Toàn cảnh xung đột Nga-Ukraine ác liệt, dữ dội trong suốt năm 2022

Phương Đăng (Cgtn) Thứ sáu, ngày 30/12/2022 07:43 AM (GMT+7)
Cuối năm 2022, có rất ít dấu hiệu về tiến triển hòa bình cho cuộc xung đột Nga-Ukraine khi cả hai nước đều đang tích cực chuẩn bị binh lính và vũ khí để tiếp tục cuộc xung đột quân sự lớn nhất ở châu Âu kể từ thế kỷ 21.
Bình luận 0
Toàn cảnh xung đột Nga-Ukraine trong suốt năm 2022 - Ảnh 1.

Xung đột Nga-Ukraine cho đến cuối năm 2022 vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ảnh IT

Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã giết chết hàng nghìn người và khiến hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa trong năm qua. Cùng nhìn lại toàn cảnh cuộc xung đột Nga-Ukraine theo dòng thời gian trong năm 2022.

Tháng 2: Nga phát động chiến dịch quân sự vào Ukraine  

Ngày 24/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố khởi động "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại khu vực Donbass, miền Đông Ukraine. Ngay sau đó, Ukraine cắt đứt quan hệ ngoại giao với Nga đồng thời Tổng thống Volodymyr Zelensky tuyên bố thiết quân luật và tổng động viên.

Cuộc tấn công của Nga nhanh chóng lan rộng khắp Ukraine, và đã xảy ra các vụ nổ và pháo kích ở thủ đô Kiev của Ukraine, thành phố Kharkov ở phía đông, Chernihiv ở phía bắc, Zaporizhzhia và Donetsk ở phía đông nam cũng như thành phố cảng Odesa ở phía nam.

Phương Tây đã phản ứng bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt tài chính và thương mại đối với Nga. Liên minh châu Âu đã cấm một số ngân hàng Nga tham gia hệ thống thanh toán SWIFT và đóng băng tiền gửi của ngân hàng trung ương Nga. EU cũng đóng cửa không phận với hàng không Nga, trong khi Ukraine nộp đơn xin gia nhập EU.

Tháng 3: Ukraine kháng cự quyết liệt, đàm phán hòa bình thất bại

Vào ngày 2/3, các lực lượng Nga đã chiếm được thành phố Kherson ở phía nam Ukraine, một khu vực chiến lược gần Bán đảo Crimea. Nhưng các lực lượng của Moscow đã gặp phải sự kháng cự quyết liệt ở Kiev. Nga tái tập trung vào việc củng cố quyền kiểm soát của mình đối với các khu vực phía đông Donetsk và Lugansk (được gọi chung là Donbass) khi Ukraine tiến hành các cuộc phản công ở phía bắc và phía nam.

Các nhà đàm phán Nga và Ukraine đã tổ chức 5 vòng đàm phán hòa bình, đồng ý tổ chức các hành lang nhân đạo để sơ tán dân thường. Tuy nhiên, hai bên không đạt được đột phá nào liên quan đến vấn đề quy chế trung lập cho Ukraine, bảo đảm an ninh cho Nga và hiện trạng của Crimea cũng như vùng Donbass.

Tháng 4: Vụ "thường dân thiệt mạng" ở Bucha; Soái hạm Moskva của Nga bị chìm

Vào đầu tháng 4, một đoạn video quay cảnh nhiều thi thể mặc thường phục nằm rải rác trên đường phố Bucha, một thị trấn ở phía tây bắc Kiev đã thu hút sự chú ý của quốc tế. Ukraine đã nhanh chóng đổ lỗi cho quân đội Nga về vụ việc. Trong khi đó, Nga phủ nhận mạnh mẽ trách nhiệm về những cái chết của dân thường và tuyên bố đoạn phim được dàn dựng để đổ tội cho quân đội Nga. Liên Hợp Quốc đã cử một ủy ban điều tra độc lập tới Ukraine để tìm hiểu sự thật và thu thập bằng chứng.

Vào ngày 14/4, soái hạm Moskva của Hạm đội Biển Đen của Nga, tàu chiến mạnh nhất ở khu vực Biển Đen bị chìm. Nga tuyên bố, vụ chìm soái hạm Moskva là do sự cố hỏa hoại nhưng nhiều chuyên gia và quan chức phương Tây giấu tên nói Ukraine đã đánh chìm tàu chiến Nga.

