Cách duy nhất buộc Ukraine phải đàm phán với Nga
Sau hơn 10 tháng giao tranh giữa các lực lượng Nga và Ukraine, không có dấu hiệu nào cho thấy năm 2023 sẽ mang lại hòa bình cho Ukraine khi các bên tham chiến đưa ra các điều kiện hoàn toàn khác nhau để tiến hành đàm phán trong khi Mỹ tiếp tục leo thang viện trợ cho Kiev, theo Dave DeCamp, Biên tập viên tin tức của Antiwar.
Các quan chức Ukraine đang yêu cầu Nga rút khỏi tất cả các lãnh thổ mà họ đã chiếm giữ và đối mặt với các phiên tòa xét xử tội ác chiến tranh trước khi các cuộc đàm phán hòa bình có thể bắt đầu. Trong khi đó, các quan chức Nga nói rằng họ sẵn sàng đàm phán nhưng nhấn mạnh rằng, bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào cũng phải tính đến thực trạng của các vùng lãnh thổ mà họ đã sáp nhập vào Liên bang Nga.
Cách duy nhất có thể buộc Ukraine phải nói chuyện với Nga là nếu Mỹ gây sức ép buộc họ làm như vậy, vì nỗ lực chiến tranh của Ukraine hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ phương Tây, đặc biệt là Mỹ, theo BTV Dave DeCamp.
Đã có một tia hy vọng vào tháng 11 khi Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, Tướng Mark Milley cho biết mùa đông sẽ tạo cơ hội tốt cho các cuộc đàm phán hòa bình , nhưng quan điểm của ông không được lòng chính quyền Biden.
Ông Milley nói rằng các bên tham chiến nên “nắm bắt thời điểm” để đạt được hòa bình, nhưng sau bình luận của ông, chính quyền Biden đã trấn an Ukraine rằng không cần phải đàm phán.
Các phương tiện truyền thông đưa tin rằng các quan chức cấp cao khác, bao gồm Ngoại trưởng Antony Blinken và Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan, đã phản đối ý tưởng đàm phán với Nga của Tướng Milley.
Lần duy nhất một thỏa thuận hòa bình có cơ hội đạt được là khi các nhà đàm phán Nga và Ukraine tổ chức các cuộc đàm phán trực tiếp tại Istanbul hồi tháng 3, nhưng phương Tây không khuyến khích việc đạt được một thỏa thuận với Nga.
Thủ tướng Anh khi đó là ông Boris Johnson đã đến thăm Kiev vào tháng 4 và kêu gọi Tổng thống Zelensky không đàm phán với Moscow. Đây cũng có thể là ý của Mỹ và NATO.
Theo một báo cáo của truyền thông Ukraine, chuyến thăm của ông Johnson là một yếu tố chính khiến đàm phán đổ vỡ. Cuối tháng 4, Thổ Nhĩ Kỳ cho biết một số thành viên NATO muốn cuộc chiến ở Ukraine tiếp tục để Nga “yếu đi”. Vài ngày sau, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thẳng thừng thừa nhận rằng mục tiêu của Mỹ ở Ukraine là "làm suy yếu" Nga.
Sự can dự của Mỹ vào cuộc chiến ở Ukraine ngày càng sâu
Vừa không khuyến khích các cuộc đàm phán trong suốt 10 tháng của cuộc chiến, chính quyền Biden cũng vừa tiếp tục leo thang viện trợ quân sự cho Kiev. Cho đến nay, Quốc hội đã cho phép chi 112 tỷ USD để hỗ trợ Ukraine. Trong lần leo thang mới nhất, chính quyền Biden hứa cung cấp tên lửa Patriot, được coi là hệ thống phòng không tiên tiến nhất của Mỹ cho Kiev, mặc dù Nga cho biết họ đã nhận được sự đảm bảo rằng, sẽ không có lính Mỹ nào được triển khai tới Ukraine cùng với các hệ thống này.
Chính quyền Biden vẫn chưa gửi cho Ukraine tên lửa tầm xa, máy bay chiến đấu và xe tăng tiên tiến mà Kiev khao khát. Và hiện Tổng thống Biden sẽ phải chịu áp lực đáng kể từ đảng Cộng hòa (GOP) để tiếp tục hỗ trợ Ukraine khi đảng này nắm quyền kiểm soát Hạ viện. Mặc dù GOP có một số bất đồng lớn giữa các thành viên trong đảng về chính sách vũ trang cho Ukraine, nhưng lãnh đạo Đảng Cộng hòa đã chỉ trích Tổng thống Biden vì đã không gửi thêm vũ khí tối tân cho nước này.
