Dân Việt

Yêu thích vị ngọt của mật ong, cô giáo dạy sinh học quyết tâm đưa sản phẩm tới trời Tây

Thùy Anh 02/01/2023 08:01 GMT+7
Làm thế nào để xuất khẩu mật ong tinh thay vì xuất khẩu thô, giá thành thấp - đó là câu hỏi đầy trăn trở của cô giáo dạy sinh học ở Vĩnh Phúc. Nhờ tình yêu với thứ "vàng nâu" này mà cô đã quyết tâm gây dựng thương hiệu mật ong để chinh phục thị trường thế giới.


Chi sẻ của chị Lê Thị Nga về ngã rẽ từ cô giáo dạy sinh học sang nghiên cứu chế biến mật ong. N.T - L.T. VD N.T

Ngã rẽ của cô giáo dạy sinh học sang làm một doanh nhân, một nhà khoa học nghiên cứu mật ong 

Năm 1993, chị Lê Thị Nga (Yên Lạc, Vĩnh Phúc) bắt đầu đến với nghề nuôi ong lấy mật khi về với nhà chồng ở huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Bố chồng của chị Nga là Nghệ nhân nuôi ong Nguyễn Văn Tý. Sau khi kết thúc chiến tranh, trở về từ chiến trường, ông Nguyễn Văn Tý đã quyết định mang đàn ong trở về quê hương Vĩnh Phúc. Với lợi thế điều kiện tự nhiên, những đàn ong được di cư lên thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc và nghề nuôi ong cũng phát triển từ đó. Thương hiệu mật ong Tam Đảo ngày càng được nhiều người tiêu dùng biết đến.

Thế nhưng cũng giống như rất nhiều cơ sở nuôi ong khác, mật ong của gia đình chị Nga chỉ phục vụ nội tiêu và xuất khẩu dưới dạng thô với giá trị thấp. Trong khi nghề nuôi ong vốn phải "nay đây mai đó", để theo những đàn ong di cư mỗi mùa lấy mật. Từ những trăn trở ấy, chị Lê Thị Nga mày mò tìm hướng đi mới.

mật ong

Cở sở, nông trại nuôi mật ong liên kết được doanh nghiệp của chị Nga thu mua, chế biến. Ảnh: NN

 "Thực ra, sản lượng mật ong Việt Nam chiếm thị phần rất lớn trên thị trường thế giới, nhưng chủ yếu xuất thô và với giá rất thấp, gần như không có lãi. Tôi thấy gia đình nhà chồng và người nuôi ong rất vất vả, gần như du canh du cư. Mỗi nơi chỉ ở một tháng. Mà giá thành như vậy thì rất thấp, cuộc sống bấp bênh. Vì vậy, càn nghiên cứu cách nuôi nong và chế biến thì mới có lãi", chị Nga chia sẻ. 

Năm 2008, chị Nga đi đến một quyết định bất ngờ khi từ bỏ hoàn toàn công việc của một cô giáo dạy Sinh học để tập trung toàn lực cho việc phát triển các sản phẩm chế biến từ mật ong. Những kiến thức Sinh Hóa đúc rút kinh nghiệm qua hàng chục năm giảng dạy là đòn bẩy để chị Nga phát triển nghề nuôi ong truyền thống của gia đình.

Những sản phẩm tinh từ mật ong lần đầu tiên ra đời

Ngay sau khi trở về tiếp quản công việc của gia đình, chị Nga đã nghĩ ngay đến việc kết hợp mật ong với các loại thảo dược sẵn có tại Việt Nam. Nhận thấy người Việt Nam uống nhiều rượu, bia, kèm theo đó là các chứng bệnh về đường tiêu hóa. Sản phẩm mật ong đầu tiên chị đưa ra kết hợp chế biến đó là mật ong kết hợp với tinh chất curcumin từ củ nghệ tươi.

"May mắn những kiến của những cô giáo dạy sinh học đã giúp tôi có nền tảng để nghiên cứu ra nhiều loại sản phẩm. Từ cô giáo sang nghiên cứu chế biến cũng có nhiều cái hay. Càng nghiên cứu tôi lại càng vui, càng đam mê. Nó giúp tôi thể hiện được kiến thức chuyên môn đã tích lũy".

Chị Lê Thị Nga cho biết: "Sản phẩm đầu tiên tôi nghĩ đến là nghệ. Mật ong ngâm nghệ bao đời này đã được cha ông ta sử dụng rất nhiều để điều trị đau dạ dày hay làm đẹp, bồi bổ sức khỏe... Trước đây khi sinh tôi uống nghệ tươi, cảm giác rất khó chịu, tôi đã đặt câu hỏi tại sao mình không làm sản phẩm này. Tôi bắt đầu nghiên cứu về curcumin có trong củ nghệ và cách kết hợp với mật ong để tạo ra sản phẩm vừa ngon vừa thơm".