Vào ngày 21 tháng 4, Nga tuyên bố chiến thắng trong trận chiến giành Mariupol, mặc dù sự kháng cự của Ukraine vẫn tiếp tục ở nhà máy thép Azovstal.

Tháng 5: Nga kiểm soát hoàn toàn Mariupol; Phần Lan và Thụy Điển tuyên bố xin gia nhập NATO

Vào ngày 17/5, quân đội Ukraine tuyên bố chấm dứt kháng cự ở "pháo đài" Azovstal thuộc thành phố Mariupol, một thành phố cảng và trung tâm công nghiệp trên Biển Azov. Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố họ có toàn quyền kiểm soát Mariupol. Đến cuối tháng 5, các lực lượng Nga tiếp tục chiếm được trung tâm Sievierodonetsk ở vùng Lugansk. Ở phía nam, các lực lượng Ukraine bắt đầu phản công về phía Kherson, đẩy lùi quân Nga về phía đông sông Inhulets.

Chấm dứt trung lập, Phần Lan và Thụy Điển tuyên bố xin gia nhập NATO.

Tháng 6: Trận chiến khốc liệt giành Sievierodonetsk 

Trận chiến của Ukraine với Nga ở Sievierodonetsk đã diễn ra ác liệt trong nhiều tuần. Tổng thống Zelensky mô tả đây là cuộc giao tranh giành từng cm đất "theo đúng nghĩa đen". Ông thúc đẩy phương Tây đẩy nhanh việc cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine. Ngày 25/6, Thị trưởng thành phố Sievierodonetsk cho biết thành phố này đã hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của Nga. Sievierodonetsk và thành phố Lysychansk gần đó có ý nghĩa chiến lược đối với Nga, vì chiếm được chúng đồng nghĩa với việc kiểm soát hoàn toàn toàn bộ khu vực Lugansk.

Vào ngày 30 tháng 6, các lực lượng Nga đã rút khỏi Đảo Rắn ở Biển Đen ngoài khơi bờ biển Odesa.

EU chính thức mời Ukraine và Moldova trở thành ứng cử viên để trở thành thành viên EU. NATO chính thức mời Phần Lan và Thụy Điển trở thành thành viên của liên minh.

Tháng 7: Lugansk thất thủ, thỏa thuận ngũ cốc được ký kết

Vào ngày 3/7, Nga tuyên bố đã chiếm được thành phố Lysychansk, trao cho nước này quyền kiểm soát trên danh nghĩa vùng Lugansk. Ngoài khu vực phía đông Donbass, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết Nga đã mở rộng các mục tiêu quân sự bao gồm cả Kherson và Zaporizhzhia ở phía nam.

Vào ngày 22/7, Nga và Ukraine đã ký một thỏa thuận cho phép xuất khẩu ngũ cốc và các sản phẩm nông nghiệp khác qua Biển Đen, do Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian.

Vào ngày 26/7, tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga cho biết họ sẽ tiếp tục cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt thông qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) tới châu Âu xuống thêm 20% công suất. Tập đoàn này đã cắt giảm nguồn cung thông qua đường ống xuống còn khoảng 40% tổng công suất vào tháng 6.

Tháng 8: Ukraine phản công và lo ngại thảm họa hạt nhân

Với các hệ thống tên lửa do các nước phương Tây cung cấp, Ukraine đã phá hủy cơ sở hạ tầng quân sự của Nga và tấn công một căn cứ không quân của Nga ở Crimea. Vào cuối tháng 8, Ukraine cho biết họ đã phát động một cuộc phản công để giành lại thành phố Kherson ở miền nam nước này.

Trong khi đó, nỗi sợ hãi liên quan đến thảm họa hạt nhân nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở miền nam Ukraine ngày càng gia tăng. Zaporizhzhia là nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu.

 Ukraine và Nga liên tục cáo buộc nhau nã pháo gần và vào nhà máy. Một nhóm chuyên gia từ cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc đã đến nhà máy để kiểm tra sự an toàn của nó. Chính quyền địa phương đã phát viên i-ốt và dạy người dân cách sử dụng chúng trong trường hợp rò rỉ phóng xạ.

