1. Nới "room" tín dụng trước giờ G
Mặc dù đã có 2 đợt cấp thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng cho gần 20 ngân hàng thương mại trong năm 2022, đưa tăng trưởng tín dụng lên tiệm cận với mục tiêu 14% như định hướng điều hành đề ra hồi đầu năm, song quyết định vào tháng cuối cùng trước khi năm 2022 khép lại của nhà quản lý tiền tệ mới thực sự là "cú bẻ lái" ngoạn mục.
Theo đó, ngày 5/12 Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bất ngờ quyết định nới room tín dụng lần 3 thêm khoảng 1,5-2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD). Như vậy, sau 11 tháng kiên định với mục tiêu 14%, sau lần điều chỉnh này tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống được nâng lên mức 15,5% - 16%.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, với mức tăng 1,5-2% tương đương với 240.000 tỷ đồng được cung ứng thêm cho nền kinh tế. Tính đến ngày 21/12/2022, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,78 triệu tỷ đồng, tăng 12,87% so với cuối năm 2021, tăng 13,96% so với cùng kỳ năm 2021.
2. 2 lần tăng lãi suất điều hành sau 11 năm
Trái ngược với giai đoạn 2020-2021 khi NHNN hạ lãi suất điều hành 3 đợt, mỗi đợt từ 0,5-1% nhằm giảm chi phí vốn, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong bối cảnh dịch Covid-19.
Bước sang năm 2022, trước xu hướng tăng lãi suất cơ bản của NHTW các nước (nhất là FED, ECB, Úc, Canada…), tỷ giá tăng mạnh (đồng USD tăng 12% so với đầu năm); để ổn định tỷ giá USD/VND và kiểm soát lạm phát, NHNN đã thực hiện tăng lãi suất điều hành 2 đợt vào ngày ngày 22/9 và 24/10 (tương ứng với 2 đợt tăng lãi suất 75 điểm % của FED vào ngày 21/9 và 2/11), mỗi lần khoảng 1 điểm %, đưa dải lãi suất điều hành ngang với thời điểm trước đại dịch Covid-19.
Cùng với đó, lãi suất tiền gửi tối đa bằng VND kỳ hạn dưới 6 tháng tại TCTD tăng 0,8-2%/năm (vào các ngày 23/9 và 25/10/2022); tăng 1%/năm lãi suất cho vay tối đa bằng VND đối với một số lĩnh vực ưu tiên (vào ngày 25/10/2022). Đây là lần đầu tiên cơ quan quản lý tiền tệ nâng lãi suất điều hành kể từ lần tăng gần nhất là vào tháng 5/2011, tức là sau 11 năm.
3. Cung tiền thấp kỷ lục, các ngân hàng vào cuộc "đua" lãi suất, Ngân hàng Nhà nước "tuýt còi"
Với hai đợt điều chỉnh lãi suất điều hành của NHNN trong tháng 9,10, cùng với động thái nới room tín dụng, khiến cho cuộc đua lãi suất của các ngân hàng thương mại vốn đã xuất hiện ngay từ những tháng đầu năm càng thêm "nóng". Lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng được đẩy lên trên 10%/năm, thậm chí lên tới gần 13%/năm.
Các ngân hàng tăng lãi suất huy động thu hút tiền gửi tiết kiệm nhằm củng cố dự trữ thanh khoản và tạo nguồn cho vay, trong bối cảnh tăng trưởng huy động và cung tiền duy trì ở mức thấp nhất trong nhiều năm.
Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý IV của Tổng Cục Thống kê (GSO), thời điểm 21/12/2022, tổng phương tiện thanh toán tăng 3,85% so với cuối năm 2021 (cùng thời điểm năm 2021 tăng 8,31%).
Huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 5,99%, thấp hơn nhiều so với con số cùng thời điểm năm 2021 tăng 7,73%, trong khi tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 12,87%, cùng thời điểm năm 2021 tăng 12,53%. Tỷ lệ LDR thuần tại một số ngân hàng đã vượt ngưỡng 100%.
