Tại buổi họp báo về tình hình triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025, lãnh đạo Bộ GTVT đã giải đáp nhiều vấn đề liên quan tới 12 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2021 – 2025 (giai đoạn 2) sắp khởi công.
Giải đáp về việc lựa chọn các nhà thầu khởi công 12 dự án cao tốc Bắc - Nam, ông Lê Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho biết: "Tiêu chí lựa chọn nhà thầu đúng theo quy định pháp luật, đúng trình tự".
"Bộ GTVT còn chỉ đạo chủ đầu tư, Ban QLDA đăng thầu về dự án trên Báo Đấu thầu, Cổng TTĐT Bộ GTVT, trang điện tử của các Ban QLDA để các nhà thầu nắm bắt thông tin, lựa chọn đối tác đủ khả năng thực hiện dự án. Ban QLDA sẽ dựa vào các tiêu chí đánh giá và lựa chọn nhà thầu có năng lực", ông Tiến khẳng định.
Tiêu chí lựa chọn nhà thầu, các tiêu chí được xây dựng trên cơ sở tuân thủ pháp luật về đấu thầu. Bộ Kế hoạch - Đấu tư (KH-ĐT) đã có Thông tư 08 để các Ban QLDA dựa vào đánh giá. Nghị định 15 của Chính phủ cũng quy định về năng lực nhà thầu.
Ông Tiến cho hay: "Để đảm bảo công khai minh bạch công tác lựa chọn nhà thầu đáp ứng yêu cầu của dự án, Bộ GTVT nhiều lần tại các cuộc họp, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đăng tải thông tin nhà thầu công khai rộng rãi để đảm bảo tuân thủ pháp luật và Bộ GTVT cũng nghiêm cấm các hành vi không minh bạch trong lựa chọn nhà thầu".
"Bộ GTVT hiểu rằng việc lựa chọn nhà thầu quyết định sự thành công của dự án. Ngay từ khi lập quy trình chỉ định thầu, Bộ GTVT đều thực hiện đúng quy định của Chính phủ về chỉ định thầu", ông Tiến khẳng định.
Đánh giá về năng lực của các nhà thầu, ông Quyết cho biết, để xác định được nhà thầu nào là mạnh hay đủ năng lực, ngoài quy định pháp luật về đấu thầu, căn cứ hướng dẫn Thông tư 08 của Bộ KH-ĐT, Nghị định 15 của Chính phủ, Ban QLDA 6 đã được Bộ GTVT giao xây dựng bộ tiêu chí mẫu, các cơ quan tham mưu của Bộ cũng đã tham gia, thống nhất một số tiêu chí quan trọng.
Ví dụ, về yêu cầu năng lực hành nghề thi công xây dựng, khảo sát thiết kế, tất cả các nhà thầu phải là hạng I.
Về tiêu chí năng lực tài chính, doanh thu, nguồn lực tài chính, với gói thầu từ 3.000 - 8.000 tỷ đồng, nhà thầu phả có năng lực tài chính tương ứng với quy mô gói thầu.
Đối với tiêu chí kinh nghiệm thực hiện hợp đồng tương tự trước đây, theo quy định cũ, nhà thầu đã từng thi công hợp đồng có giá trị bằng 70% giá trị gói thầu đang xét. Song, nếu áp dụng quy định này sẽ khó lựa chọn được nhà thầu phù hợp.
Căn cứ theo Thông tư 08 của Bộ KH-ĐT, yêu cầu được đưa ra là nhà thầu phải từng thực hiện các hợp đồng dự án có giá trị bằng 50% giá trị gói thầu đang xét. Với tiêu chí này, chỉ có những nhà thầu thi công dự án quy mô lớn mới đáp ứng được.
Khi được hỏi rút kinh nghiệm từ dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, đã có những nhà thầu không đủ năng lực thi công bị cắt chuyển khối lượng, những nhà thầu này có được chọn vào dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2? Bộ GTVT đã có các giải pháp kiểm soát, ngăn chặn nào đối với các nhà thầu yếu?
Ông Tiến khẳng định: "Không có nhà thầu nào bị chấm dứt hợp đồng, cắt chuyển khối lượng được vào dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025. Điều này được quy định tại Thông tư 08 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu nhà thầu bị chấm dứt hợp đồng sẽ bị loại trong bước đánh giá sơ bộ hồ sơ dự thầu từ 3-5 năm".
Thông tin về dự thảo nghị định cơ chế thưởng hợp đồng cho các nhà thầu xây lắp ngành GTVT vừa được Bộ Kế hoạch - Đầu tư soạn thảo. Tại dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, Bộ GTVT có định hướng gì cho các chủ đầu tư trong việc đảm bảo quyền lợi cho các nhà thầu đảy nhanh được tiến độ?.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho hay: Hiện, dự thảo Nghị định về cơ chế thưởng phạt nhà thầu giao thông đang được Bộ KH-ĐT soạn thảo".
Bộ GTVT cũng mong muốn bên cạnh cơ chế phạt hợp đồng, cần có cơ chế thưởng để khuyến khích, tạo động lực cho nhà thầu. Sau khi Nghị định được ban hành, Bộ GTVT rất mong Bộ KH-ĐT sẽ có thông tư hướng dẫn cụ thể để có hành lang pháp lý triển khai đảm bảo quyền lợi cho các nhà thầu giao thông.
Về lo ngại chậm giải phóng mặt bằng sẽ cản trở tiến độ dự án cao tốc Bắc - Nam, ông Huy khẳng định: "Ở dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, với sự nỗ lực rất cao của toàn bộ hệ thống chính trị, từ tháng 6 đến nay, các địa phương đã bàn giao được 70% mặt bằng thi công cao tốc Bắc - Nam".
Với sự quyết liệt như hiện nay, yêu cầu giải phóng mặt bằng sẽ được đáp ứng bởi các địa phương đã xác định là nhiệm vụ chính trị hàng đầu. Bộ GTVT đã nhận diện được vấn đề vướng mắc và rút kinh nghiệm từ các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn vừa qua thì sẽ có được phương pháp tháo gỡ.