Tháng 9: Nga sáp nhập 4 khu vực của Ukraine

Trong một cuộc phản công nhanh chóng kể từ ngày 6/9, Ukraine đã chiếm lại phần lớn khu vực đông bắc Kharkov. Kiev cáo buộc các lực lượng Nga đang tấn công nhằm vào lưới điện, gây ra tình trạng cắt điện hàng loạt ở phía đông.

Tổng thống Putin đã tuyên bố động viên một phần lính dự bị vào ngày 21/9. Lệnh động viên cho phép quân đội Nga nhập ngũ tới 300.000 quân dự bị.

Vào ngày 30/9, Tổng thống Putin đã ký các hiệp ước sáp nhập bốn khu vực Nga kiểm soát ở Ukraine: Các nước cộng hòa nhân dân tự xưng Donetsk và Lugansk cũng như các vùng Zaporizhzhia và Kherson. Cùng ngày, Ukraine đã nộp đơn xin gia nhập NATO.

Tháng 10: Vụ nổ cầu Crimea; Nga tấn công cơ sở hạ tầng Ukraine

Vào ngày 8/10, một vụ nổ chết người đã xảy ra tại cây cầu Crimea dài 19km bắc qua eo biển Kerch. Đây là đường nối trực tiếp duy nhất giữa Nga và Bán đảo Crimea được Moscow sáp nhập năm 2014. Tổng thống Putin cho biết vụ nổ trên cầu là một "hành động khủng bố". Ukraine đã không bình luận về tuyên bố này.

Vào ngày 22/10, Nga đã phóng một loạt tên lửa vào một số thành phố, bao gồm cả Kiev. Nga cho biết các cuộc tấn công của Nga vào cơ sở hạ tầng của Ukraine ngày 28/10 là một phần để đáp trả các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Kiev vào Hạm đội Biển Đen.

Tháng 11: Nga rút lui ở Kherson và tình trạng thiếu điện ở Ukraine

Vào ngày 9/11, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã ra lệnh cho quân đội Nga rút khỏi thành phố Kherson. Ukraine nắm quyền kiểm soát Kherson sau khi Nga chuyển toàn bộ lực lượng vũ trang tới bờ đông sông Dnepr vào ngày 11/11.

Chính phủ Ukraine cho biết vào ngày 18/11 rằng các cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga đã làm hư hại gần một nửa hệ thống năng lượng của Ukraine. Ukraine đã chật vật sửa chữa các dịch vụ điện và nước sau khi Nga tấn công mạng lưới điện bằng hàng chục tên lửa hành trình hôm 23/11.

Tháng 12: Trận chiến "Cối xay thịt" ở Bakhmut; Tổng thống Zelensky công du Mỹ

Ba cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào các căn cứ không quân của Nga trong khoảng thời gian từ ngày 5 đến ngày 6/12 cho thấy Ukraine có khả năng tấn công hàng trăm km vào không phận Nga.

Theo Hội đồng châu Âu, ngày 16/12, EU đã thông qua gói trừng phạt thứ 9 đối với Nga. Vào ngày 20/12, Tổng thống Zelensky đã đến thăm chiến trường Bakhmut ở tỉnh Donetsk để gặp gỡ các đại diện quân đội và trao phần thưởng cho các binh sĩ. Trận chiến giành và giữ thành phố Bakhmut ở phía đông Ukraine giữa Nga và Ukraine đã khiến nó trở thành đống đổ nát. Giao tranh ác liệt, đẫm máu đến mức các chỉ huy của cả hai bên mô tả là chiến trường Bakhmut giống như là "máy xay thịt".

Tổng thống Zelensky đã đến Washington vào ngày 21/12 trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên được biết đến của ông kể từ khi cuộc xung đột với Nga bắt đầu vào tháng Hai. 

Trong chuyến thăm, là một phần của gói viện trở bổ sung trị giá 1,8 tỷ USD cho Ukraine, Tổng thống Joe Biden thông báo rằng, Mỹ sẽ gửi cho Ukraine hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot, hệ thống phòng không tiên tiến nhất của Lầu Năm Góc.

Vào ngày 27/12, Tổng thống Putin đã cấm xuất khẩu dầu của Nga sang các quốc gia đã áp đặt trần giá với dầu Nga.


 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem