Cách thờ "tiền Phật hậu Thánh" ở nhiều chùa cổ đất Nam Định, chùa Cổ Lễ mang dáng dấp thánh đường đạo Gia tô

Thứ hai, ngày 26/12/2022 19:44 PM (GMT+7)
Trong số các di tích, danh thắng của Nam Định, có một số ngôi chùa cổ khá đặc biệt trong cách thờ tự “tiền Phật, hậu Thánh” với ý nghĩa cầu Thánh ban phúc, cầu Phật cứu độ.
Bình luận 0

Các vị Thiền sư được người dân suy tôn làm Đức Thánh Tổ được thờ tự tại những ngôi chùa cổ này gồm: Từ Đạo Hạnh, Dương Không Lộ, Nguyễn Minh Không, Nguyễn Giác Hải. 

Theo các tài liệu sử học, đây đều là những vị Thiền sư tiêu biểu của Phật giáo Việt Nam, có công lao, hành trạng, tiểu sử mang đậm dấu ấn riêng của từng thời kỳ lịch sử, phản ánh sâu sắc, rõ nét sự biến đổi chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và tư tưởng Việt Nam, đặc biệt là giai đoạn từ thế kỷ X đến thế kỷ XVI-XVII và kéo dài đến ngày nay.

Cách thờ "tiền Phật hậu Thánh" ở nhiều chùa cổ đất Nam Định, chùa Cổ Lễ mang dáng dấp thánh đường đạo Gia tô - Ảnh 1.

Thi bơi chải trong lễ hội Chùa Cổ Lễ, thị trấn Cổ Lễ (huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định).

Giá trị lịch sử và nghệ thuật kiến trúc

Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia Chùa Cổ Lễ, thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh) là một trong những di tích danh thắng cảnh nổi tiếng của quê hương Nam Định. Đây là công trình tôn giáo, tín ngưỡng mang đậm nét văn hóa vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. 

Chùa thờ Phật và Thiền sư Nguyễn Minh Không - Đức Thánh Tổ có công khởi dựng chùa vào thời Lý (thế kỷ XII) và truyền bá đạo Phật cho nhân dân. 

Minh Không Thiền sư, thế danh là Nguyễn Chí Thành, quê Ninh Bình. Ngài là một vị cao tăng nổi tiếng và là ông tổ của nghề đúc đồng Việt Nam. 

Tương truyền, với nhiều pháp thuật kỳ lạ, ngài thường đi chu du khắp nơi chữa bệnh cứu dân và đã từng cứu Vua Lý Thần Tông thoát khỏi căn bệnh nan y, được nhà vua phong làm Lý triều Quốc sư. 

Chùa Cổ Lễ có dáng vẻ, sắc thái riêng; nổi bật là phong cách kiến trúc độc đáo, mang yếu tố “cửa Thiền trên nền văn hóa dân tộc, phương Đông kết hợp phương Tây” (giao thoa khéo léo các yếu tố kiến trúc cổ truyền với kiến trúc Gothic của châu Âu). 

Không giống với hầu hết các ngôi chùa cổ trên cả nước, Chùa Cổ Lễ tuy cũng có kết cấu “tiền Phật, hậu Thánh” nhưng lại mang dáng dấp của một thánh đường Gia-tô giáo với mái vòm, trần, tường có những bức bích họa rực rỡ vừa hiện đại vừa cổ kính. 

Chùa Cổ Lễ là một chỉnh thể gồm nhiều công trình thờ tự liên đới hòa nhập với tổng thể cảnh quan, tạo nên sự bề thế, uy nghiêm; tiêu biểu như: cổng chùa, bảo tháp Cửu Phẩm Liên hoa, cầu cuốn, tam quan, hội quán, đền thờ đức Thánh Trần Hưng Đạo (Linh Quang từ), phủ Mẫu, chùa chính, nhà thờ tổ, nhà khách, phòng tăng, pháp đường, gác chuông Kim Chung Bảo Các...

Chùa Cổ Lễ hiện lưu giữ được nhiều di vật quý hiếm như: tượng Đức Phật Thích Ca; tượng Thiền sư Nguyễn Minh Không; chuông đồng thời Tây Sơn; trống đồng thời Lý; lá cờ thần ghi: “Nam thiên Thánh Tổ” và “Lý triều Quốc sư”; 4 thuyền thi bơi chải trong lễ hội truyền thống; Đại hồng chung (chuông đồng  cổ) lớn nhất cả nước, nặng 9 tấn…

Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia đặc biệt Chùa Keo Hành Thiện, xã Xuân Hồng (Xuân Trường) nổi tiếng là ngôi cổ tự linh thiêng; là điểm đến du lịch, nghiên cứu và sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh của nhân dân địa phương và du khách thập phương. 