Hạ nghị sĩ Michael McCaul, người dự kiến sẽ lãnh đạo Ủy ban Đối ngoại Hạ viện vào năm tới, đã cáo buộc Tổng thống Biden viện trợ quân sự “chậm chạp” cho Kiev. Ông McCaul cho rằng Mỹ nên cung cấp cho Ukraine nhiều vũ khí tiên tiến hơn để tấn công các mục tiêu ở Crimea.
McCaul và những đảng viên Cộng hòa diều hâu khác ủng hộ sự minh bạch hơn về hàng chục tỷ USD Mỹ đang chi cho chiến tranh.
Ngoài ra, những lời kêu gọi giám sát nhiều hơn cũng đang được sử dụng để biện minh cho sự hiện diện của quân đội Mỹ bên trong Ukraine. Lầu Năm Góc đã thừa nhận họ có một số lượng nhỏ nhân viên quân sự ở Ukraine để kiểm tra vũ khí “tại chỗ”. Trụ sở của các nhân viên quân sự này là tại Đại sứ quán Mỹ ở Kiev.
NBC News đưa tin vào đầu tháng này rằng Lầu Năm Góc đang cân nhắc gửi thêm một số lượng nhỏ quân nhân để theo dõi vũ khí Mỹ viện trợ cho Ukraine.
Báo cáo cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin muốn bổ sung thêm quân nhân để giám sát và để đảm bảo có "các chuyên gia Mỹ ở Ukraine để giúp Kiev sử dụng các hệ thống vũ khí quan trọng". Tuy nhiên, tuyên bố trên của ông Austin báo hiệu rằng các quân nhân này có thể làm nhiều việc hơn là theo dõi vũ khí.
Nhóm chuyên gia vũ khí nhỏ của Mỹ bên trong Ukraine là sự hiện diện duy nhất được xác nhận chính thức. Nhưng the Intercept báo cáo vào tháng 10 rằng, các lực lượng tác chiến đặc biệt của Mỹ và một nhóm nhân viên CIA cũng đang ở Ukraine. Tuy nhiên, Mỹ không chính thức thừa nhận về "chiến dịch bí mật" này.
Trong bối cảnh Mỹ đang leo thang vai trò trong cuộc chiến, Lầu Năm Góc cũng thay đổi quan điểm về các cuộc tấn công của Ukraine bên trong lãnh thổ Nga.
Sau khi máy bay không người lái của Ukraine tấn công các sân bay sâu bên trong Nga vào đầu tháng này, The Times đưa tin rằng, Lầu Năm Góc đã ngầm ủng hộ các hoạt động như vậy. Trong khi đó, Asia Times đưa tin, máy bay không người lái của Ukraine đã sử dụng dữ liệu GPS của các vệ tinh Mỹ để tấn công mục tiêu Nga.
Thậm chí, theo một báo cáo từ nhà báo điều tra kiêm cựu chiến binh Lực lượng đặc biệt của Quân đội Mỹ Jack Murphy, Washington rõ ràng đã triển khai một chiến dịch bí mật bên trong Nga. Trích dẫn các cựu quan chức tình báo và quân đội Mỹ giấu tên, Murphy tiết lộ rằng, CIA đã sử dụng các cơ quan tình báo giấu tên của một quốc gia NATO ở châu Âu để tiến hành các cuộc tấn công phá hoại bên trong Nga kể từ cuộc chiến Ukraine nổi ra hồi tháng Hai.
Cả chiến dịch bí mật bên trong nước Nga và các cuộc tấn công của Ukraine do Mỹ hậu thuẫn vào lãnh thổ Nga đều có nguy cơ cao làm leo thang cuộc chiến, theo BTV Dave DeCamp.
Nhưng các quan chức Mỹ không lo ngại về nguy cơ leo thang đó dựa trên thực tế là cho đến thời điểm này, Nga chưa đáp trả các cuộc tấn công vào lãnh thổ của nước này bằng vũ khí hạt nhân hoặc bằng cách tấn công các nước NATO.
Ngược lại với các quan chức Mỹ, các chuyên gia đã cảnh báo rằng khả năng xảy ra chiến tranh hạt nhân ngày nay lớn hơn bất kỳ thời điểm nào trong Chiến tranh Lạnh.
Bản thân Tổng thống Biden cũng thừa nhận rằng, có nguy cơ xảy ra “chiến tranh vũ trang” hạt nhân và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã cảnh báo về một cuộc chiến toàn diện tiềm tàng giữa Nga và NATO. Nhưng cả ông Biden lẫn ông Stoltenberg đều khẳng định các cường quốc phương Tây nên tiếp tục hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến với Nga và do đó, năm 2023 có thể sẽ chứng kiến nhiều leo thang nguy hiểm hơn giữa các bên tham chiến.