Đáng nói, lãi suất huy động tăng đã đẩy lãi suất cho vay lên mặt bằng mới đến 15 – 16%/năm.
Trước thực tế đó, tháng 12/2022, Ngân hàng Nhà nước buộc phải ra chỉ đạo các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và đồng thuận đưa lãi suất huy động cao nhất về dưới 9,5%/năm.
Đồng thời, NHNN cho biết sẽ theo dõi các trường hợp TCTD tiếp tục tăng lãi suất và có biện pháp xử lý đối với các TCTD này.
4. Tỷ giá USD biến động, NHNN liên tiếp giảm giá bán USD
10 tháng đầu năm, NHNN đã 6 lần tăng giá bán USD. Đặc biệt, ngày 17/10, giá bán ra USD đã tăng vọt từ 23.925 VND lên 24.380 VND, tương đương mức tăng tới 455 VND. Đây là bước tăng mạnh chưa từng thấy của nhà điều hành trong nhiều năm qua. Đến ngày 24/10 tiếp tục lên 24.870 đồng/USD. Giá mua/bán USD tại các ngân hàng thương mại ghi nhận mức kỷ lục trên 25.000 đồng/USD.
Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước liên tiếp bán ngoại tệ để ổn định tỷ giá (từ đầu năm đến hết tháng 9/2022, NHNN đã bán khoảng 21 tỷ USD từ dự trữ ngoại hối để bình ổn thị trường ngoại hối; theo đó, dự trữ ngoại hối giảm xuống còn khoảng 89 tỷ USD), đồng thời điều chỉnh biên độ tỷ giá giao ngay USD/VND vào ngày 17/10 từ mức +-3% lên +-5% trong bối cảnh USD tăng giá mạnh, tỷ giá giao dịch tại các NHTM ở trạng thái kịch trần biên độ.
Ngân hàng Nhà nước sử dụng lại công cụ tín phiếu lần đầu sau 2 năm để chủ động hút tiền về khi cần, đảm bảo chênh lệch lãi suất dương giữa VND và USD trên thị trường liên ngân hàng, tần suất bơm/hút mạnh dần bắt đầu từ quý 3/2022).
Trong vòng 1 tháng, NHNN đã 5 lần điều chỉnh giảm giá bán USD tại sở giao dịch, kéo tỷ giá USD/VND lao dốc trên các kênh giao dịch từ ngân hàng tới "chợ đen".
Kết quả, VND từ chỗ mất giá gần 9%, đến nay chỉ còn giảm giá khoảng 3,8% - mức mất giá của VND so với USD thấp hơn các đồng tiền khác trên thế giới. NHNN cũng đã bắt đầu chào mua ngoại tệ trở lại.
5. Pháp lý hoàn thiện
Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD ngày 21/6/2017 chính thức được gia hạn đến 31/12/2023, là giải pháp tạm thời trước khi luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu, và là giải pháp cần thiết để tiếp tục hỗ trợ việc xử lý nợ xấu của hệ thống TCTD.
Bên cạnh đó, ngày 8/6/2022, Chính phủ ban hành Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025" nhấn mạnh việc tăng vốn của các NHTM, tiếp tục các giải pháp hạn chế phòng ngừa tối đa nợ xấu phát sinh, đồng thời khuyến khích mua bán, hợp nhất, sáp nhập các TCTD.
Về chuyển đổi số, NHNN ban hành Quyết định 1097/QĐ-NHNN ngày 28/6/2022 về kế hoạch chuyển đổi số năm 2022, đưa ra nhiệm vụ và giải pháp triển khai thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển, sử dụng nền tảng số, phát triển dữ liệu số, an toàn thông tin mạng, an ninh mạng…
Năm 2022 cũng là năm bắt đầu triển khai Chương trình phục hồi phát triển KT-XH 2022-2023 theo Nghị quyết 43 (2022) của Quốc Hội và Nghị quyết 11 (2022) của Chính phủ, trong đó có gói hỗ trợ lãi suất.