Chùa thờ Quốc sư, Thiền sư Dương Không Lộ - người có công với nước, với dân, dạy dân nghề chài lưới, đúc đồng, làm thuốc và phát triển nông nghiệp, được người dân quê hương suy tôn làm Đức Thánh Tổ, Thành Hoàng làng, Phúc Thần bảo an. 

Do Không Lộ Thiền sư không có đệ tử chân truyền nên Chùa Keo Hành Thiện không có sư trụ trì, vì vậy việc thực hành các nghi lễ trong lễ hội tại chùa đều do dân làng cử người đảm nhiệm. Chùa Keo Hành Thiện là một tổng thể các công trình kiến trúc quy mô lớn, được xây dựng đăng đối, thể hiện đậm nét phong cách kiến trúc thời Hậu Lê, thế kỷ XVII-XVIII. 

Di tích lưu giữ được nhiều mảng chạm khắc trên các hạng mục gỗ tại khu Chùa Keo trong, Chùa Keo ngoài, tam quan, gác chuông theo các chủ đề cổ “tứ linh”, “tứ quý”; trúc hoá long, rồng ngậm ngọc, đao mác, lá hoả,... Di tích Chùa Keo Hành Thiện với nghệ thuật điêu khắc đặc trưng đã góp phần minh chứng cho lịch sử tồn tại, phát triển của Phật giáo tại quê hương.

Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia Chùa Đại Bi là ngôi chùa chung của 3 thôn: Giáp Ba, Giáp Tư và Vân Chàng thuộc thị trấn Nam Giang (Nam Trực), được xây dựng từ thời Lý Nhân Tông (1072-1128). Sau nhiều lần trùng tu, tôn tạo, đến nay, chùa vẫn giữ được kiến trúc độc đáo theo phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê và thời Nguyễn. 

Bố cục mặt bằng của chùa theo kiểu “Nội công ngoại quốc” với 60 gian phần lớn làm bằng gỗ lim, gồm các hạng mục: tam quan, chùa chính, dãy hành lang tả hữu, gác chuông và nhà thờ tổ. Theo truyền thuyết, khu đất của chùa có thế đầu rồng. Hai bên cửa chùa có 2 giếng nước tròn, người dân nơi đây vẫn gọi là 2 mắt rồng. 

Ngoài thờ Phật, Chùa Đại Bi còn thờ Đức Bồ Đề Đạt Ma, thờ Mẫu, Thiền sư Giác Hải và Thiền sư Từ Đạo Hạnh - người có công lớn đối với triều đình nhà Lý và dân tộc. Hiện nay, Chùa Đại Bi còn lưu giữ được khá nhiều di vật, cổ vật, cổ thư có giá trị như: một số chân cột đá tảng ở tam quan; các bức chạm khắc rồng, lá, mây tản ở khu thờ Phật; 10 tấm văn bia cổ cùng các pho tượng, đồ thờ, câu đối...

Trong không gian ngoại tự của di tích là nơi tổ chức hội chợ Viềng xuân, họp mỗi năm 1 phiên, chính hội vào đêm mồng 7 rạng sáng mồng 8 tháng Giêng ở khu bãi đất trống trước cổng chùa. Người dân đi lễ chùa rồi ra chơi chợ, mua sắm hàng hóa (một món đồ bất kỳ lấy may), tham gia các trò chơi dân gian truyền thống, tạo nên không gian sinh hoạt văn hóa đặc sắc, độc đáo.

Phát huy giá trị văn hóa truyền thống

“Dù ai buôn bán trăm nghề/ Mười tư tháng chín thì về hội Ông” là câu ca truyền miệng dân gian về lễ hội truyền thống Chùa Cổ Lễ diễn ra từ ngày 13 đến 16-9 âm lịch hàng năm nhân kỷ niệm ngày hóa của Minh Không Thiền sư. Với nhiều cư dân địa phương thì đây được xem như cái tết thứ 2 trong năm. 

Lễ hội bảo lưu được nhiều nghi thức, diễn xướng tâm linh, trò chơi dân gian đặc sắc như: rước kiệu, tế nữ quan, đấu vật, cờ người, tổ tôm điếm… phản ánh đời sống sinh hoạt, văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo phong phú, đa dạng của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước. 

Sôi nổi nhất trong lễ hội là hội thi bơi chải trên sông quanh chùa, thể hiện sự gắn bó của Thiền sư Nguyễn Minh Không với đồng đất, kênh rạch nơi đây. Hội thi có sự tham gia của 5 dòng họ lớn trong thị trấn là: Nguyễn, Phan, Lê, Dương và Dương Đào Phạm (Dương nhì), chia làm 4 chải, mỗi chải 15 người bao gồm: 12 tay chèo, 1 tay lái, 1 tay mõ và 1 người tát nước. 

