Dân Việt

Kinh nghiệm viết bài luận giành học bổng bậc đại học dù hồ sơ không IELTS

Hoài Nguyên 31/12/2022 17:52 GMT+7
Dù bộ hồ sơ không IELTS, không thành tích khủng, Tuyết Linh vẫn giành được học bổng bậc đại học nhờ “ghi điểm” ở bài luận.

Nguyễn Thị Tuyết Linh (sinh năm 2002, quê Bến Tre) hiện là sinh viên năm hai British University Vietnam. Nữ sinh từng giành học bổng 75% của British University Vietnam và 50% của Đại học Swinburne (Australia) với hồ sơ không IELTS, không thành tích khủng.

Kinh nghiệm viết bài luận giành học bổng bậc đại học - Ảnh 1.

Tuyết Linh giành học bổng với bộ hồ sơ không IELTS, không thành tích khủng. Ảnh: Xanh Vietnam

“Yếu tố then chốt giúp em giành được học bổng nằm ở bài luận”, Tuyết Linh cho biết bài luận của em kể về việc quê hương bị ảnh hưởng xâm nhập mặn. Từ đó, em quyết định tham gia tình nguyện về bảo vệ môi trường với mong muốn giúp ích cho gia đình và quê hương. Em liên kết hoạt động ngoại khóa để nêu lên điểm mạnh và khả năng lãnh đạo của mình.

Ngoài ra, nữ sinh chỉ ra nỗ lực của mình trong việc học tiếng Anh. 10X cho biết do ở quê không có trung tâm tiếng Anh nên em phải đi 300km mỗi tuần để học ngôn ngữ này. Trước khi kết thúc bài, em chia sẻ mục tiêu khi ra trường kèm theo câu khẳng định đầy tự tin về bản thân.

Kinh nghiệm viết bài luận giành học bổng bậc đại học - Ảnh 2.

Tuyết Linh dẫn dắt 70 bạn tình nguyện nhặt rác tại một tỉnh ven biển. Ảnh: Xanh Vietnam

Từ kinh nghiệm của bản thân, Tuyết Linh đã chỉ ra những lưu ý để viết bài luận mạch lạc, thống nhất, thuyết phục người đọc. Đầu tiên, cần hiểu rõ điểm mạnh của hồ sơ để lựa chọn loại học bổng thích hợp. Để làm được điều này, ứng viên cần nghiên cứu kỹ lưỡng về loại học bổng dự định nộp, vì mỗi loại học bổng sẽ có những yêu cầu khác nhau. Một số học bổng đánh giá cao khả năng lãnh đạo và tinh thần trách nhiệm cộng đồng, số khác đề cao các thành tích học tập và giải thưởng, nghiên cứu khoa học,...

Tiếp đó, cần xây dựng thương hiệu cá nhân trong bài luận. Cần chia sẻ câu chuyện của cá nhân để từ đó có thể nêu bật được sự quyết tâm theo đuổi học bổng, mục tiêu và định hướng tương lai.

Các ứng viên có thể viết bài luận theo cấu trúc SOAR - một dàn bài giúp sắp xếp hợp lý diễn biến câu chuyện. SOAR gồm bốn phần: S - Situation (tình huống), O -  Obstacles (những trở ngại), A - Action (hành động), R - Results (kết quả).

Một số loại học bổng hạn chế về số chữ, vậy nên ứng viên cần viết ngắn gọn, dễ hiểu. Từng câu chữ trong bài cần được "cân lên, đặt xuống" và phải giúp giám khảo hình dung bạn là người như thế nào sau khi đọc bài luận.

Tuyết Linh cũng lưu ý ứng viên nên tham khảo và trả lời đầy đủ các câu hỏi mà trường gợi ý. Cuối cùng, nên tìm kiếm một người hướng dẫn có kinh nghiệm để định hướng và đưa ra ý kiến khách quan cho bài luận.

“Bài luận một bức tranh phác họa về con người đầy tài năng, tự tin, quyết tâm, chăm chỉ của bạn. Hãy biến bài luận thành một bức thư tâm sự với ban giám khảo về cuộc đời bạn, ước mơ, khó khăn bạn gặp phải và khao khát về tương lai tươi sáng”, nữ sinh nói.