Nếu nhìn bề ngoài, xã Yên Hòa (huyện Yên Mô, Ninh Bình) giống như bao vùng quê thuần nông khác của tỉnh Ninh Bình, nhưng sự khác biệt chỉ thực sự rõ rệt khi bạn cần hoàn thiện một thủ tục hành chính nào đó, hoặc đơn giản hơn: Bước chân vào bất cứ hàng quán lớn nhỏ nào và trải nghiệm hơi thở "cuộc sống số" len lỏi vào từng hộ gia đình, từng giao dịch của người dân.
Xã "chuyển đổi số" Yên Hòa
Chúng tôi khá ngạc nhiên khi thấy bà Phạm Thị Chấn có thể quét mã QR code để thanh toán khi mua hàng. Với những thanh niên, người trẻ trong xã thì việc này hết sức đơn giản, nhưng với người ngoài 70 như bà Chấn là điều đáng ngạc nhiên. Dù thao tác chưa thuần thục và cần sự trợ giúp của con cháu, nhưng bà đã bước đầu tiếp cận được với việc mua bán mới lạ này và công nhận "tiện dụng hơn rất nhiều".
Hay với anh Nguyễn Tuấn Sự - chủ cửa hàng photocopy và văn phòng phẩm Tuấn Sự, việc thanh toán không dùng tiền mặt mang đến rất nhiều lợi ích. "Thứ nhất là nhanh, chỉ cần mở app ngân hàng quét mã rồi nhập số tiền là xong. Thứ 2, hạn chế rất lớn tình trạng thêm bớt vì không có tiền lẻ, nhiều khi khách cứ thiếu 3.000, 5.000 đồng mình lại tặc lưỡi bớt vì không phải lúc nào cũng có tiền lẻ trả lại. Thứ 3, thanh toán online giúp tôi quản lý tài chính minh bạch, rõ ràng và chi tiết hơn" - anh Sự cho hay.
Xã Yên Hòa là 1 trong 7 tập thể điển hình tiên tiến được vinh danh trong Chương trình Vinh quang Việt Nam. Được Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) giới thiệu là mô hình điểm "Làng số - Digital Village" trong sáng kiến "Làng kỹ thuật số" của mình cho các nước trên thế giới tham quan, học hỏi.
Trước đây, dù là người khá thức thời nhưng anh Sự cũng dè dặt khi được đề nghị cài app thanh toán và sử dụng dịch vụ công theo ứng dụng trên điện thoại, bởi "việc bán hàng như con mọn, điện thoại chủ yếu là nghe gọi chứ tôi cũng ít dùng các tính năng khác. Nhà thì ngay sát ủy ban, cần việc gì đi 3 bước chân là tới nên khi nghe cán bộ nói cài app nọ app kia tôi cũng không hứng thú. Nhưng giờ, qua một thời gian sử dụng thì phải nói cái anh này tiện thật, ngồi một chỗ cũng có thể giao dịch rồi hoàn thành mọi thủ tục giấy tờ".
Ngược thời gian hơn 2 năm về trước, với bà Chấn, anh Sự cũng như nhiều người dân xã Yên Hòa, khái niệm "chuyển đối số" hoàn toàn lạ lẫm. Họ quen với việc cần xác minh gì, cần hoàn thiện giấy tờ gì thì lên xã, qua bộ phận một cửa làm theo hướng dẫn, lấy giấy hẹn rồi đúng ngày đúng tháng lại lên gặp cán bộ nhận hồ sơ.
Nhưng nay đã khác, không cần tốn thời gian lên tận nơi nữa, họ có thể đăng ký và gửi hồ sơ online qua ứng dụng "Công dân số", kết quả cũng được gửi về tận nhà và thời gian thì rút ngắn chỉ còn một nửa. Nếu ai gặp vấn đề khó khăn khi sử dụng, thao tác trên điện thoại di động đã có thành viên của Ban chỉ đạo hướng dẫn cụ thể. Người lớn tuổi, người già, sẽ có con cháu, những người trẻ trong gia đình trợ giúp và hướng dẫn, cứ "mưa dầm thấm lâu, làm nhiều sẽ quen tay và nhớ được cách sử dụng.
"Chúng tôi còn đùa nhau: làng mình sắp đổi tên thành làng quy-rờ-cốt đến nơi rồi" – anh Sự chia sẻ.
"Kiềng 3 chân" trong chuyển đổi số
Việc chuyển đổi số tại Yên Hòa diễn ra ở 3 trụ cột chính: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Theo đó, triển khai cấp chữ ký số tới 20 cán bộ, công chức (tỷ lệ 100%) và sử dụng thường xuyên (bao gồm cả trưởng công an xã); 11/11 tập thể đã được cấp chứng thư số. Lãnh đạo UBND xã đã sử dụng chữ kí số bằng sim điện thoại tạo thuận lợi cho giải quyết công việc. 100% văn bản đi, đến được xử lý, luân chuyển theo đúng quy định, không còn tình trạng tồn văn bản chưa được xử lý, không còn tình trạng in văn bản ra xin ý kiến lãnh đạo.
Chị Trịnh Thị Hường, cán bộ văn hóa, phụ trách các bản tin phát thanh hiểu hơn ai hết việc áp dụng công nghệ này mang lại lợi ích to lớn như thế nào. "Với công nghệ giúp chuyển văn bản giấy thành giọng nói thông qua nền tảng trí tuệ nhân tạo AI, chúng tôi đã tạo các bản tin phát thanh tuyên truyền một cách đa dạng, thu hút được nhiều người nghe…".
Và có lẽ, thành công nhất trong trụ cột chính quyền số (cũng là trụ cột quan trọng nhất) là việc xây dựng được hệ sinh thái hành chính công trên ứng dụng "Công dân số". Hiện, UBND xã đã tiến hành hướng dẫn cài đặt, sử dụng và cấp được 1.702 tài khoản trên ứng dụng "Công dân số" cho người dân.
Từ khi triển khai đến nay, người dân đã nộp hồ sơ thủ tục hành chính thông qua ứng dụng, bằng hình thức dịch vụ bưu chính; gửi phản ánh của người dân thông qua hệ thống về UBND xã, giúp địa phương kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân.
Riêng trong lĩnh vực kinh tế, việc chuyển đổi số mang lại những giá trị "không thể ngờ tới" – như cách nói của ông Mai Quang Kìn - Chủ tịch HĐQT HTX sản xuất tiêu thụ cây con đặc sản an toàn Yên Hòa.
"Điển hình như sản phẩm cá trạch sụn kho niêu, trước khi chuyển đổi số, sản phẩm đơn điệu chưa có bao bì, hộp đựng, sản phẩm chưa bắt mắt về hình thức; sản lượng bán ra thấp. Từ khi thực hiện chuyển đổi số, thu nhập tăng lên nhiều lần; ước tính tăng thu nhập cho lao động của HTX từ 1,5 triệu đồng/người/tháng lên 4,5 triệu đồng/người/tháng, gấp 3 lần so với trước đây" – ông Kìn tiết lộ.
Dẫn chúng tôi đi tham quan và trải nghiệm "dịch vụ số" tại UBND xã, chị Trịnh Thị Hường kể lại những ngày đầu khi mới triển khai mô hình chuyển đổi số ở địa phương. Tháng 9/2020, Yên Hòa là 1 trong 12 xã của cả nước được lựa chọn thí điểm đột phá chuyển đổi số cấp xã trong chương trình "Xây dựng xã thông minh", thời điểm đó không chỉ người dân mà nhiều cán bộ xã cũng chưa thực sự hiểu rõ về chuyển đổi số, nhưng Đảng ủy, HĐND, các cơ quan đoàn thể đều quyết tâm vào cuộc và thực hiện rốt ráo.
Ở thời điểm triển khai, Yên Hòa có 2 yếu tố thuận lợi: có nền tảng là xã nông thôn mới, nông thôn kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh, nên kinh nghiệm "đi đầu" không còn là điều gì bỡ ngỡ với chính quyền cũng như người dân. Yếu tố thứ 2 chính là tinh thần quyết tâm, đồng lòng của các cấp, các đoàn thể. Có thể khẳng định đây chính là mấu chốt quan trọng nhất giúp Yên Hòa thành công trong chuyển đổi số.
Theo chị Hường: "Chúng tôi không tổ chức họp hành nhiều mà bắt tay vào thực hiện luôn, vừa làm vừa học, khó ở đâu hỏi ở đấy. UBND xã đã ban hành quyết định thành lập Ban chỉ đạo với 25 thành viên, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từ thành viên phụ trách từng nhiệm vụ, từng lĩnh vực".
Song song với "cầm tay chỉ việc", công tác tuyên truyền cũng được quan tâm thông qua nhiều hình thức khác nhau như: Qua trang thông tin điện tử, qua ứng dụng, qua các hội nghị, phát hàng ngày trên hệ thống đài truyền thanh, pano, khẩu hiệu trên các trục đường, các điểm nhà văn hóa thôn, xóm... Rồi hàng trăm lượt trên hệ thống truyền thanh cơ sở, pano, khẩu hiệu, hình ảnh về chuyển đổi số.
Ông Đoàn Trung Nam-Chủ tịch UBND xã Yên Hòa cho biết: "Để công tác chuyển đổi số có những thành công bước đầu, cần coi người dân làm trung tâm để thực hiện. Tuyên truyền sâu rộng để cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu thế nào là chuyển đổi số, chuyển đổi số ở lĩnh vực nào và mang lại lợi ích như thế nào… thì quá trình triển khai thực hiện mới có thể thuận lợi, thu hút được sự tham gia của đông đảo người dân".
Tất nhiên, ở xã chuyển đổi số Yên Hòa, nhiều người dân vẫn chưa hình thành thói quen sử dụng thanh toán điện tử hay sử dụng các ứng dụng chưa thường xuyên… Nhưng với những gì đã và đang diễn ra ở đây, người ta hoàn toàn có thể hy vọng về một cuộc sống số thực sự văn minh, tiện dụng sẽ xuất hiện nhiều hơn ở các làng quê khác trên khắp dải đất hình chữ S trong tương lai.