có công truyền dạy nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa mà còn hỗ trợ người dân khai phá ruộng đất, mở mang nghề nông, đem lại sự ấm no, trù phú cho làng.
Suốt những năm tháng sinh sống tại làng, bà luôn được biết đến là một người đức độ, vì nước vì dân và cũng thường xuyên quan tâm việc khuyến học, khuyến nông "Nam chăm lo việc nông - Nữ tầm tang canh cửi".
Năm 1877, đời vua Tự Đức, đình được xây dựng lại theo kiến trúc triều Nguyễn. Năm 2012 được chính quyền tu tạo, sửa chữa nhưng vẫn giữ nguyên được nét đẹp cổ kính đến hiện tại.
Cổng đình được xây dựng theo kiểu nghi môn tứ trụ, quanh thân đắp câu đối chữ Hán và nhìn về hướng Tây - Nam. Hai bên cửa phụ được trang trí bốn bức phù điêu khắc hình hộ pháp và voi đen vô cùng uy nghiêm.
Bước qua cổng đình, toà tiền tế bề thế với kiến trúc 2 tầng 8 mái lợp ngói ri cùng hai dãy tả hữu nằm dài ở hai bên. Gian đại bái để hở ba mặt và được nối với hậu cung theo hình chữ Công. Phần chính điện và cung cấm được cải tạo khang trang, lộng lẫy nhưng không mất đi vẻ linh thiêng vốn có của chốn đình làng cổ.
Hằng năm, cứ vào 11 tháng Giêng, người dân Vạn Phúc lại tổ chức đại lễ tại đình làng với những nghi thức long trọng như rước kiệu, tế lễ. Ngoài ra, còn có hai ngày lễ quan trọng vào mùng 10/8, ngày sinh thần của Ả Lã Đê Nương và 25 tháng chạp, ngày hoá của bà.
Không chỉ là nơi thờ tự thiêng liêng, đình Vạn Phúc còn lưu giữ những ký ức kháng chiến đáng nhớ xuyên suốt các triều đại lịch sử.
Đình làng và truyền thống kháng chiến
Thời kỳ trung đại, vào các đời nhà Lý, Trần, Lê, mỗi khi nước ta có hoạ ngoại xâm, vua thường sai sứ thần đến làng Vạn Phúc cầu xin thần phù hộ và đều được linh ứng. Vì vậy, từ đời vua Trần Nhân Tông đến đời vua Khải Định triều Nguyễn, Ả Lã Đê Nương được tặng nhiều mỹ tự và 11 sắc phong hiện còn lưu giữ ở đình Vạn Phúc.
Đặc biệt, trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, mái đình này đã chứng kiến biết bao phút giây lịch sử hào hùng của dân tộc ta, từ những cuộc khởi nghĩa nhỏ đến phong trào giành chính quyền Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Quay ngược thời gian vào tháng 2/1937, tại đình làng Vạn Phúc hàng trăm người dân Vạn Phúc đã hô vang khẩu hiệu chống sưu cao thuế nặng, đòi quyền dân sinh, dân chủ, chống cướp ruộng công.
Không chỉ vậy, cũng chính tại nơi này, 17/8/1945, khi ánh mặt trời vừa ló rạng, một sự kiện mít tinh lớn chưa từng có trong lịch sử Việt Nam đã diễn ra. Đình Vạn Phúc và đường làng rợp bóng lá cờ đỏ sao vàng, giấy tờ của thực dân phong kiến bị tiêu huỷ bằng một mồi lửa, chính thức đánh dấu sự độc lập trên toàn tỉnh Hà Đông (nay là quận Hà Đông).
Với những đóng góp to lớn ấy, làng Vạn Phúc được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và cả ba huân chương lao động Hạng nhất, hạng Nhì, hạng Ba. Riêng đình Vạn Phúc được xếp hạng di tích văn hoá cấp tỉnh, thành phố.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.