Thành phần tham gia bơi chải được các dòng họ tuyển chọn kỹ lưỡng từ các lão nông tri điền giàu kinh nghiệm đến các thanh thiếu niên khỏe mạnh, nhiệt huyết. 

Nếu như bơi chải ở những vùng lân cận có số lượng chải nhiều hơn, bơi nhiều vòng trên một khúc sông lớn thì ở hội Chùa Cổ Lễ, các tay chèo chỉ bơi 2 vòng trên một khúc sông hẹp. Do vậy đã tạo được khoảng cách gần giữa người xem với người thi, không khí cổ vũ sôi động, hấp dẫn hơn.

Lễ hội Chùa Keo Hành Thiện hàng năm diễn ra 2 kỳ vào mùa xuân và mùa thu. Các nghi lễ chính trong lễ hội mùa thu được tổ chức từ ngày 12 đến 15-9 âm lịch. “Dù ai đi đâu về đâu/ Mười rằm tháng chín rủ nhau mà về/ Dù ai bận rộn trăm bề/ Mười lăm tháng chín nhớ về hội Ông”.

Câu ca xưa như một lời nhắn nhủ với người con quê hương Hành Thiện đang công tác, làm ăn, học tập ở khắp mọi miền đất nước cùng khách thập phương về dự lễ hội và tham quan, vãn cảnh Chùa Keo Hành Thiện nhân dịp kỷ niệm ngày sinh của Không Lộ Thiền sư (15-9 âm lịch). 

Lễ hội Chùa Keo Hành Thiện bảo tồn được các nghi lễ cổ như: trình Phật, Thánh, phụng nghinh, phục miều (triều y), dựng phan (phướn), Thánh đản và khoa giáo rối, lễ tạ; đồng thời duy trì các hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống như: bơi chải đứng, cò cốc, rước đèn kéo quân, cờ tướng, leo cầu ngô, bắt vịt, tổ tôm điếm, múa sư tử, Thái cực trường sinh đạo…

Ở Chùa Đại Bi, ngoài tổ chức các lễ nghi theo tuần tiết của Phật giáo, hàng năm, chính quyền và nhân dân địa phương tổ chức lễ hội truyền thống từ ngày 20 đến 23 tháng Giêng (âm lịch). Trong dân gian vẫn lưu truyền câu ca “Hai mươi phát tấu chùa Bi/ Trai đi được vợ, gái đi được chồng”. 

Chùa Đại Bi là một trong những địa điểm du ngoạn đầu xuân hấp dẫn du khách thập phương với phần lễ bao gồm các nghi lễ trang trọng như: lễ mộc dục thắng nghì, lễ cúng phát tấu và thi thầy, nghi thức rước kiệu và khai hội, lễ tế Thánh Tổ. 

Phần hội ngoài các môn thể thao truyền thống trò chơi dân gian đặc sắc như: cờ người, tổ tôm điếm, chọi gà, đấu vật, múa rối, đánh đu... ngày nay, có thêm các hoạt động như: giao lưu văn nghệ, đấu bóng chuyền, thi chim cảnh. 

Đặc biệt, Vật chầu Thánh của hội Chùa Đại Bi là cuộc thi thu hút đông người tham gia cổ vũ, mang ý nghĩa cầu may mắn, bình an đến với người dân trong vùng, mong cho năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Ngoài ra, lễ hội còn biểu diễn rối cạn chầu Thánh (Ổi Lỗi) - loại hình nghệ thuật có niên đại trên 900 năm gắn với việc thờ phụng Đạo Hạnh Thiền sư.

Hoạt động này diễn ra trong khoảng thời gian và không gian linh thiêng nhất (để Thánh ngự, Thánh xem), đó là phía trước ban Tam bảo và ban thờ Đức Thánh Tổ. 

Câu ca trong hát rối là những điển tích cổ, các giáo điều trong kinh thư để răn dạy con người sống hiếu nghĩa, thủy chung, đoàn kết, chăm lo học hành, yêu lao động.

Lễ hội Chùa Đại Bi và Lễ hội Chùa Keo Hành Thiện là 2 trong 6 lễ hội của tỉnh được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. 

Những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ các di tích thờ Thiền sư, tổ chức các lễ hội gắn với di tích, di sản được ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, các cấp ủy, chính quyền và nhân dân thực hiện theo Luật Di sản văn hoá và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, đảm bảo nếp sống văn hóa, văn minh...

Công tác quản lý, bảo vệ các di tích thờ Thiền sư, tổ chức các lễ hội gắn với di tích còn đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, tham quan, học tập, giáo dục truyền thống của người dân, tạo được ấn tượng cho du khách thập phương về dự lễ hội, góp phần phát triển du lịch văn hóa tâm linh.

Khánh Dũng (Báo Nam Định)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem