Dân Việt

Loài cá gì nuôi tại một làng ở Vĩnh Phúc, tung thức ăn xuống cá nổi đỏ cả mặt nước, sớm bán được rồi?

Thảo My 30/12/2022 05:12 GMT+7
Thời điểm này, hàng trăm hộ nuôi cá chép đỏ tại làng nuôi cá Phủ Yên (gồm 4 thôn Phủ Yên 1, Phủ Yên 2, Phủ Yên 3, Phủ Yên 4) xã Yên Lập, huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc) đang chăm sóc, phòng bệnh để cá khỏe mạnh, đạt năng suất cao, mẫu mã đẹp phục vụ thị trường cúng ông Công ông Táo, ngày 23 tháng Chạp.

Chỉ còn gần 1 tháng nữa là đến thời điểm thu hoạch cá chép đỏ phục vụ Tết ông Công ông Táo (ngày 23 tháng Chạp)

Thời điểm này, hàng trăm hộ nuôi cá chép đỏ tại làng nuôi cá Phủ Yên (gồm 4 thôn Phủ Yên 1, Phủ Yên 2, Phủ Yên 3, Phủ Yên 4) xã Yên Lập, huyện Vĩnh Tường đang tích cực chăm sóc, phòng bệnh để cá sinh trưởng và phát triển tốt, đạt năng suất cao, mẫu mã đẹp phục vụ thị trường.

Từ cuối tháng 11, đầu tháng 12 âm lịch, làng nuôi cá Phủ Yên lại rộn ràng chuẩn bị vào mùa thu hoạch cá chép đỏ. Trên các ao nuôi, người nông dân đang tất bật thả lưới, đánh giá và phân loại cá để lên kế hoạch nuôi phù hợp. 

Năm nay, ước tính sản lượng cá chép đỏ của làng tăng mạnh so với năm trước, là nguồn cung cấp dồi dào cho thị trường trong tỉnh và các tỉnh, thành lân cận như Hà Nội, Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái…

Gia đình bà Khổng Thị Thu ở thôn Phủ Yên 1 đã có hơn 30 năm kinh nghiệm trong nghề nuôi cá. Với tổng diện tích mặt nước hơn 2 ha, quanh năm ao nuôi đủ các chủng loại cá như trắm, trôi, mè... 

Tuy nhiên, đến tháng 7 âm lịch hằng năm, gia đình bà sẽ bắt đầu thả cá chép đỏ giống xuống ao nuôi kết hợp. Sau khoảng 5 tháng nuôi thả chăm sóc, cá chép đỏ sẽ được thu hoạch với trọng lượng 20-30 con/kg, kích cỡ vừa phải, khỏe, vây nhọn, vẩy ánh, có màu đỏ rực như màu cờ.

Loài cá gì đang nuôi một làng ở Vĩnh Phúc, tung thức ăn nổi đỏ cả mặt nước, đang chờ bán ngày 23 tháng Chạp - Ảnh 2.

Các hộ nuôi cá chép đỏ làng Phủ Yên, xã Yên Lập, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc tích cực chăm sóc, phòng bệnh cho cá chép đỏ để chuẩn bị vào mùa thu hoạch

Bà Thu chia sẻ: “Năm nay, gia đình tôi nuôi khoảng 2 tấn cá chép đỏ, sản lượng nhiều gấp đôi năm trước. Dù còn khoảng 3 tuần nữa mới đến thời điểm thu hoạch, nhưng hiện tại các thương lái đã sớm đặt mua cá. Cũng bởi có kinh nghiệm nuôi cá lâu năm, nên gia đình tôi luôn tính toán số lượng nuôi cá chép đỏ cũng như đầu ra nên không lo cá không bán được”.

Cách nhà bà Thu không xa, trang trại cá của gia đình ông Phan Văn Minh với diện tích hơn 2.000 m2 cũng nuôi cá chép đỏ. Nhìn lớp lớp cá chép đỏ quẫy tung bọt trắng, ông Minh phấn khởi chia sẻ: “Năm nay khí hậu, thời tiết thuận lợi, nên cá chép đỏ sinh trưởng, phát triển tốt, không bị mắc bệnh như năm trước.

Dự kiến năm nay gia đình tôi sẽ thu hoạch khoảng 1 tấn cá chép đỏ. Tùy vào nhu cầu thị trường, hằng năm, giá thương lái thu mua cá chép đỏ sẽ giá dao động từ 80 - 100 nghìn đồng/kg. Sau khi trừ đi chi phí, chỉ riêng nuôi cá chép đỏ, gia đình tôi thu nhập từ 100-150 triệu đồng/vụ”.

Nắm bắt được nhu cầu thị trường, ngoài nuôi cá giống, từ năm 2018, ông Minh đã học hỏi kinh nghiệm nuôi cá chép đỏ với sản lượng trung bình mỗi năm khoảng 1 tấn. 

Thức ăn cho cá chép đỏ khá đơn giản, ít tốn kém, có thể tận dụng cỏ, rau, ngô, bèo, kết hợp cho ăn thêm cám viên. Cá chép đỏ có sức đề kháng tốt, nên trong quá trình nuôi ít gặp rủi ro hơn so với các loại cá truyền thống.

Đến tham quan và đặt hàng cá tại nhà ông Minh, anh Nguyễn Văn Dũng, thương lái ở Sơn Tây (Hà Nội) cho biết: “Cá chép đỏ ở làng Phủ Yên, xã Yên Lập (huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) có hình dáng đẹp, đỏ đều, cá sống khỏe nên được người dân nhiều nơi ưa chuộng.

Năm nào tôi cũng về đây thăm nắm và đặt hàng trước từ 1 - 2 tháng. Đến ngày 20 tháng Chạp, tôi đến lấy cá và đưa về nhập sỉ cho các đại lý ở thành phố và chợ quê các huyện lân cận”.

Hiện nay, toàn xã Yên Lập có khoảng 350 hộ gia đình tham gia nuôi trồng thủy sản, trong đó hơn 100 hộ nuôi cá chép đỏ với tổng diện tích ao nuôi khoảng 60 ha. 

Mỗi năm, các hộ dân cung cấp cho thị trường hàng chục tấn cá chép đỏ phục vụ Tết ông Công ông Táo. Tuy nuôi cá chép đỏ có tính thời vụ, nhưng lại mang giá trị kinh tế cao và đã trở thành vụ thu nhập chính cho nhiều hộ dân trong vùng.