Nói là làm, chị Nga ngày đêm miệt mài bên phòng thí nghiệm để cho ra đời loại sản phẩm chế biến công phu này. Ngay khi tiếp cận thị trường, sản phẩm đã được đánh giá cao và xuất khẩu sang 4 quốc gia trên thế giới như Mỹ, Đức, Hàn Quốc, Singapore.

mật ong

Những kiến thức của một cô giáo dạy môn sinh học đã giúp ích rất nhiều cho chị Nga trong nghiên cứu khoa học để tạo ra các dòng sản phẩm tinh từ mật ong. Ảnh: NN

Thành công từ sản phẩm mật ong kết hợp tinh chất Curcumin từ củ nghệ, chị Nga tiếp tục bắt tay vào nghiên cứu các sản phẩm mới. Nhận thấy Việt Nam có nhiều loại nông sản, dược liệu quý có thể phối trộn với mật ong thành sản phẩm tiện lợi như nghệ, gừng, sả, quất, chanh leo… thời gian đầu, chị Nga đã bắt tay vào nghiên cứu, sáng tạo nên những sản phẩm quen thuộc, dễ sử dụng với mỗi người dân Việt Nam. Từ đó các sản phẩm dân giã như mật ong gừng sả, mật ong quất, mật ong chanh leo cho đến các loại mật ong cao cấp như mật ong đông trùng hạ thảo, mật ong cucumin ra đời. Đến nay, chị đã phát triển hơn 40 sản phẩm ra thị trường. 

Chị Nga cho biết thêm: "Thường tôi thấy người Việt Nam tự mua mật ong về ngâm với các loại thảo dược như nghệ, hay tỏi… Nhưng ngâm như vậy nó sẽ khiến mật ong loãng ra và nó không còn ngon nữa cũng như thời gian bảo quản ngắn hơn. Và tôi nghĩ rằng đó là sứ mệnh của tôi tạo ra các dòng sản phẩm chế biến, chẳng hạn dòng stick có thể mang đi du lịch và gia tăng được cái giá trị cho sản phẩm."

Xây dựng thương hiệu cho mật ong Việt

Nhờ nắm bắt được tâm lý người tiêu dùng cùng chiến lược kinh doanh tiếp cận khách hàng thông qua việc dùng thử miễn phí sản phẩm đã giúp cho sản phẩm chế biến, mật ong của chị Nga ngày càng được người tiêu dùng tin tưởng.

Năm 2012, chị Nga nỗ lực mở rộng vùng nguyên liệu nuôi ong. Để chuẩn hóa quy trình sản xuất, chị Nga đã liên kết với các Hợp tác xã ở trong và ngoài tỉnh Vĩnh Phúc, tập huấn cho các đơn vị cung cấp nguồn nguyên liệu ong những kiến thức cần thiết để thu mua sản phẩm mật ong chất lượng đưa ra thị trường. Chị Nga cho biết thêm: "Hằng năm chúng tôi tập trung đội ngũ kĩ thuật như không sử dụng kháng sinh trong trị bệnh cho ong để không nhiễm kháng sinh trong xuất khẩu. Chúng tôi chọn ra người ưu tú nhất để kiểm soát khu vực chúng tôi thu ở vùng nguyên liệu. Đồng thời cử cán bộ của chúng tôi vào mùa thu hoạch để kiểm định những sản phẩm mật ong chất lượng nhất trước khi đưa vào khâu chế biến".

Năm 2021, doanh thu từ hoạt động sản xuất, chế biến và tiêu thụ mật ong của đơn vị chị Nga đạt 50 tỷ đồng, đem lại công ăn việc làm cho hàng nghìn nông dân trên cả nước từ việc thu mua mật ong. Hiện tại, chị Nga đang tiếp tục bắt tay vào nghiên cứu các thị trường có thói quen sử dụng mật ong kết hợp với các loại thảo dược như Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore để ngày càng đa dạng hóa các sản phẩm mật ong chế biến mang thương hiệu Việt Nam vươn xa trên thị trường quốc tế.

Hiện nay, chị Nga đã phát triển 50 trang trại vệ tinh, tập trung vào các vùng nuôi ong như dãy núi Tam Đảo thuộc tỉnh Vĩnh Phúc, vùng núi Tây Bắc – nơi tập trung các nguồn hoa đặc biệt để khai thác mật ong từ hoa rừng, từ cây mắc ca, cây cao su. Ngoài ra, chị Nga cũng tập trung cho hoạt động xuất khẩu với vùng nguyên liệu tại các tỉnh như Lâm Đồng, Bến Tre để khai thác mật từ cây chôm chôm, cao su, cà phê cho nguồn mật phong phú, đa dạng. Ở những nơi đạt tiêu chuẩn lấy mật, chị Nga đều hướng tới sự phát triển cộng đồng nuôi ong bền vững bằng sự ổn định về giá cả.

Khi những người nuôi ong nuôi theo đúng quy chuẩn chị Nga đề ra sẽ được bao tiêu sản phẩm một cách bền vững đồng thời được trả giá cao hơn thị trường. Chị Nga cho biết thêm: "Tất cả trang trại thu mua cao hơn mặt bằng thị trường từ 2 – 5 giá. Đặc biệt vùng cho nguồn mật quý như Sơn La, Tuyên Quang, Yên Bái chúng tôi thu mua cao hơn thị trường rất nhiều và khi kiểm định mật ong không cho ăn đường thì chúng tôi mới thu mua".

Để có thể đưa thương hiệu mật ong Việt đi xa hơn, những trăn trở về thiếu sản phẩm chế biến sâu đã thôi thúc chị Nga bắt tay vào chuẩn hóa quy trình sản xuất. Đến nay, trên diện tích 2 ha, chị đã xây dựng nhà xưởng hiện đại đạt tiêu chuẩn xuất khẩu quốc tế như GMP, FSC…với quy trình nghiêm ngặt đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm từ vùng nuôi đến nhà máy để vào các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Singapore… và dự tính mở rộng ra nhiều thị trường hơn nữa.