Theo đó, NHNN đã ban hành Thông tư 03/2022 hướng dẫn Nghị định 31/2022 ngày 20/5/2022 về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Đây là cơ sở pháp lý để NHTM triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% (quy mô tối đa 40.000 tỷ đồng).
Nhiều chính sách mới về tín dụng và trái phiếu khác như: Thông tư 16/2021/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 15/01/2022 và thay thế Thông tư 22/2016/TT-NHNN; Thông tư 13/2022/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2021/TT-NHNN quy định về cho vay đặc biệt đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt; Thông tư 04/2022/TT-NHNN về áp dụng lãi suất rút trước hạn tiền gửi tại tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài có hiệu lực từ ngày 01/08/2022.
6. Mỹ bỏ Việt Nam ra khỏi danh sách giám sát thao túng tiền tệ.
Với nhiều nỗ lực, cố gắng trong làm việc và đàm phán của Chính phủ và NHNN, ngày 10/11/2022, Bộ Tài chính Hoa Kỳ ban hành Báo cáo về "Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ".
Theo đó, trong kỳ báo cáo này, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã đưa Việt Nam ra khỏi Danh sách giám sát về thao túng tiền tệ, đồng thời, đánh giá cao công tác điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá của NHNN trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
7. Cú sốc trái phiếu, thêm 1 ngân hàng lọt danh sách kiểm soát đặc biệt của NHNN
Sau giai đoạn bùng nổ năm 2020 - 2021, thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ ghi nhận sự trầm lắng trong phần lớn thời gian năm 2022 với khối lượng phát hành, thanh khoản giảm mạnh. Đặc biệt, vào nửa cuối năm 2022, thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chứng kiến "cú sốc" tâm lý lan rộng khi nhà đầu tư chứng kiến các vụ việc xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát.
Niềm tin suy giảm, hàng loạt tổ chức đã phải mua vào trái phiếu trước hạn, trong đó dẫn đầu nhóm mua vào trái phiếu trước hạn thuộc về ngân hàng và bất động sản.
Đặc biệt, vào tháng 10/2022, NHTMCP SCB đã được NHNN đưa vào diện kiểm soát bắt buộc khi nhiều chi nhánh, phòng giao dịch của SCB ghi nhận tình trạng đông khách hàng tới giao dịch. Một số người đến rút tiền, số khác đến thăm dò thông tin do tâm lý lo ngại về sự an toàn của khoản tiền gửi, sau những tin đồn có liên quan tới Công ty An Đông, Vạn Thịnh Phát của bà Trương Mỹ Lan.
8. Đột phá tái cơ cấu ngân hàng, đẩy mạnh chuyển đổi số, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt
Bước đột phá trong tái cơ cấu ngân hàng đến từ động thái chuyển giao bắt buộc – nhận chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém.
Cụ thể, trong năm 2022 Vietcombank, MB, HDBank đã lấy ý kiến cổ đông về nhận chuyển giao bắt buộc. Trong khi đó, VPBank cũng đang trong quá trình lấy ý kiến cơ quan quản lý nhà nước về việc nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng yếu kém. Các ngân hàng chuyển giao bắt buộc lần lượt là: CB, OCeanBank, DongABank và GPBank.
Cũng trong năm 2022, nhiều con số trong báo cáo mới đây của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, hoạt động chuyển đổi số của ngành ngân hàng tiếp tục diễn ra mạnh mẽ.
Đến nay, hầu hết các TCTD đã, đang hoặc dự tính xây dựng, triển khai Chiến lược chuyển đổi số. Nhiều nghiệp vụ cơ bản đã được số hóa hoàn toàn 100%; nhiều ngân hàng đã ghi nhận tỷ lệ hơn 90% giao dịch của khách hàng được thực hiện qua kênh số với tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) ở mức tối ưu, chỉ từ 30-40%.
