Theo thông tin từ Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), ngày 28 tháng 12 năm 2022, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ra thông báo với một số nội dung có liên quan đến hàng hóa xuất nhập khẩu.
Trong đó, các tỉnh (khu tự trị) có liên quan triển khai nối lại hoạt động thông quan hàng hóa và vận tải hành khách tại các cửa khẩu biên giới một cách trật tự và ổn định theo phân loại và trình tự.
Từ ngày 08/01/2023, gỡ bỏ tất cả các biện pháp xét nghiệm axit nucleic phòng chống Covid-19 tại cửa khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu (bao gồm cả hàng hóa đông lạnh).
Bộ Công Thương tiếp tục khuyến nghị các doanh nghiệp, địa phương, đặc biệt là địa phương có vùng sản xuất nông sản tập trung xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc cần tiếp tục chủ động cập nhật thông tin về tình hình hàng hóa thông quan qua các cửa khẩu biên giới và phối hợp chặt chẽ với các tỉnh biên giới phía Bắc trong công tác điều phối lưu lượng hàng hóa xuất khẩu qua địa bàn.
Theo Seafoodsource, chính sách Zero Covid của Trung Quốc đã gây ra sự gián đoạn lớn cho cả nền kinh tế Trung Quốc và nền kinh tế toàn cầu. Trong tháng 11/2022, doanh số bán lẻ trên toàn quốc của Trung Quốc đã giảm 5,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Robin Wang, người đứng đầu SMH International, một công ty tiếp thị thủy sản ở Thượng Hải, những điều chỉnh ở Trung Quốc sẽ mất vài tháng và sẽ thay đổi theo khu vực. Việc Trung Quốc chấm dứt xét nghiệm đối với thịt và hải sản nhập khẩu giúp Wang rất lạc quan vào tình hình thương mại thủy sản năm 2023.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam, chỉ sau Mỹ. Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn dẫn nguồn của Tổng cục Hải quan cho biết, xuất khẩu nông lâm thủy sản chính của Việt Nam sang Trung Quốc trong 10 tháng đầu năm 2022 đạt 8,46 tỷ USD, tăng 11,66% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, một số mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn như cao su, sắn, trái cây...
Đơn cử như mặt hàng cao su, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất tiêu thụ cao su của Việt Nam, với 1,37 triệu tấn, trị giá 2,08 tỷ USD, tăng 14% về lượng và tăng 6,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 70,8% trong tổng trị giá xuất khẩu cao su của cả nước.
Tương tự, thị phần hạt tiêu của Việt Nam chiếm 32,11% trong tổng giá trị nhập khẩu của Trung Quốc trong 10 tháng năm 2022, cao hơn so với thị phần 31,76% trong 10 tháng năm 2021.
Dự báo đến đầu quý II/2023, sức mua của thị trường Trung Quốc sẽ tăng trở lại.
Trung Quốc là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ 2 thế giới trong 10 tháng năm 2022, đạt 15,4 tỷ USD, tăng 39,5% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, nhập khẩu từ Việt Nam đạt 1,44 tỷ USD, tăng 157,8% so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần thủy sản Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Trung Quốc tăng từ 5,1% trong 10 tháng năm 2021 lên 9,4% trong 10 tháng năm 2022.
Đáng chú ý, giá trị xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc tháng 10 năm 2022 đạt 151,7 triệu USD, chiếm 49,0% tổng giá trị xuất khẩu, tăng 64,4% so với tháng trước và tăng 46,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Tính chung 10 tháng năm 2022, giá trị xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đạt 1,2 tỷ USD (chiếm 43,9% thị phần), giảm 25,8% so với cùng kỳ năm.