Đối với việc thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg , đến nay, NHNN đã hoàn thành thử nghiệm kỹ thuật kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ công tác phòng chống rửa tiền, thông tin tín dụng và dịch vụ công NHNN; phối hợp với Bộ Công an và Bộ Thông tin và Truyền thông hoàn thành kiểm tra, đánh giá an toàn an ninh hệ thống dịch vụ công và gửi hồ sơ đăng ký khai thác khi kết nối chính thức.
Về thanh toán không dùng tiền mặt, hoạt động TTKDTM trong 11 tháng đầu năm 2022 đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2021. Giao dịch TTKDTM tăng 85,6% về số lượng và 31,39% về giá trị; qua kênh Internet tăng tương ứng 89,36% và 40,55%; qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 116,1% và 92,3%; qua phương thức QR code tăng tương ứng 182,5% và 210,6%; giao dịch qua POS tăng tương ứng 53,57% và 48,78%; giao dịch qua ATM tăng tương ứng 13,28% và 14,04%.
9. Quy mô hoạt động và năng lực tài chính của TCTD được cải thiện.
Năm 2022 là lần đầu tiên, một ngân hàng Việt (BIDV) đạt quy mô tổng tài sản trên 2 triệu tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 9/2022, có tới 5 ngân hàng có vốn chủ sở hữu vượt mốc 100.000 tỷ đồng gồm: Vietcombank (hơn 128.000 tỷ đồng), Techcombank (110.000 tỷ đồng), Vietinbank (106.000 tỷ đồng), VPBank (102.000 tỷ đồng), BIDV (101.000 tỷ đồng).
Số liệu mới nhất đến tháng 10/2022 của NHNN, quy mô tổng tài sản của hệ thống tăng trưởng 9,37%, quy mô vốn điều lệ tăng trưởng 10,5% so với đầu năm.
So với các nước trong khu vực, tỷ lệ tổng tài sản của TCTD/GDP ở mức cao (Việt Nam khoảng 190% GDP, cao hơn Malaysia (153%), Philippines (71%), Indonesia (43%), Thái Lan (152%)...).
Năm 2022, các ngân hàng tiếp tục cải thiện tỷ lệ an toàn vốn (CAR) và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong quản trị rủi ro. Trong đó, đã có hơn 20 ngân hàng đã áp dụng tiêu chuẩn Basel II. Ngoài ra, đáng chú ý, nhiều nhà băng đã thành công áp dụng Basel III, với nhiều yêu cầu khắt khe hơn, có thể kể đến TPBank, ACB, VPBank, SeABank, NamABank, OCB,… Một số ngân hàng cũng đang áp dụng một phần hoặc thí điểm triển khai Basel III như VIB, HDBank, Techcombank, ABBank, MSB, Sacombank...
10. Xu hướng khối ngoại tham gia sâu rộng hơn vào hoạt động của ngành
Tháng 6/2022, Techcombank cho biết vừa huy động thành công khoản vay hợp vốn trị giá lên tới 1 tỷ USD, đánh dấu một mốc mới trong hoạt động huy động vốn nước ngoài của ngân hàng. Khoản vay hợp vốn nước ngoài trị giá 1 tỷ USD của Techcombank là khoản tín dụng trung dài hạn có trị giá lớn nhất của một định chế tài chính Việt Nam trên thị trường hợp vốn quốc tế.
Không chỉ Techcombank, nhiều ngân hàng cũng "chạy đua" huy động vốn hàng tỷ USD từ các đối tác quốc tế gần đây, điển hình là: VPBank, VIB, SeABank…
Xu hướng khối ngoại tham gia sâu rộng hơn vào hoạt động của ngành còn được thể hiện qua việc tăng tỷ lệ sở hữu tại các ngân hàng. Chẳng hạn như tại HDBank, mới đây nhất nhà băng này đã hoàn thành việc xin ý kiến cổ đông bằng văn bản thông qua phương án phát hành 500 triệu USD trái phiếu chuyển đổi cho nhà đầu tư quốc tế và nâng room ngoại từ 18% lên 20%.
Đáng chú ý, theo dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 01/2014/NĐ-CP của Chính phủ về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam, dự kiến những ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc sẽ được nới room ngoại lên 49%.